Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez (SCA), doanh thu từ tuyến đường biển huyết mạch Á - Âu này tăng 12,8% trong năm ngoái, lên mức cao nhất từ trước đến nay là 6,3 tỷ USD.
Theo Đô đốc Ossama Rabei, người đứng đầu SCA, có 20.649 lượt tàu qua kênh đào Suez vào năm 2021, tăng 10% so với 18.830 lượt của năm 2020.
Doanh thu vì thế cũng tăng từ 5,6 tỷ USD (năm 2020) lên 6,3 tỷ USD, bất chấp sự gián đoạn của chuỗi cung ứng và vụ tàu Ever Given bị kẹt gây tắc nghẽn kênh đào gần 1 tuần liền.
Hồi tháng 3.2021, tàu Ever Given treo cờ Panama trên đường chở các container từ châu Á sang châu Âu đã đâm vào bờ, đuôi tàu cũng suýt va vào bờ còn lại. Do chiều dài lớn, con tàu nằm chắn ngang kênh Suez khiến không tàu hàng nào qua lại được.
Một chiến dịch "giải cứu" lập tức được triển khai trong bối cảnh nhiều tàu chở hàng phải thả neo bên ngoài cửa kênh đào, gây ra vụ kẹt tàu kỷ lục với 422 tàu chở tổng cộng 26 triệu tấn hàng hóa. Sự cố làm chậm trễ hành trình và đẩy giá vận tải biển lên cao.
Cuối cùng, sau 6 ngày nỗ lực, tàu Ever Given cũng xuôi dòng, kênh đào Suez được khai thông lại.
Sau vụ kẹt tàu kỷ lục, đã có nhiều đề xuất nên tìm kiếm tuyến hàng hải khác bao gồm tuyến đường đi qua các vùng biển ven Bắc cực.
Khoảng 10% thương mại toàn cầu, bao gồm 7% lượng dầu của thế giới, chảy qua kênh đào Suez nối liền Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Con kênh được khai trương lần đầu tiên vào năm 1869, là nguồn tự hào dân tộc và ngoại tệ cho Ai Cập.
Do có vai trò địa chiến lược quan trọng nối châu Á và châu Âu giúp rút ngắn hải trình, trong quá khứ kênh đào Suez luôn là mục tiêu của các cuộc chiến/xung đột ở khu vực.
Điển hình như cuộc khủng hoảng năm 1956 khi Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào dẫn tới cuộc đối đầu quân sự với liên minh 3 nước Anh, Pháp và Israel.
Theo Tuổi trẻ