Vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh: Bài 2: Tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng vẫn khó

05/06/2020 16:17

Gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với quy mô hơn 300.000 tỷ đồng được triển khai khá sớm. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ này.

>>>Bài 1: Không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn


Sản xuất sản phẩm may mặc tại Công ty CP May Tiên Hưng, huyện Kim Động, Hưng Yên

Thế giới Hải sản với chuỗi 7 nhà hàng, siêu thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sau dịch COVID-19 đã phải đóng cửa một nhà hàng tại Hà Nội. Ông Đoàn Minh Phú, Tổng Giám đốc Thế giới Hải sản chia sẻ, dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; trong đó ảnh hưởng nặng nề vào tháng 3-4, với doanh thu tháng 3 giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, tháng 4 không có doanh thu.

Hiện doanh nghiệp đã tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng, nhưng các điều kiện chưa phù hợp để tham gia như phải có thêm tài sản thế chấp hay phải chứng minh được dòng tiền hoạt động dương để trả nợ. Trong khi đó, tài sản của doanh nghiệp có thể thế chấp là bất động sản thì chủ yếu đi thuê; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn chưa khả quan do chi tiêu bình quân của khách hàng giảm hơn 30% so với trước dịch.

Tổng Giám đốc Đoàn Minh Phú cho biết, thực tế các doanh nghiệp nhỏ như Thế giới Hải sản rất quan tâm đến các gói tín dụng hỗ trợ, nhưng nếu không nới lỏng các điều kiện thì rất khó tiếp cận. Ông Phú nói: “Nới lỏng các điều kiện vay không có nghĩa là hạ chuẩn vay. Giống như việc đánh giá phương án sản xuất, kinh doanh là cần thiết, nhưng cần xem xét các yếu tố liên quan như uy tín, thương hiệu, quá trình hoạt động cũng như tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, từ đó phân loại và đưa ra các mức hỗ trợ phù hợp”.

Đồng thời, ông Phú cũng kỳ vọng, các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay khi Ngân hàng Nhà nước vừa có động thái giảm lãi suất điều hành. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.

Ông Nguyễn Giang Yên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông sản Agrexim đánh giá, Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 (Thông tư 01); trong đó quy định về điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23.1.2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 là hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, tại Công văn số 3339/NHNN-TTGSNH về giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN lại nêu: nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tại Thông tư 01 không bao gồm nợ phát sinh sau ngày 23.1.2020. Điều này có thể gây khó cho các doanh nghiệp như Agrexim.

Ông Yên lý giải, Agrexim là doanh nghiệp kinh doanh thương mại trong lĩnh vực nông sản, bán lẻ xăng dầu với vòng quay vốn trung bình 3-4 tháng. Trước khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ban hành ngày 12.3.2020, thời gian từ 23.1.2020 đến 13.3.2020, ngân hàng vẫn cấp tín dụng cho doanh nghiệp bình thường. Nếu khoản nợ phát sinh trong thời gian này không được cơ cấu lại thì doanh nghiệp không thể trả được, nhất là trong tháng 4 khi dịch bùng phát gây ảnh hưởng nặng nề.

Chủ tịch Agrexim đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng xem xét cho phép cơ cấu lại phần nợ phát sinh sau ngày 23/1 đến thời điểm Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực ngày 12.3.2020 hoặc ngày 8.5.2020 khi Công văn số 3339/NHNN-TTGSNH về giải đáp, hướng dẫn thực hiện Thông tư số 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực.

Về phía Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (Hanoiba), Phó Chủ tịch Trần Đăng Nam cho biết, Hội có hơn 800 hội viên, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo công ăn việc làm cho gần 30.000 lao động trên địa bàn. Do dịch COVID-19, khoảng 20% doanh nghiệp trong Hội suy giảm từ 40 đến 90% doanh thu và thực tế gần 20% doanh nghiệp không có doanh thu. Tuy nhiên, việc tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp này không hề dễ dàng.

Đại diện Hanoiba nhận định, việc này là do yêu cầu liên quan đến hạn mức, tài sản bảo đảm, thủ tục hành chính chưa thực sự thuận lợi. Bản thân một số ngân hàng còn lúng túng trong cách thức triển khai, thực hiện các hình thức hỗ trợ theo gói tín dụng này.

Vị đại diện đề nghị, thời gian tới, để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận gói tín dụng hỗ trợ này, các ngân hàng thương mại nên đưa ra bộ tiêu chí cụ thể để phân loại các nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp của dịch COVID-19 theo các mức hỗ trợ tương ứng. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng có các biện pháp chủ động hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục hành chính nhanh gọn, đơn giản để giúp doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước một cách hiệu quả.

"Tính từ thời điểm dịch COVID-19, nếu doanh nghiệp bị vi phạm thời gian trả nợ thì không bị tính vào "uy tín tín dụng" của doanh nghiệp", ông Nam đề xuất thêm.

Thực tế, gói tín dụng hỗ trợ 300.000 tỷ đồng là gói tín dụng thông thường. Trong khi đó, ngân hàng thương mại cũng là doanh nghiệp, có chức năng huy động vốn và cho vay ra thị trường. Theo ông Nguyễn Đình Vinh - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), ngân hàng phải bảo đảm an toàn cho nguồn vốn vay, do đó các khoản giải ngân mới phải bảo đảm khả năng trả nợ đủ cả gốc và lãi.

Đại diện VietinBank nhấn mạnh, các ngân hàng luôn sẵn sàng giải ngân cho những nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp, những khách hàng không làm thất thoát vốn, đáp ứng được các điều kiện tín dụng và bảo đảm các phương án vay mới có đầy đủ khả năng trả nợ gốc và lãi.

Trước đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215.000 khách hàng, với dư nợ 130.000 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất với 260.000 khách hàng, với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.

Theo TTXVN


-----------------------------
Bài 3: Doanh nghiệp bất động sản vẫn mong chờ "trợ lực"

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh: Bài 2: Tiếp cận gói tín dụng 300.000 tỷ đồng vẫn khó