Doanh nhân Việt Nam: Đội quân tiên phong thực hiện "Dân giàu, nước mạnh"

02/09/2011 19:17

Doanh nhân Việt Nam không chỉ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, mà còn góp phần giải quyết nạn thất nghiệp và thu hút lao động dôi dư...



Các doanh nghiệp được tôn vinh thương hiệu mạnh lần thứ II (tháng 6-2011). Ảnh: Thành Chung


Từ những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, trong khi tìm đường thoát khỏi khủng hoảng, thực tế khách quan trong và ngoài nước đã gợi ra cho chúng ta nung nấu suy tư về sự nghiệp phải làm sao cho: “Dân giàu, nước mạnh”.

Ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân ta thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh” mà đi tiên phong thì không ai khác là những doanh nhân, trong đó có những người tay không hoặc vốn liếng vật chất, văn hoá chẳng có là bao, nhưng đã năng động, gian nan vượt khó trở nên giàu. Nói “đi tiên phong” là nói đến cả trường hợp có khi phải chịu “hoặc sống hay là chết” để làm giàu.

Đầu năm 1983, sau khi đi Nhật về tôi hân hạnh được đồng chí Võ Nguyên Giáp cho  gặp và trong báo cáo tôi được trình bày một chuyện đăng trên báo Nhật là: “Cảnh sát Nhật bắt được ở một nhà có hai vợ chồng đã dìm hai con xuống nước chết để sau đó sẽ cùng tự tử vì vỡ nợ không tài nào trả được. Họ khai rằng vì thương con nên nếu chỉ có bố mẹ tự tử chết thì con không trả nợ nổi. Chi bằng chết cả đi cho thoát!”.

Báo Thanh Niên ngày 8-10-2008 (trang 19) lại đăng một tin tương tự là: “Theo hãng tin AP, ngày 4-10-2008, tại Los Angeles Mỹ, một người đàn ông có bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh do thất vọng về tình hình tài chính của cá nhân, đã bắn chết vợ, 3 con cùng mẹ vợ rồi tự sát”. Những mẩu chuyện kể trên nói rõ: “Làm giàu là khó”.

Trong nền kinh tế hàng hoá Việt Nam với thị trường tự do năng động hiện nay, năm nào cũng có nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mới ra đời đồng thời lại có một số xí nghiệp, doanh nhân bị phá sản. Như vậy có cả gương “làm giàu không khó” và “làm giàu là khó”.

Nhưng nhờ có Đảng lãnh đạo, Nhà nước hỗ trợ nên không đến nỗi có xảy ra những bi kịch như trên. Nhưng thực tế, doanh nhân là những người lao động thông minh, sáng tạo, dũng cảm, có khi phải hy sinh gian khổ mới đạt tới vinh quang.

Hiện nay đang có nhiều người từ hàng ngũ công nhân, viên chức, lao động trong các lĩnh vực khác chuyển sang kinh doanh trở thành những doanh nhân. Sự chuyển đổi đó biểu hiện rõ yêu cầu khách quan của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đơn cử một thí dụ như: Từ sự phá sản của nhà máy dệt Long An, một số cán bộ, công nhân đã từ đó bứt ra chuyển lên thành doanh nhân. Hiện nay có một số khá thành đạt. Thực tế đó cho thấy: Sự chuyển đổi lao động từ công nhân, lao động quốc doanh hay cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước sang lao động tư doanh là sự chuyển biến tích cực chứ không phải tiêu cực. Cố nhiên Nhà nước phải quan tâm điều chỉnh sao cho đáp ứng được sự cần thiết và ổn định giữa các khu vực kinh tế.

Trong lịch sử dân tộc ta từ các thời đại Trần, Hồ, Lê trở đi đến thời cận đại cũng có những sự chuyển đổi khá lý thú từ nhiều hàng ngũ, kể cả đại thần quan lại sang thành doanh nhân.

Tiêu biểu như Trần Khánh Dư thời Trần. Từ chỗ là quý tộc trong vương triều, do phạm lỗi bị phế truất đã ra vùng Đông Bắc buôn vải và buôn nón ma lôi. Nhờ tài thao lược trên sông sâu biển cả, ông đã hiểu rõ luồng lạch vùng biển Đông, khi được Trần Hưng Đạo trọng dụng đã lập chiến công to lớn, phá tan được đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, tiếp tế lương thực cho Thoát Hoan, góp phần quan trọng vào đại thắng Nguyên - Mông.

Thời Lê Trịnh ở châu thổ sông Hồng, có những doanh nhân thành đạt. Do kinh tế hàng hoá phát triển hơn trước đã tạo nên Kinh Kỳ, Phố Hiến tấp nập một thời, doanh nhân đã khởi sắc, như Lê Quý Đôn đã viết trong Kiến văn tiểu lục: “Năm thứ 20 niên hiệu Chính Hoà (1699) ở nước ta, có những người như Huyện Lân ở Thiên Bản (nay là Vụ Bản, Nam Định - VT);  Cống Trung ở Thanh Quan (nay là Đông Quan ,Thái Bình - VT); bà Bổi ở Tứ Kỳ (Hải Dương). (Nay còn bia mộ ở Bình Lãng, Tứ Kỳ, Hải Dương, nhân dân gọi là “Lăng bà Bổi Lạng” - VT); Hương Trật ở Đường An (nay là Bình Giang, Hải Dương - VT), người nào cũng khởi gia giàu dữ, vàng bạc tiền thóc, kể có ức vạn, đất nhiều ruộng tốt khắp một địa phương…”.

Đến thời cận đại, một số nhà trí thức quan lại tham gia phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa thục đã trở thành doanh nhân yêu nước như các cửa hiệu Hồng Tân Hưng, Đồng Lợi Tế, Đông Thành Xương, Chiêu Dương thương quán lấy lợi nhuận giúp cho phong trào yêu nước. Ba yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng yêu nước đứng đầu danh sách hơn 10 vị bị thực dân Pháp thi hành án chém ở Yên Bái là Nguyễn Thái Học quê ở Thổ Tang, Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú; Phó Đức Chính quê ở Đa Ngưu, Hưng Yên; Bùi Tư Toàn quê ở Xuân Lũng, Phú Thọ đều là xuất thân từ các làng doanh nhân, khoa bảng nổi tiếng… Rồi đến các nhà tư sản dân tộc Nguyễn Hữu Thu, Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà… thời cận đại cũng đều là những người đương đầu với thực dân Pháp để kinh doanh…

Hiện nay, trong những điều kiện cần thiết cho sự phát triển doanh nhân, một số vấn đề cần được giải quyết, mà một trong những vấn đề cốt lõi là mối quan hệ giữa doanh nhân với công nhân, sao cho có sự đoàn kết giữa hai lớp lao động tiên phong này trong Mặt trận Tổ quốc.

Xin lấy quy luật giá trị thặng dư của chủ nghĩa Mác làm dữ liệu để phân tích. Trước đây người ta cứ căn cứ vào luận điểm: công nhân sản sinh ra giá trị thặng dư làm giàu cho tư bản. Còn tư bản giàu có là do bóc lột giá trị thặng dư nhờ công nhân sản xuất ra. Luận điểm đó đã được dùng để giáo dục công nhân căm thù tư sản, phải đấu tranh tiêu diệt tư sản để “cả nước cùng nghèo”, cùng ăn chung một mâm cơm “đại táo”.
Nhưng như chúng ta đã biết: Các Mác phát hiện ra quy luật thặng dư giá trị để làm rõ sức lao động của công nhân là vô cùng quý giá, vì nó sản sinh ra giá trị thặng dư mà không có nó thì không có xã hội tư bản chủ nghĩa văn minh… Tuy vậy, không có chỗ nào C.Mác và Ph.Ăng-ghen yêu cầu phải tiêu diệt sự phân chia và hưởng thụ giá trị thặng dư trong bất kể điều kiện, hoàn cảnh nào. Đồng thời Các Mác cũng phân tích: Không phải nhà tư bản nào cũng hưởng tất cả giá trị thặng dư của chính công nhân trong cơ sở sản xuất thuộc quyền sở hữu của mình làm ra, mà giá trị thặng dư được phân phối giữa các nhà kinh doanh thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong guồng máy sản xuất tư bản chủ nghĩa.

“Sự hưởng thụ giá trị thặng dư không thuộc riêng về một nhà tư bản nào”, như Các Mác viết:

“Nhà tư bản sản xuất ra giá trị thặng dư, nghĩa là trực tiếp bóp nặn lao động không công của công nhân và đem cố định lao động đó vào hàng hoá chính là người đầu tiên chiếm lấy giá trị thặng dư, nhưng tuyệt nhiên không phải là người cuối cùng sở hữu giá trị thặng dư ấy. Sau đó họ phải chia sẻ giá trị thặng dư ấy với những nhà tư bản thực hiện những chức năng khác trong toàn bộ nền sản xuất xã hội, với kẻ sở hữu ruộng đất v.v… Như vậy giá trị thặng dư được phân chia ra nhiều phần khác nhau. Những phần đó rơi vào tay nhiều hạng người khác nhau và mang những hình thức khác nhau, như lợi nhuận, lợi tức, lợi nhuận thương nghiệp, địa tô v.v…”.

Trong hệ thống sản xuất của đất nước ta hiện nay, giá trị thặng dư do công nhân sản xuất ra được phân phối trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước, do toàn dân làm chủ. Vừa phải để các doanh nhân tiếp tục phát triển được doanh nghiệp, vừa nuôi sống được công nhân theo mặt bằng giá cả lao động có thể chấp nhận được, vừa đóng góp được cho Nhà nước qua các sắc luật thuế và vào phúc lợi xã hội…

Nhìn chung lại doanh nhân và công nhân đều là lao động xã hội. Dầu là doanh nhân và công nhân trong kinh tế tư nhân, liên doanh hay quốc doanh đều dường như được phân công theo yêu cầu khách quan của xã hội, được Đảng và Nhà nước lãnh đạo, khuyến khích. Cái khác nhau cơ bản là ở chỗ phân chia giá trị thặng dư sao cho hợp lý mà cả Nhà nước, công nhân, doanh nhân… đều chấp nhận được. Trong Liên minh công -nông - trí thì đại đa số doanh nhân nằm trong thành phần “trí”. Đó là một trong những thuận lợi cho đại đoàn kết trong Mặt trận Tổ quốc.

Trong mặt trận có Hội Liên hiệp các doanh nhân, lại có Công đoàn làm trường học xây dựng xã hội Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh…”. Mặt trận có trách nhiệm đoàn kết, điều hoà quan hệ giữa chủ và thợ. Nhà nước có luật pháp quy định, hỗ trợ làm sao cho mâu thuẫn giữa doanh nhân và công nhân cùng trong mặt trận yêu nước, vốn là mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được giải quyết thoả đáng, không để biến thành mâu thuẫn đối kháng.

Sau quy luật “Thặng dư giá trị” thì quy luật thứ hai rất cần được quan tâm là quy luật “Cạnh tranh để tồn tại và phát triển”. Đây là quy luật khách quan của kinh tế thị trường. Trong hệ thống kinh tế của chúng ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước luôn quan tâm đến sự vận hành của quy luật này, sao cho ít doanh nhân bị phá sản, đồng thời lại tạo điều kiện cho việc liên hợp các doanh nghiệp vừa và nhỏ để trở thành những doanh nghiệp lớn và cho những Tổng công ty, những Tập đoàn kinh tế lớn có tầm cỡ quốc gia và quốc tế ra đời.

Điều quan trọng thứ ba là chúng ta đang xây dựng nền kinh tế tri thức, lấy công nghệ thông tin làm mũi nhọn. Các doanh nhân chúng ta nên coi trọng nhiệm vụ này. Ngoài những doanh nhân hoạt động về công nghệ thông tin, thì các doanh nhân khác cũng đều phải quan tâm sử dụng công nghệ thông tin làm công cụ để thúc đẩy sự phát triển của mình.

Xin dẫn chứng lời nhận xét về sự phát triển kinh tế của Ấn Độ để tham khảo. Giáo sư Dashu Wang (Đại học Bắc Kinh) so sánh Ấn Độ với hình ảnh chiếc máy bay: “Đầu máy là ngành công nghệ thông tin, phi công là doanh nghiệp tư nhân, hoa tiêu là Chính phủ, hai cánh là mở cửa ra bên ngoài và cải cách. Máy bay này đã bay lên với hai bánh xe là tiêu dùng và đầu tư”. Nhờ vậy kinh tế Ấn Độ vẫn tăng trưởng khoảng 8% năm hiện nay”. Tất nhiên đây là một trong những loại hình tăng trưởng khác nhau, chỉ để các doanh nhân ta suy ngẫm học hỏi.

Doanh nhân Việt Nam không chỉ góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, mà còn góp phần giải quyết nạn thất nghiệp và thu hút lao động dôi dư, một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay.

Doanh nhân ta đang được Đảng và Nhà nước khuyến khích, nâng đỡ phát triển, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Lớp doanh nhân trẻ xuất hiện ngày càng đông đảo, có cống hiến đáng kể vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đồng thời cũng cần phát triển những doanh nghiệp doanh nhân lớn có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Mặt khác, trong quá trình phát sinh và phát triển doanh nhân, doanh nghiệp cần quan tâm đến bảo tồn và cải thiện môi trường sinh thái, đến lợi ích chính đáng của công nhân, tích cực góp phần vào phúc lợi xã hội, nghiêm túc thi hành các chính sách và pháp luật được Chính phủ ban hành, đúng với yêu cầu là đạt tới “Dân giàu, nước mạnh”.

Lịch sử phát triển của doanh nhân Việt Nam đã bắt đầu với những trang phong phú, sinh động, bước đầu xác định vị trí và vai trò của doanh nhân trong lịch sử hiện đại của dân tộc.

GS VĂN TẠO

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nhân Việt Nam: Đội quân tiên phong thực hiện "Dân giàu, nước mạnh"