Đọc sách, văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng

18/04/2019 15:27

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Ngày sách Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đọc sách, văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng.


Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (bên trái) và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc

Đọc sách, văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Đây là ghi nhận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ –TTg ngày 24.2.2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam. Hội nghị do Bộ Thông tin và Truyền thông với nhiều cơ quan liên quan phối hợp tổ chức ngày 18.4, tại Hà Nội.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức quốc tế… đã dự hội nghị.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việt Nam tự hào là dân tộc có 4.000 năm văn hiến, có truyền thống hiếu học. Ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi toàn dân diệt giặc dốt. Người đã phát động phong trào "Bình dân học vụ", căn dặn cán bộ cách mạng học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân.

Từ năm 2014, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, đây thực sự  là sự kiện trở thành dấu mốc quan trọng, giúp khôi phục và phát triển văn hóa đọc. Đến nay, có rất nhiều tấm gương cao đẹp về việc duy trì, phát triển văn hóa đọc. Nhiều nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân đã có những hành động đẹp, giúp đưa sách đến những nơi cần, vùng sâu, vùng xa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn nhiều tổ chức trong, ngoài nước đã đồng hành cùng Ngày sách Việt Nam, chương trình phát triển văn hóa đọc, nhờ đó sách Việt Nam đã đến với nhiều bạn bè quốc tế và ngược lại.

Phó Thủ tướng cho rằng: Qua 5 năm tổ chức Ngày sách Việt Nam đã kết quả đạt được đáng khích lệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để việc đọc sách, văn hóa đọc đi vào thực chất, lan tỏa đến mọi ngành, mọi cấp, toàn xã hội, nhất là đến giới trẻ, cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước. Bên cạnh đó, dù đã cố gắng nhưng các cơ chế tài chính, kinh tế cho các nhà xuất bản, hoạt động liên quan đến sách… của Việt Nam còn nhiều hạn chế vướng mắc, cần được tập trung tháo gỡ trong thời gian tới.

Để văn hóa đọc tiếp tục được phát triển, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối kiến nghị chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà xuất bản, đưa sách về mọi nơi. Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì đề án phát triển văn hoá đọc cần tích cực phối hợp làm tốt những việc trên. Việc đọc cũng cần lồng ghép vào trong các phong trào văn hóa, khuyến công, khuyến nông… Hoạt động tôn vinh tác giả, những tấm gương vì cộng đồng đã đưa sách, văn hóa đọc đến mọi người, mọi nhà; việc tiếp tục tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để khuyến khích mọi người viết sách, tạo ra nhiều tác phẩm tốt, hay… cần được quan tâm hơn nữa.

Các ngành chức năng cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hội có liên quan đến xuất bản; tiếp thu ý kiến của các hội này trong việc xây dựng chính sách phát triển văn hóa đọc; tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế, làm tốt công tác giới thiệu xuất bản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại.


 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Phó Thủ tướng đánh giá cao Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhiều cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền về Ngày sách Việt Nam, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam; đồng thời hy vọng hoạt động truyền thông khuyến khích đọc sách, văn hóa đọc được tăng cường hơn nữa, nhất là trong thời đại truyền thông số…

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ kế hoạch tổ chức Ngày sách Việt Nam đến các bộ, ngành, tổ chức, địa phương trong cả nước. Ngày sách Việt Nam được tổ chức với mục tiêu phát động, xây dựng phong trào đọc, viết, quảng bá, lưu giữ sách trong các tầng lớp nhân dân, lan tỏa phong trào này thành nếp sống đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tôn vinh người đọc và tham gia sưu tầm, lưu giữ, xuất bản, phát hành sách.

Trong 5 năm qua, số cuốn sách tăng 22%, số bản sách tăng 55 % so với trước. Tuy chưa phải phổ cập nhưng Ngày sách Việt Nam đã về tới cấp huyện, xã. Tủ sách đã về tới lớp học, hộ gia đình; giờ đọc sách đã vào lớp học; Tết đến mọi người mừng tuổi bằng sách. TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có đường sách. Nhiều địa phương đã tổ chức Ngày hội sách. Giải thưởng sách quốc gia được tổ chức hàng năm. Đã có 10 nhà xuất bản chuẩn bị tổ chức xuất bản sách điện tử.

Tiến tới 5 năm tiếp theo, Việt Nam phấn đấu số cuốn sách tăng 50%, số bản sách tăng 100%. Nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành để chấn hưng văn hóa đọc. Ngày sách, đường sách, phố sách, tủ sách, hội chợ sách sẽ được phổ cập rộng rãi. Giải thưởng sách quốc gia sẽ được đổi mới, tổ chức với quy mô lớn hơn, thu hút sự quan tâm của xã hội.

Tại hội nghị này, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến tham luận để Việt Nam thực sự là một dân tộc ham học, ham đọc sách, để chấn hưng văn hóa đọc, mỗi người Việt đều có tinh thần học tập, đọc sách cả đời...

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam, góp phần phát triển văn hóa đọc...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đọc sách, văn hóa đọc đã nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng