Doanh nhân chi 32 tỷ cứu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử hình chính là ông Nguyễn Trung Hà, từng là sinh viên duy nhất 2 lần đạt giải nhất nghiên cứu khoa học của Đại học Lomonosov (Nga).
Ông được những người bạn gọi cái tên thân thiết là Hà "bờm". Là người yêu toán, nhưng ông Nguyễn Trung Hà lại bỏ toán để trở thành một trong những “đại gia” nổi tiếng nhất đất Hà thành.
Ngày 2.5, tại phiên tòa xét xử vụ án OceanBank đã xuất hiện thông tin về một doanh nhân sẵn sàng chi 32 tỷ đồng để cứu ông Nguyễn Xuân Sơn thoát án tử hình.
Vị doanh nhân tốt bụng này chính là ông Nguyễn Trung Hà, thành viên sáng lập Công ty FPT, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Thiên Việt, là bạn thân của Nguyễn Xuân Sơn.
Ông Nguyễn Trung Hà giàu cỡ nào?
Ông Nguyễn Trung Hà
Ông Nguyễn Trung Hà hiện là chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Thiên Việt. Ông Hà sinh năm 1962. Hiện ông Hà đang sở hữu hơn 16,9 triệu cổ phiếu TVS, tương đương 30,8% vốn điều lệ công ty chứng khoán Thiên Việt. Theo thị giá cổ phiếu TVS chốt phiên giao dịch ngày 2.5 là 13.800 đồng/cổ phiếu, ông Trung đang có tài sản chứng khoán trị giá 233,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, bố ông Hà là ông Nguyễn Nhân cũng đang sở hữu 107.430 cổ phiếu TVS, anh trai là Nguyễn Trung Anh đang sở hữu 8.593 cổ phiếu TVS, em trai Nguyễn Trung Thành đang sở hữu 55.641 cổ phiếu TVS.
Đáng chú ý là ông Nguyễn Trung Hà góp vốn và tham gia vào HĐQT của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ - truyền thông như CTCP Truyền thông và Giải trí Galaxy (Galaxy M&E), CTCP Phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h (chủ quản trang 24h.com.vn), CTCP Tìm Việc Nhanh (Timviecnhanh.com), công ty quảng cáo Goldsun Media, Công ty Công nghệ Tinh Vân… Được biết, cổ phần của ông Hà tại 24h.com.vn cũng đã rút gần hết.
Galaxy M&E và Galaxy Studio là những tên tuổi lớn trong lĩnh vực sản xuất và phân phối phim, chương trình truyền hình cũng như truyền thông, quảng cáo. Galaxy hiện sở hữu khoảng 14 rạp Galaxy Cinema trên khắp cả nước.
Năm 2013, Golden Screen Cinemas của Malaysia đã mua 25% cổ phần của Galaxy Studio với trị giá 20 triệu USD, tương ứng định giá công ty ở mức 80 triệu USD.
Chủ tịch HĐQT của Galaxy, bà Đinh Thị Hoa, là một cộng sự lâu năm của ông Nguyễn Trung Hà. Bà Hoa hiện là Phó Chủ tịch của Chứng khoán Thiên Việt, đồng thời là Chủ tịch của Phim Thiên Ngân và Thành viên HĐQT của Ngân hàng ACB. Bà Hoa hiện cũng đang sở hữu 2,7 triệu cổ phiếu TVS, tương đương 5% vố điều lệ công ty chứng khoán Thiên Việt.
Trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng, ông Nguyễn Trung Hà là Chủ tịch của nhiều công ty CTCP Đầu tư tài chính bất động sản Tôgi, Công ty TNHH Bất động sản Hà Liên, CTCP Carbon Việt Nam…
“Những người yêu toán trông buồn cười vậy đấy”Cũng giống như những người lãnh đạo hàng đầu của FPT, “huyền thoại” về Nguyễn Trung Hà bắt đầu từ lớp chuyên Toán của trường Chu Văn An và đội tuyển toán thi quốc tế.
Ông Hà đạt giải ba IMO ở Rumania năm 1978. Được cử đi học ở Nga ở trường nổi tiếng nhất thế giới về đào tạo các ngành khoa học cơ bản là ĐH Tổng hợp Maxcơva (Lomonosov) theo ngành toán lý thuyết, môn Lý thuyết số. Sau này, ông Hà và nhiều người từng học trường này cũng đều có nhận định, có lẽ vì quá yêu Toán nên Bộ trưởng Giáo dục hồi đó là GS Tạ Quang Bửu đã cử những người giỏi nhất của đất nước để theo học ngành “hại não” này.
Ông Hà tâm sự, tuy học Toán nhưng sách mà các sinh viên ngành này đọc nhiều lại là…văn học. Thậm chí, dân Toán còn đọc nhiều tiểu thuyết hơn dân xã hội.
Rồi khi về nước, với thành tích của mình, ông Hà được hứa hẹn một suất biên chế chính thức ở viện Cơ học, là niềm ao ước của nhiều người trong thời bao cấp.
Nhưng cùng với Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam…ông Hà quan tâm nhiều hơn đến viết phần mềm và Kinh doanh phần cứng.
Nguyễn Xuân Sơn bị tòa tuyên tử hình về tội tham ô tài sản
CEO cũ của FPT là Nguyễn Thành Nam ngay từ đầu đã nhận định: “Trung Hà là chuyên gia về Fortran của Viện Cơ học. Từ khi còn đi học ở Liên xô, anh đã nổi tiếng về tài nhìn trộm và phá khóa trong hệ điều hành của máy mini CM-4 của Nga. Tại Viện Cơ, công trình đáng kể của anh là thiết kế bộ thư viện đồ họa cho Fortran”.
Vốn có tư chất sẵn, ông Nguyễn Trung Hà chuyển sang nghiên cứu về phân tích tài chính, chứng khoán, phần mềm… Anh là một trong ít người viết code cho chương trình dùng cho ngân hàng nhưng sau đó thấy… mua lại sẽ hiệu quả hơn nên không lập trình nữa.
“Chúng ta cứ nghĩ sản xuất những cái tốt nhất thì sẽ bán chạy. Trước kia, chúng tôi cũng nghĩ như vậy nhưng sau rồi phải nhận thức lại. Giả sử bây giờ chúng ta sản xuất ra các loại rau cực sạch. Nhưng do chi phí đầu vào và chăm sóc cao, nên giá thành cao. Vậy sản phẩm đó có được nhiều người dân mua không?”
Suy nghĩ như vậy, nên ngoài FPT, nhà Toán học năm xưa còn tham gia đầu tư vào quảng cáo online, điện ảnh, truyền thông, bất động sản…và gặt gái nhiều thành công.
Tuy vậy, ông Hà vẫn nhận mình chỉ thạo về kinh tế chứ không giỏi…kinh doanh. Có nghĩa, ông thích đưa ra định hướng, chiến lược, quyết định hướng đi, xác định mục đích, thời điểm làm, khả năng sinh lời, lên kế hoạch tài chính, huy động tiền vốn, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt… và nhận biết người chuyên môn giỏi và sâu hơn mình để làm các việc.
Tuy vậy, ông Hà lại là một người giản dị và không ít lần tiếp xúc với báo chí, ông Hà mặc chiếc áo sơ mi sờn màu, đi dép lê. Ông bảo: “Những người yêu Toán trông…buồn cười là vậy, vì niềm đam mê quá lớn, nên không để ý đến những thứ bên ngoài khác”.
Trong sử ký 10 năm FPT (1998), ông Lê Quang Tiến, nguyên Phó Chủ tịch FPT đã mô tả ông Nguyễn Trung Hà:
"Hà “Bờm”cũng là một tay nghiện thuốc lá nặng, có biệt tài uống rượu như nước lã và hầu như không say. Anh có năng khiếu bẩm sinh về bài bạc và tài chính. Anh tham gia FPT ngay từ ngày thành lập. Đến năm 1994 thì anh sang làm Giám đốc Ngân hàng ACB chi nhánh Hà Nội, từ năm 1988 anh làm TGĐ Công ty Togi. Hà “Bờm” có tài xem tướng và tử vi, cộng thêm cách nói nhát gừng, thâm thuý nên quanh luôn có một lớp khói đầy vẻ bí hiểm bao phủ. Anh có khả năng nhận xét con người khá chính xác, óc nhận xét tinh tế và cái lưỡi rất nhọn nên được bạn bè tôn trọng và quý mến".
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án Tử hình về hành vi tham ô 49 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của luật, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn sẽ được giảm án từ Tử hình xuống Chung thân nếu tự nguyện khắc phục tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, tương đương số tối thiểu tiền cần khắc phục là 37 tỷ đồng.
Tại phiên toà ngày 2.5, Luật sư Trần Vũ Hải, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cho biết gia đình Nguyễn Xuân Sơn sẽ tự lo 5 tỷ đồng, một doanh nhân là người bạn của Nguyễn Xuân Sơn sẽ cho vay 32 tỷ đồng, vừa đủ để nộp khắc phục hậu quả, nhằm cứu Nguyễn Xuân Sơn khỏi mức án tử hình.
Theo thỏa thuận giữa bà Võ Thị Thanh Xuân (vợ của Nguyễn Xuân Sơn) và ông Nguyễn Trung Hà, ông Hà sẽ hỗ trợ theo cách cho bà Xuân vay 32 tỷ đồng để chuộc tài sản đã bị cơ quan điều tra kê biên, số tiền này cùng với 5 tỷ đồng do gia đình bà Xuân lo liệu sẽ vừa đủ 37 tỷ đồng, bằng đúng 3/4 số tiền 49 tỷ đồng mà Nguyễn Xuân Sơn bị quy kết tội tham ô. |
Theo Dân Việt