Bài 1:
Thân như hơi thở qua buồng phổi
Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa
Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng
Đâu phải mùa xuân dễ luống qua.
Bài 2:
Tuổi trẻ chưa từng lẽ sắc không
Xuân sang hoa bướm rộn tơ lòng
Chúa Xuân nay đã từng quen mặt
Thiền tọa ngồi yên, ngắm rụng hồng.
(Theo "Thơ Văn Lý - Trần của Viện văn học, ủy ban KHXH VN)
Trần Nhân Tông (1258-1308), nhà vua đời Trần, đi tu đắc đạo, trở thành Thiền sư; là vị sư tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Ông để lại nhiều bài thơ giá trị nghệ thuật, mang đậm tư tưởng Phật giáo và triết lý nhân sinh. Theo cách gọi bây giờ, đây là dạng thơ "Thiền". Tuy nhiên, không chỉ bó hẹp trong lăng kính người tu hành, nhiều bài thơ của ông còn mở rộng, để người đời đọc cảm nhận nhiều điều ngoài chốn cửa Phật:
"Thân như hơi thở qua buồng phổi
Kiếp tựa mây luồn đỉnh núi xa
Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng
Đâu phải mùa xuân dễ luống qua"
Theo Hòa thượng Thích Giác Toàn về bài thơ, "Đây là một thái độ tỉnh giác trước vô thường, biết quý trọng và làm chủ tâm thức mình trước sự chuyển dịch của thời gian". Tuy nhiên ở đây, bên cạnh nhà sư, còn có một nhà thơ, một con - người - thơ nặng nghĩa đời. Bởi thế mới có chuyện, cái quy luật thời gian kia (mùa hè với chim quyên kêu rã) cũng chẳng hề tác động đến tâm tư, tình cảm con người. Ngược lại, mùa xuân (đồng nghĩa với những gì sinh khí, tình yêu) không dễ gì đi qua. Đây không chỉ là một cách nhìn sự vật, còn là một thái độ sống tích cực, nhất là khi nó được nói lên từ nhà sư. Đi tu đâu phải là hoàn toàn lẩn tránh cuộc đời. Với một tinh thần trách nhiệm sống cao cả, một tình yêu chúng sinh,Trần Nhân Tông đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm độc đáo, sáng tạo của Phật giáo Việt Nam. Đó là tư tưởng Đời luôn gắn kết với Đạo, song hành tồn tại. Tốt đời, đẹp đạo và ngược lại. Tất nhiên cần phải hiểu, ý nghĩa không từ bỏ cuộc đời ở đây không có nghĩa cả "tham, sân, si", nó chính là lòng yêu nước thương nòi của một vị minh quân.
Cùng tư tưởng chủ đạo trên, bài thơ thứ hai lại nhìn cuộc đời ở một giác độ "tâm thế", chỉ ra một nhãn quan nhân sinh sâu sắc:
"Tuổi trẻ chưa từng lẽ sắc, không
Xuân sang hoa bướm rộn tơ lòng
Chúa Xuân nay đã từng quen mặt
Thiền tọa ngồi yên, ngắm rụng hồng"
Vẫn theo Hòa thượng Thích Giác Toàn, bài thơ đề cập "Thân phận con người, một hệ quả tất yếu trong đời sống hiện hữu. Giác ngộ làm chủ cuộc sống của chính mình, của một đời người không phải là điều dễ làm. Từ khi mới lọt lòng mẹ, cho đến khi trưởng thành, già yếu và mất đi... Một đời người chúng ta trải qua biết bao nỗi thăng trầm, khổ vui, được mất". Tuy nhiên, sau tất cả những gì nếm trải cuộc đời, đến cả "Chúa Xuân nay đã từng quen mặt", nhà thơ lại đưa ta trở về một triết lý thấm đẫm nhân sinh "ngắm rụng hồng". Phải chăng những cánh hoa rụng đâu chỉ là sự "mất đi", mà từ trong bản chất sự tàn lụi, lại mở ra những mầm sống mới. Nói như đạo Phật, đó là vòng luân hồi. Vấn đề là con người biết chấp nhận, làm chủ nó như một quy luật không? Và khi tỉnh giác, làm được việc đó, thì đó không chỉ là gia phong của chư phật, nó chính là mùa xuân miên viễn trong lòng người.
Hai bài thơ "Thiền" trên của Trần Nhân Tông, rõ là của một vị sư tổ, song nó cũng mang đến cho người đời một triết lý nhân sinh, một tình yêu cuộc sống sâu sắc.
NGUYỄN SIÊU VIỆT