Doanh số thuần điện và lai điện (hybrid) toàn cầu năm qua đạt 13,6 triệu chiếc, tăng 31% so với năm 2022, theo hãng nghiên cứu thị trường Rho Motion.
Trong đó, xe thuần điện chiếm 9,5 triệu chiếc và xe lai là 4,1 triệu chiếc. Rho Motion cho biết riêng tháng 12/2013 đạt kỷ lục tháng bán nhiều xe điện nhất lịch sử với 1,5 triệu chiếc.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh số xe điện toàn cầu cả năm qua đã chậm lại so với mức 60% vào 2022. Charles Lester, Giám đốc dữ liệu Rho Motion nói điều này là hợp lý. "Bạn không thể trông chờ tăng gấp đôi mỗi năm", ông nói.
Doanh số xe thuần điện tăng 50% ở Mỹ và Canada, đồng thời tăng lần lượt 27% và 15% ở châu Âu, Trung Quốc vào 2023. Tesla là công ty dẫn đầu doanh số phân khúc này với 1,8 triệu chiếc, tăng gần 38% so với 2022.
Đứng thứ nhì là BYD với 1,62 chiếc xe thuần điện được bán ra. Ngoài ra, gã khổng lồ xe điện Trung Quốc còn bán được thêm 1,4 triệu xe hybrid. Gần đây, họ chọn Hungary làm địa điểm xây dựng nhà máy xe điện đầu tiên ở châu Âu.
Thị trường xe điện toàn cầu 2024 dự báo có vài thách thức. Sau nhiều năm tăng trưởng nhanh, một số nhà sản xuất lo ngại rằng việc bán xe điện tại châu Âu và nhiều nơi khác có thể đối mặt với nhu cầu yếu hơn do khách hàng trì hoãn ra quyết định để chờ đợi những mẫu xe tốt hơn, nhỏ gọn hơn và rẻ hơn sẽ xuất hiện trong vòng hai đến ba năm tới.
Ngoài ra, ông Charles Lester dự đoán doanh số xe điện ở châu Âu có thể bị ảnh hưởng bởi quyết định đột ngột của Đức về việc cắt giảm trợ cấp xe điện. Ủy ban châu Âu đã mở cuộc điều tra các hãng Trung Quốc xem có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp để bán phá giá hay không.
Tại Mỹ, các nhà sản xuất bao gồm Ford và GM đã thu hẹp quy mô hoặc hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy xe điện. Cùng với đó, một số mẫu bao gồm Mustang Mach-E của Ford và Model E của Tesla đã không còn đủ điều kiện nhận khoản ưu đãi thuế 7.500 USD theo Đạo luật Giảm lạm phát. Các diễn biến này cũng có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lẫn lực cầu ở thị trường này.
TB (theo VnExpress)