Độc đáo tò he Hoàng Giáp

02/07/2011 07:08

Tò he là đồ chơi dân gian được nặn bằng chất liệu bột gạo với nhiềumàu sắc bắt mắt và có thể ăn được. Những sản phẩm này thường có hìnhthù các con vật như: trâu, bò, voi, ngựa, hoặc ông tiến sĩ, Tôn NgộKhông...



Dân làng Hoàng Giáp có bí quyết riêng để nặn tò he rỗng

Mươi năm về trước, nghề tò he khá phổ biến ở làng Hoàng Giáp, xã An Lâm (Nam Sách). Bây giờ cả thôn còn khoảng 30 gia đình làm nghề. Gia đình ông Cúc là một trong những hộ làm nghề lâu năm và hiện vẫn đang duy trì. Ông Cúc nặn một chú trâu hoa cho tôi xem. Từ một mẩu bột vàng, vo tròn rồi dát mỏng, quấn quanh ngón tay trỏ, bẻ mấy mẩu tre làm cốt và qua vài động tác, thân mình, chân, đầu con tò he được hình thành. “Phần mà một người thợ phải hoàn thành trước nhất chính là thân. Khi đã có phần cơ bản đó, người thợ sẽ dùng các loại bột màu khác để trang điểm cho con giống”. Vừa nói ông Cúc vừa viên các thứ bột màu tạo hình cho chú tò he đang làm. Cặp sừng ông dùng ba mẩu bột xanh, đỏ, vàng miết kỹ gắn thành. Mất 15 phút, chú trâu hoa ngộ nghĩnh đã “ung dung” đứng trên mâm. Thợ lành nghề một buổi sáng có thể nặn được trên 30 con giống như thế này. Đồ nghề làm tò he cần một chiếc chậu sành dùng thấu bột, đĩa sáp ong làm trơn tay khi nặn, những thanh tre, vòng tre làm cốt và một thứ không thể thiếu là hộp phẩm màu. “Muốn có bột màu gì thì quết phẩm màu đó lên bột trắng rồi cho vào chậu thấu tới khi mong muốn”, bà Cúc giảng giải. Nghề tò he có bốn màu cơ bản thường sử dụng là: vàng, đỏ, đen, xanh. Các màu khác được pha chế từ bốn màu này. Trước đây, màu được sử dụng có nguồn gốc từ thực vật, màu vàng làm từ nghệ hoặc hoa hòe, màu đỏ làm từ quả gấc, quả dành dành, màu xanh từ lá riềng, màu đen từ tro bếp... bởi vậy các chú tò he sau khi chơi có thể ăn. Ngày nay các loại bột màu được thay bằng màu thực phẩm hoặc màu công nghiệp nên khó kiểm soát độ an toàn...

Nguyên liệu chính làm tò he ở Hoàng Giáp nhất thiết là gạo tẻ có độ trắng cao, lúc chế biến thành bột và đồ lên thì dẻo và không dính. Gạo được đem giã sống trong cối đá bằng chày gỗ dài 1m, đường kính 7- 8cm, mỗi mẻ giã khoảng 2 kg và thường kéo dài 3 tiếng. Giã bột là khâu nặng nhọc (giã tay) nên người đảm nhiệm cần có sức khỏe. Khi giã xong đem rây kỹ lấy phần bột mịn rồi đồ chín trong chõ sành, vợi ra để nguội, tiến hành thấu. Công đoạn thấu cần người có kinh nghiệm dày dặn, nếu bột rắn, quá trình nặn con giống nhanh bị khô và nứt, nếu nát mẻ bột đó phải bỏ.

Tò he thường được làm đặc và cắm trên cành tre, tò he làng Hoàng Giáp lại được làm rỗng, các con giống đứng bằng chân của mình. “Làm tò he rỗng là bí quyết nghề của làng chúng tôi. Có nhiều vùng làm tò he bắt chước nhưng thất bại”, ông Cúc cho biết. Việc nặn tò he rỗng giúp người thợ Hoàng Giáp tiết kiệm nguyên liệu, tuy vậy lại khó làm và đòi hỏi sự tinh xảo. Ngoài ra sau khi nặn xong, tò he Hoàng Giáp phải được hấp chín rồi mới mang ra chợ. Theo người thợ Hoàng Giáp, công đoạn hấp giúp cho tò he có độ bóng, đẹp, đồng thời làm bột dính lại. Sau khi hấp con giống khô đi có thể giữ được hàng năm.

Nghề nặn tò he ở Hoàng Giáp đã có từ rất lâu. Trẻ con được học nghề từ nhỏ cùng ông bà, cha mẹ. Nặn tò he không khó, quan trọng là niềm say mê. Gia đình ông Cúc thoát được cảnh nghèo và nuôi các con học đại học cũng nhờ nghề cổ truyền này. Vào dịp Trung thu, loại đồ chơi này cũng được nhiều du khách ở xa mua về làm quà. Có những phiên chợ chị Chít con ông Cúc bán được tới 5 khay tò he. Ngày trước, người Hoàng Giáp làm nghề quanh năm và tò he được mang bán khắp các chợ trong vùng, xuống tận Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình… Vài năm trở lại đây làm tò he chỉ còn tập trung vào dịp lễ Tết, Trung thu. Nguyên do là sự xuất hiện đủ loại đồ chơi Trung Quốc. Mặc dù vậy, thôn Hoàng Giáp vẫn còn khá nhiều gia đình giữ nghề lâu đời như: ông Phạm Văn Phúc, ông Nguyễn Văn Toàn, bà Phạm Thị Mận, ông Phạm Quý Chi, ông Nguyễn Văn Cúc…

NGỌC HÙNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo tò he Hoàng Giáp