Độc đáo tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa bằng gạch

01/04/2020 12:30

Được xây dựng từ thế kỷ 20, đến nay tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa ở chùa Linh Quang, thôn Lương Xá Nam, xã Kim Liên (Kim Thành) vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính.


Toàn cảnh tòa Cửu phẩm Liên hoa chùa Linh Quang

Đây là tòa tháp bằng gạch duy nhất trên địa bàn tỉnh và là một trong số ít tòa tháp bằng gạch còn tồn tại đến nay trên cả nước.

Minh chứng lịch sử

Chùa Linh Quang được dựng trên một khu đất rộng rãi, cây cối xum xuê ở xã Kim Liên, cách TP Hải Dương gần 30 km. Theo các tài liệu lịch sử, ngôi chùa được khởi dựng từ thời Hậu Lê vào thế kỷ 17, "Linh Quang" nghĩa là linh thiêng trong sáng. Trước năm 1945, ngôi chùa có 5 gian tam bảo, 5 gian nhà tổ, 3 gian nhà khách được xây dựng bề thế, lợp ngói mũi hài.

Bà Hứa Thị Nhân, 71 tuổi, thành viên Ban hộ tự chùa Linh Quang cho biết, theo những người cao tuổi trong họ kể lại, tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa (CPLH) được cụ Hứa Phúc Trung, còn gọi là cụ Hậu Hiệu công đức cho nhà chùa. Bà Nhân là cháu 5 đời của cụ Hậu Hiệu. Ngày đó cụ là một trong những người giàu có nhất vùng, nhiều lần công đức tiền, hiến đất cho địa phương để dựng đình, chùa. Năm 1926, cụ Hậu Hiệu cùng một số người dân trong làng đến các chùa có tháp CPLH đẹp ở Ninh Bình học hỏi để về xây tại chùa Linh Quang. Cụ mời thợ ở Nam Định về xây tháp. Tháp được xây bằng gạch, kết dính bằng mật mía, vôi, cát.

Tháp có 9 tầng với ý nghĩa là nơi giao thoa đất trời, biểu hiện thế giới thanh tịnh của Đức Phật. Không chỉ là công trình mang ý nghĩa tâm linh độc đáo, tòa tháp còn trở thành chứng nhân lịch sử của thời gian. Trong thời kỳ kháng chiến, sư trụ trì chùa một lòng theo cách mạng, ban ngày thầy tham gia dạy bình dân học vụ, buổi tối dạy thanh niên trong làng tập võ, rải truyền đơn tuyên truyền. 

Biết được ngôi chùa là cơ sở cách mạng, giặc Pháp đã dỡ chùa lấy vật liệu xây bốt Phú Thái. Ngôi chùa chỉ còn nền móng và tháp CPLH. Năm 1968, trên nền chùa cũ, huyện xây dựng nhà kho chứa thóc và thủy sản. Đến năm 1991, nhân dân địa phương tận dụng công trình cũ, cải tạo thành nơi thờ Phật. Năm 2006, ngôi chùa được phục dựng như hiện nay.

Trong 2 cuộc kháng chiến do nhiều lần bị bắn phá nên những chi tiết của tòa CPLH bị sứt vỡ trơ cả lõi gạch với nhiều lỗ thủng khá to. Năm 2003, bằng nguồn kinh phí của Nhà nước, tháp CPLH đã được tu bổ, chống xuống cấp, bước đầu trả lại hình dáng kiến trúc ban đầu.

Kiến trúc độc đáo


Các "ông" sấu đá ở chân tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa

Qua bao thăng trầm thời gian, tòa tháp vẫn sừng sững giữa đất trời. Du khách đến vãn cảnh chùa Linh Quang có thể nhìn thấy tòa tháp từ xa với độ cao 13,5 m, 9 tầng theo phương thẳng đứng, nhỏ dần đều từ dưới lên, mỗi tầng 6 cạnh, vật liệu chính là gạch ống và gạch hoa. Tháp được chia thành 3 phần bệ, thân và chóp.

Phần bệ CPLH được tạo dựng từ các đường gờ chỉ tinh tế chạy khắp 6 mặt của bệ tạo thành những đường nét mềm mại. Mỗi cạnh ở phần bệ bố trí một "ông" sấu đá giơ lưng đỡ tháp, hai chân trước ôm quả cầu khắc chữ thọ. Các "ông" sấu đá này do những nghệ nhân ở Thanh Hóa chế tác bằng đá xanh với đường nét điêu khắc sinh động. Theo người dân địa phương, "ông" sấu quay về 6 phương nhằm phù hộ cho nhân dân bình an. Có một giai đoạn 2 trong 6 "ông" sấu được chuyển đi nơi khác, dân làng phải đòi lại nhiều lần mới mang được về.

Phần thân tháp được xây rỗng bên trong, 9 tầng chia thành 3 mảng trang trí khác nhau theo 3 nhóm tầng, trên cùng là phần chóp. Chia cách mỗi nhóm tầng là phần mái ở các tầng 3, 6, 9 lợp ngói âm dương, tại nơi tiếp giáp của các cạnh đều được các nghệ nhân bố trí đầu rồng quay về các hướng.

Nhóm tầng đầu tiên 1, 2, 3 mỗi cạnh dài 1,3 m, cao 1,2 m tạo thành hình lục giác. Các tầng cách nhau bằng đường gờ chỉ 6 mặt, các mặt tạo thành từ gạch hoa, phía dưới có phù điêu sóng nước và phù điêu chữ triện đẹp mắt. Các tầng 4, 5, 6 nhỏ hơn 3 tầng dưới. Ở 3 tầng giữa này các mảng phù điêu được ghép khá công phu và chi tiết. Chính giữa các cạnh đều ghép các viên gạch hoa hoặc mảnh sành, sứ tạo dáng hình quả trám, hoa thị, chữ thọ. Phân cách giữa các tầng là phù điêu sóng nước và những cánh sen được ghép thành các mảnh sành, sứ. Nhóm tầng trên cùng 7, 8, 9 có kích thước nhỏ nhất, kết cấu khá giống với các tầng dưới. Điều khác biệt là tại tầng 7 và tầng 9 cả 6 mặt đều gắn sành sứ tạo hình chữ thọ ở chính giữa, tầng 8 có 6 bông cúc mãn khai chính giữa các mặt.

Phần chóp là chi tiết cuối cùng của tháp CPLH. Một số người cao tuổi trong làng kể lại trước kia trên đỉnh tòa tháp là một quả cầu và một chiếc bút lông. Tuy nhiên, qua nhiều lần sửa chữa, đến nay phần chóp được tạo bình nậm rượu lớn, 4 mặt gắn sành sứ tạo thành chữ thọ với ý nghĩa đạo Phật là trong sáng nhất, Phật có thể nhìn thấu 4 phương 8 hướng, cứu khổ cứu nạn cho nhân gian. Năm 2001, tháp CPLH chùa Linh Quang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đây là một trong số ít tòa tháp CPLH bằng gạch còn tồn tại trên cả nước nên di tích này cần được quan tâm bảo vệ.

BÌNH AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo tòa tháp Cửu phẩm Liên hoa bằng gạch