Đình thôn Thủ Pháp, xã Đoàn Kết (Thanh Miện) là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh con rể Vua Hùng. Trải qua hàng trăm năm, lễ hội đình nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo.
Lễ rước Sơn Thánh Tản Viên thu hút đông đảo khách thập phương và người dân. Ảnh tư liệu
Tưởng nhớ công ơn
Đình Thủ Pháp được xây dựng vào thời Lê, trùng tu vào thời Nguyễn (năm Nhâm Tuất 1922), gồm 5 gian tiền bái, 5 gian thiêu hương, 3 gian hậu cung, hai bên có 2 dải vũ. Do thời gian cộng với chiến tranh tàn phá nên ngôi đền chỉ còn 3 gian. Ở hậu cung, chính giữa có ngai thờ Tản Viên Sơn Thánh. Hai bên có 2 bát hương thờ 2 vị tướng có công theo phò Sơn Thánh đánh đuổi quân Thục. Trước đây, đình Thủ Pháp có nhiều đồ tế tự và những cổ vật có giá trị nhưng nay đã bị thất lạc. Di tích chỉ còn các hiện vật như bản thần tích bằng chữ Hán nói về sự tích Sơn Thánh Tản Viên, sắc phong triều Khải Định, 1 bức trâm chữ Hán, một kiệu bát cống, 7 bát bửu, 2 án thư.
Theo bản thần tích và truyền thuyết, trong một lần về động Lăng Sương, Nguyễn Tuấn (Tản Viên Sơn Thánh) cùng mẹ nuôi là Ma Thị Cao Sơn thần nữ đi qua Thủ Pháp (trước gọi là thôn Vắp) và nghỉ chân tại khu đất cao nhất của làng, cạnh sông Cửu An. Tức thì có 500 con voi và hổ tới quỳ phục xung quanh. Ngài giơ gậy thiêng lập tức voi về nam, hổ về bắc. Dân làng vui mừng ra thỉnh tấu nhã ý muốn làm cơm mời 2 mẹ con. Thấy dân làng có tâm nên ngài đã dùng gậy thiêng ban phép “cầu gì được nấy”. Xưa cả xã Đoàn Kết chỉ là một vùng đất bãi, xung quanh bốn bề sông nước, cây cối, cỏ dại mọc um tùm. Dân làng xin ban đất đai màu mỡ, mưa thuận gió hòa, cấy cày, làm ăn được thuận lợi. Ước nguyện của dân làng ngay lập tức được ngài thực hiện. Hai mẹ con còn dạy dân làng cách làm ruộng, săn bắn, kéo vó, múa hát…
Sau này Nguyễn Tuấn gặp và được vua Hùng Duệ Vương gả cho công chúa Ngọc Hoa xinh đẹp, phong làm Tản Viên Sơn Thánh. Về sau quân Thục sang đánh chiếm nước ta, vua sai thần Tản Viên đi đánh dẹp. Nhờ có gậy thần, Tản Viên Sơn Thánh phá được quân Thục. Vua Hùng thấy con rể là người tài giỏi bèn trao cho quyền trị nước. Sơn Thánh chỉ nhận chức ấy trong mấy tháng rồi xin vua cho đi chu du khắp nơi cứu dân độ thế.
Tản Viên Sơn Thánh hóa về trời vào ngày 15 tháng giêng. Để tưởng nhớ công ơn ngài, dân làng Thủ Pháp đã lập đền thờ (nghè Vắp) bằng gỗ lim ngay tại khu đất ngài ngự, quanh năm hương khói phụng thờ. Đến năm 1949, nghè Vắp bị quân Pháp phá hủy. Sau này, nhân dân Thủ Pháp đã làm lễ rước ngài từ khu nghè Vắp về đình Thủ Pháp hiện tại tiếp tục thờ phụng.
Người dân chui qua gầm kiệu
Lễ hội đình Thủ Pháp diễn ra từ ngày 12-14.3 âm lịch hằng năm. Vào ngày 12 (mở cửa đình), dân làng tổ chức rước kiệu Tản Viên Sơn Thánh và Ma Thị Cao Sơn thần nữ từ đình Thủ Pháp ra nền đất xây nghè Vắp trước kia để tế lễ. Đi đầu là kiệu hoa, tiếp đến kiệu Mẫu thánh (Ma Thị Cao Sơn thần nữ) và cuối cùng là kiệu Sơn Thánh Tản Viên. Kiệu Sơn Thánh Tản Viên do 8 chàng trai khỏe mạnh, tuấn tú, là người dân gốc của làng đảm trách. Thành phần đoàn rước, ngoài các vị cao niên còn có các quan viên và nhân dân trong làng. Đội nghi trượng gồm phường bát âm, cờ phướn, biển dấu, bát bửu… Kiệu thánh đi đến đâu, các hộ dân sinh sống hai bên đường sẽ bày hoa quả, trà, rượu, bánh kẹo ra trước cửa nhà để thắp hương tưởng niệm công đức.
Ông Ngô Văn Nhị, Trưởng thôn Thủ Pháp cho biết: "Từ tháng 2 âm lịch, dân làng đã họp để chọn cử ông chủ tế. Chủ tế phải là người có chức sắc trong làng, từ 55 tuổi trở lên, gia đình song toàn. Trai tráng rước kiệu cũng được chọn lọc rất kỹ lưỡng. Trong đó, 8 người khiêng kiệu bát cống phải là trai tráng chưa vợ. Những đồ rước trong ngày lễ cũng phải gột rửa sạch sẽ".
Ngày rước, kiệu ngài đi đến đâu, người dân và du khách thập phương nườm nượp chui qua gầm kiệu đến đó. Ai cũng mong muốn được ngài che chở, ban cho sức khỏe, may mắn và tài lộc trong suốt một năm. Chị Nguyễn Thị Tư ở xóm Đông cho biết ngày rước ngài, nhân dân trong làng dù ở bất kỳ đâu cũng tranh thủ về dự. Đoàn người chui qua gầm kiệu ngài nối dài hầu như không ngắt quãng. Nghi lễ này được lưu truyền qua nhiều đời và đã trở thành nét độc đáo riêng so với nhiều lễ hội khác.
Theo các cụ cao niên trong làng, trước đây nhân dân địa phương thường mở lễ tế vào các tiết trong năm. Ngày 15 tháng giêng (ngày Sơn Thánh hóa về trời), dân làng dùng 2 con trâu, 6 vò rượu, 40 đấu gạo, hoa quả, bánh, trầu cau để dâng cúng. Đến ngày 12.3 âm lịch (tương truyền là ngày Sơn Thánh đi qua làng Thủ Pháp), nhân dân thường dùng đồ chay để tế lễ. Ngày 25.7 âm lịch (ngày giỗ Ma Thị Cao Sơn thần nữ) cũng dùng đồ chay để cúng tế.
ĐỖ QUYẾT