Ra đời đã hơn nửa thế kỷ, bài thơ “Rằm tháng giêng” (Nguyên tiêu) của nhà thơ lớn Hồ Chí Minh vẫn không ngừng được các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học và người yêu thơ tìm hiểu, chiêm ngưỡng. Giống như “ngọc càng soi càng tỏ” qua thử thách thời gian, “Rằm tháng giêng” càng lồng lộng trăng soi. Nhất là từ năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam lấy ngày Rằm tháng giêng hằng năm làm Ngày thơ Việt Nam thì người yêu thơ càng có dịp hiểu thêm về bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ viết đúng tiết rằm tháng giêng năm Mậu Tý 1948, cách đây 65 xuân.
Bài thơ viết bằng chữ Hán, có bốn câu, nhưng mỗi câu là một nét khắc hoạ tinh tế cảnh sắc thiên nhiên và cảm xúc của con người trước thiên nhiên kỳ vĩ. Nét khắc họa ấy vừa mang cái nhìn tinh tế của người họa sĩ, lại vừa có cái cảm thụ sâu lắng của một tâm hồn dễ rung động, làm người đọc đã đọc một lần lại muốn đọc lần thứ hai, thứ ba... Trong cái khung cảnh đêm thanh vắng, nhà thơ Hồ Chí Minh cùng những người đồng sự ngồi thuyền trên dòng sông để họp bàn về một vấn đề quân cơ. Chỉ một việc ngồi thuyền họp đã làm cho người đọc liên tưởng đến vấn đề quân sự Bác Hồ họp bàn ở đây quan trọng đến mức nào mới họp trên sông để giữ bí mật tuyệt đối, đồng thời cũng lại mường tượng thấy con thuyền đang đậu lềnh bềnh trên dòng sông đêm trăng thật thi vị. Hơn thế nữa, đêm trăng ấy lại là trăng rằm bao giờ cũng được coi là đêm trăng đẹp nhất trong tháng. Cũng lại hơn thế, tháng ấy không phải là tháng bình thường, mà là tháng giêng, mở đầu mười hai tháng trong năm. Tháng giêng cũng có nghĩa là mùa xuân, một mùa đẹp nhất trong bốn mùa, vạn vật xanh tươi, cây cối đơm bông, sinh thành và phát triển. Một đêm trăng đẹp nhất trong tháng, một tháng đẹp nhất trong năm...
Mở đầu là đêm rằm tháng giêng, đọc qua ngỡ như định thời gian, khung cảnh đêm trăng, nhưng đọc kỹ đã thấy cái “Rằm xuân lồng lộng trăng soi” kia rồi. Nếu đọc bản chữ Hán, chỉ với ba chữ “nguyệt chính viên”, Bác Hồ đã đặc tả tận cùng cái đẹp của vầng trăng rằm tháng giêng “lồng lộng trăng soi” vừa cao vời, vừa lộng lẫy. Nhưng chỉ có thế vẫn chưa nói được gì nhiều về mùa xuân, tiết xuân. Phải đến câu tiếp theo: “Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”, thì mới như hiển hiện ra trước mắt người đọc một cảnh xuân lộng lẫy nhường nào. Nhà thơ không chỉ tả tiết xuân đến khắp muôn nơi một cách thông thường mà khắc hoạ cái xuân sắc ấy rõ nét đến từng đường viền chi tiết. Trong thơ ca nhiều người cũng nói đến “sông xuân”, “trời xuân”, nhưng “nước xuân” thì có lẽ chỉ đến bài thơ “Rằm tháng giêng” mới gặp lần đầu. Xuân sang mà đến cả màu nước sông cũng nhuốm màu xuân xanh. Trên dòng sông xuân đẹp ấy, con thuyền của Bác neo đậu ở giữa “sâu nơi khói sóng” để họp bàn một việc quan trọng vào bậc nhất hồi bấy giờ: quân sự.
Đến đây thì nhiều người còn nhớ, thu-đông 1947, quân ta chiến thắng ở Việt Bắc, bẻ gẫy âm mưu của giặc Pháp đánh ra vùng tự do hòng tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Tháng 1 - 1948, đúng vào mùa xuân Mậu Tý, Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng phân tích tương quan lực lượng giữa ta và địch, quyết định chuyển giai đoạn kháng chiến, tạo ra thế và lực mới trên toàn chiến trường Đông Dương. Có thấy bối cảnh đất nước hồi ấy, mới cảm nhận hết cái hào sảng, phấn chấn, lạc quan nằm ngay trong từng câu thơ của Bác Hồ trong bài “Rằm tháng giêng”.
Chính bối cảnh và triển vọng của cuộc kháng chiến đã là chất thơ ẩn chứa trong tâm hồn nhà thơ lớn Hồ Chí Minh và khi tâm hồn thơ ấy lại gặp cảnh sắc rất thơ của tiết trời xuân thiên nhiên thì rất nhanh chóng hoà quyện với nhau, tạo thành tứ thơ bay bổng. Ngay từ câu mở đầu: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi” đến câu kết: “Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”, đều toát nên chất hào sảng, phấn chấn đến đắm say lòng người. Như thế, dù là đang bàn một việc quan trọng quân sự, thì càng tăng thêm phấn khích, hào hứng, bớt đi cái căng thẳng, mệt mỏi trong suy tư, họp bàn. Và, sâu xa trong bài thơ còn ẩn chứa tư tưởng chính nghĩa, nhân văn của cuộc kháng chiến do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
CAO NĂM
Rằm tháng giêng Rằm xuân lồng lộng trăng soi, Năm 1948 HỒ CHÍ MINH |