Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đang diễn ra với phạm vi rộng và tác động ngày càng mạnh mẽ trên toàn cầu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra cơ hội để doanh nghiệp mở rộng thị trường với nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ mang tính đột phá. Trong ảnh: Công ty CP Nhựa An Phát Xanh trang bị dây chuyền sản xuất hiện đại
Tại Hải Dương, đội ngũ doanh nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên kỳ tích ở mỗi doanh nghiệp nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.
Cơ hội
Thuật ngữ cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghệ Hannover (Đức) năm 2011. Đến năm 2016, thuật ngữ này được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Giáo sư Klaus Schwab, đồng sáng lập WEF phổ biến rộng rãi ra toàn thế giới.
Về bản chất, CMCN 4.0 là một xu thế lớn, hội tụ nhiều công nghệ trên nền tảng số hóa của cuộc CMCN lần thứ 3. Với CMCN 4.0, thế giới chứng kiến sự phát triển đột phá của công nghệ internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn... và sự kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học để tối ưu hóa quy trình, năng lực sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Long Hải (TP Hải Dương) nhận định: "Đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, CMCN 4.0 tạo ra những cơ hội để DN phát triển, sáng tạo, mở rộng thị trường với nhiều sản phẩm có hàm lượng công nghệ mang tính đột phá. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất sẽ mang đến sự thay đổi lớn từ nguồn cung hàng hóa thông qua việc tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động".
Với làn sóng CMCN 4.0 mạnh mẽ, lan tỏa toàn cầu hiện nay, nhiều mô hình kinh doanh truyền thống sẽ thay đổi theo hướng gia tăng hiệu quả, linh hoạt quy trình sản xuất, giảm chi phí. "Về mặt tích cực, đây là cơ hội giúp DN tăng giá trị, khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, DN sẽ đối mặt với không ít thách thức bởi nếu không bắt kịp xu thế sẽ dễ bị đối thủ cạnh tranh vượt qua, thậm chí có nguy cơ bị đào thải", ông Tuấn cho biết.
Nhiều doanh nhân cho rằng để bắt nhịp và khai thác tối đa cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, việc đầu tiên doanh nhân Việt Nam cần chuẩn bị là kiến thức, đặc biệt về những công nghệ mới. DN cần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh dựa trên công nghệ tự động, số hóa, hệ thống quản trị tích hợp. Về lâu dài, DN cần có chiến lược đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cấu trúc hệ thống quản trị theo hướng đổi mới, sáng tạo.
Đổi mới không ngừng
Cùng sự lan tỏa mạnh mẽ của CMCN 4.0, tất cả các ngành nghề đều có cơ hội nâng cao giá trị và quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, để bắt kịp tốc độ phát triển trong kỷ nguyên 4.0, DN cần tích cực, chủ động, sáng tạo với những chiến lược, hành động cụ thể.
Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì nhựa, Công ty CP Nhựa An Phát Xanh luôn xác định đúng nhu cầu tiêu dùng, đón đầu thị trường. Tiền thân là Công ty TNHH Anh Hai Duy, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, DN đã tăng trưởng nhanh chóng về quy mô thị trường và năng lực sản xuất. Để bắt kịp xu thế của cuộc CMCN 4.0, bà Trần Thị Thoản, Phó Tổng Giám đốc công ty cho rằng các DN tại Hải Dương, đặc biệt là những người đứng đầu DN cần nắm bắt xu thế thị trường không chỉ trong nước mà còn trên thế giới.
Mỗi doanh nhân cần xác định rõ vị thế của DN trên thị trường, đồng thời cần tìm ra giải pháp, con đường để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới. Đây là tiền đề để nâng tầm chất lượng sản phẩm mà mỗi DN đang sản xuất. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm tại thị trường toàn cầu buộc đội ngũ doanh nhân phải am hiểu "luật chơi".
Hiện nay, các sản phẩm tiêu dùng, sản phẩm phụ trợ trên thế giới luôn được đổi mới từng giờ, từng phút, cùng với đó là nhu cầu thị trường ngày một khắt khe hơn về chất lượng cũng như mẫu mã. Điều này đặt ra bài toán cải tiến, nâng cấp dây chuyền, máy móc đối với DN. "DN cần nắm bắt xu hướng thị trường để nâng cấp dây chuyền sản xuất, mua sắm trang thiết bị phù hợp, tránh tình trạng thay thế bằng những máy móc cũ kỹ, lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu đổi mới, vừa tiêu tốn chi phí vận hành, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm", bà Thoản nói.
Sau nhiều năm tìm hiểu thị trường cũng như thực tế xây dựng công trình với các đối tác nước ngoài, năm 2016, Công ty CP Việt Đức (TP Hải Dương) đã đầu tư 500 tỷ đồng mua hệ thống dây chuyền sản xuất gạch ốp lát cao cấp tự động theo tiêu chuẩn châu Âu từ Italia. Theo ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty, để bắt kịp với CMCN 4.0, không còn cách nào khác, người đứng đầu mỗi DN phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt thời cơ, cơ hội để lựa chọn thời điểm vàng quyết định đổi mới công nghệ, hoạt động của DN.
Đội ngũ doanh nhân phải có tư duy đổi mới, cập nhật thường xuyên kiến thức về ngành, lĩnh vực DN đang hoạt động. "Việc học hỏi, tìm hiểu thông tin trong thời đại ngày nay không còn khó khăn như trước. Với kết nối internet, mạng xã hội phát triển, doanh nhân dễ dàng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để trang bị hành trang cho mình, bắt nhịp với CMCN 4.0. Điều quan trọng là mỗi doanh nhân phải chủ động, sáng suốt lựa chọn hướng đi và quyết tâm đổi mới", ông Truyền nhấn mạnh.
Trong những năm tới, rất nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại sẽ xuất hiện. Với CMCN 4.0, chúng ta có thể mặc những bộ quần áo kết nối internet, khám chữa bệnh với bác sĩ robot hay thậm chí đi chiếc xe hơi được sản xuất bằng công nghệ in 3D… Kỷ nguyên 4.0 đang dần thay đổi toàn thế giới. Chính vì thế, bất kỳ DN nào, trực tiếp là những doanh nhân, cần thoát khỏi tư duy cũ, cách làm cũ, thay vào đó là sự chủ động, sáng tạo, đột phá, dám tìm kiếm những hướng đi mới để nắm bắt cơ hội từ CMCN 4.0, đưa DN vươn lên phía trước.
LAN KIÊN