Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội: Người lao động chịu thiệt

20/12/2020 06:37

Năm 2020, tình trạng nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội tăng cao so với năm ngoái. Ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh vì dịch Covid-19, thì không ít nơi chủ sử dụng lao động cố tình chây ỳ.


Việc chủ doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (ảnh minh họa)

Việc đóng các loại bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là nghĩa vụ bắt buộc của chủ doanh nghiệp nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nợ hàng tỷ đồng

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh, có nhiều doanh nghiệp nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN). Điển hình như Công ty CP Cửu Long (TP Hải Dương) nợ 82 tháng, với số tiền lên tới 11 tỷ đồng; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Yến (Kinh Môn) nợ 23 tháng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng; Công ty CP Vật liệu Minh Phúc (Chí Linh) nợ 347 triệu đồng; Công ty CP Xây dựng Haluta (TP Hải Dương) nợ 166 triệu đồng… Đoàn liên ngành và BHXH tỉnh, huyện thường xuyên có văn bản đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp này ký cam kết nộp BHXH cho người lao động (NLĐ) nhưng hầu hết chưa thực hiện.

Theo quy định hiện nay, hằng tháng NLĐ trích 10,5% tiền lương để đóng các loại bảo hiểm (8% đóng BHXH, 1,5% đóng BHYT, 1% đóng BHTN). Chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp các loại bảo hiểm cho NLĐ tương ứng với 21,5% tiền lương của họ (17,5% đóng BHXH, 3% đóng BHYT, 1% BHTN).

Nợ BHXH là một hình thức chiếm dụng, trục lợi Quỹ BHXH. Khi đơn vị nợ các loại BHXH đồng nghĩa với việc quyền lợi của NLĐ không được bảo đảm. Công ty TNHH Shop Vac Việt Nam (khu công nghiệp Phú Thái, Kim Thành) nợ gần 3 tỷ đồng các loại bảo hiểm của NLĐ trong tháng 7, 8 và tháng 9.2020, hơn 40 lao động cũng chưa được giải quyết chế độ thai sản, ốm đau. BHXH huyện Kim Thành chốt nhận sổ BHXH cho toàn bộ 750 lao động của công ty đến tháng 6.2020. Đến ngày 14.12, doanh nghiệp này vẫn chưa thanh toán nợ BHXH.

Chị Nguyễn Thị Châm (Kinh Môn) làm việc tại Công ty TNHH Shop Vac Việt Nam từ giữa năm 2019 cho biết doanh nghiệp không thông báo trước khiến chị mất việc làm 2 tháng nay. Số tiền trích nộp các loại BHXH 3 tháng của chị Châm cũng không được doanh nghiệp nộp cho cơ quan BHXH. 

Theo bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, tình trạng nợ tiền BHXH gây nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, nhất là ở những đơn vị có thời gian nợ kéo dài sau đó phá sản, giải thể, không còn khả năng trả nợ BHXH. Trong thời gian chủ sử dụng lao động nợ BHXH, nếu NLĐ bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, những quyền lợi liên quan của họ sẽ chưa được cơ quan BHXH giải quyết; khi chấm dứt hợp đồng lao động thì giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho NLĐ sẽ khó khăn. NLĐ đến tuổi nghỉ chế độ hưu trí cũng rất thiệt thòi, luôn phải ở trong trạng thái lo âu, không yên tâm về việc giải quyết chế độ BHXH.


Công ty TNHH CKJ Vina tại xã Văn Tố (Tứ Kỳ) nợ hơn 800 triệu đồng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động

Xử lý nghiêm doanh nghiệp cố tình

Tình trạng nợ tiền BHXH kéo dài ở các đơn vị có nhiều nguyên nhân. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm số lượng lao động để duy trì hoạt động. Những doanh nghiệp có ít lao động thì số tiền đóng các loại bảo hiểm không nhiều nhưng những đơn vị có hàng trăm đến hàng nghìn lao động thì số tiền phải đóng rất lớn. Vì thế, tình trạng nợ đọng BHXH của tỉnh tăng cao so với năm 2019. 

Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh, một số doanh nghiệp gặp khó vẫn chấp hành tốt các quy định về BHXH để quyền lợi của NLĐ không bị ảnh hưởng. Một số doanh nghiệp lại viện cớ để trốn tránh đóng BHXH cho NLĐ. Với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã có cơ chế hỗ trợ để khắc phục khó khăn. Hơn nữa, việc đóng các loại BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN là nghĩa vụ bắt buộc của chủ doanh nghiệp nên các đơn vị cần thực hiện đầy đủ. 

Hiện nay, theo Luật BHXH, BHYT và các văn bản hướng dẫn, đã có các quy định, chế tài để xử lý những đơn vị cố tình nợ kéo dài, trốn đóng tiền BHXH cho NLĐ. Các cơ quan chức năng liên quan tiến hành thanh tra đột xuất về đóng BHXH, BHYT đối với đơn vị nợ BHXH từ 3 tháng trở lên, đồng thời tính lãi cao gấp 2 lần lãi suất ngân hàng nếu sau 30 ngày chủ sử dụng lao động không đóng BHXH. Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc BHXH huyện Tứ Kỳ, vẫn có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhưng lại cố tình chây ỳ bởi chế tài xử phạt và quy định mức lãi suất chậm đóng chưa đủ sức răn đe. Một số doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt rồi lại tái diễn tình trạng nợ đọng. 

Để khắc phục tình trạng trên, từ đầu năm đến nay BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ngành thuế thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động đối với các doanh nghiệp trong tỉnh. Phối hợp điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về BHXH và đã chuyển 7 hồ sơ của 7 đơn vị cho cơ quan công an xử lý.

Từ ngày 1.1.2016, Luật BHXH 2014 và Luật Công đoàn có hiệu lực, tổ chức công đoàn được trao quyền đại diện cho NLĐ để khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, việc khởi kiện hiện gặp nhiều khó khăn. Thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan BHXH rà soát, tập hợp hồ sơ những doanh nghiệp nợ đọng BHXH thời gian dài để khởi kiện nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội: Người lao động chịu thiệt