Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa tìm kiếm cơ hội vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp Hải Dương đã linh hoạt điều chỉnh sản xuất, kinh doanh để thích ứng với tình hình.
Công ty TNHH Hoàng Phát Group đã xuất những lô khẩu trang đi nhiều nước trên thế giới
Bảo đảm tiến độ dự án tỷ đô
Đến tháng 3 vừa qua, sau gần 10 năm xây dựng, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương ở xã Quang Thành (thị xã Kinh Môn) đã hoàn thành trên 90% khối lượng xây lắp các thiết bị lớn nhỏ và chạy thử nghiệm các thiết bị riêng lẻ, liên động một số hệ thống.
Nhà máy có tổng số vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, đang trong giai đoạn cuối để kết nối với mạng truyền tải điện 220 kV và chuẩn bị đưa vào vận hành tổ máy số 1 trong quý IV năm nay cũng như toàn bộ dự án trong quýII năm 2021. Dự kiến mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp 7,5 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm cho những tính toán của chủ đầu tư phải thay đổi. Ông Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Quan hệ Chính phủ và phát triển kinh doanh của Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương cho biết: "Dự án đang trong giai đoạn xây dựng, chạy thử nghiệm và cơ bản hoàn thành tiến độ theo đúng lộ trình thì xảy ra dịch bệnh. Nhiều cán bộ quản lý dự án, chuyên gia chế tạo thiết bị, kỹ sư người Trung Quốc chưa thể quay trở lại làm việc. Một số vật tư, thiết bị cần dùng cũng không thể nhập về theo lịch trình nên việc triển khai dự án có nguy cơ chậm trễ".
Đứng trước khó khăn này, công ty đã phối hợp với các nhà thầu để huy động các chuyên gia và người lao động Trung Quốc có kinh nghiệm làm việc cho các dự án nhiệt điện khác trong nước tới hỗ trợ. Công ty cũng đã đề nghị các chuyên gia, kỹ sư Trung Quốc chưa thể quay lại Việt Nam chuyển sang hình thức làm việc, trao đổi trực tuyến.
Công ty đã lập danh sách các chuyên gia, kỹ sư Trung Quốc cần quay trở lại Việt Nam để đề nghị cơ quan chức năng 2 nước tạo cơ chế đặc thù cho phép nhập cảnh. Công ty sẵn sàng dùng xe riêng hoặc máy bay riêng để đưa đón các chuyên gia, lao động trong danh sách trên cũng như cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Các chuyên gia Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương làm việc trực tuyến
Linh hoạt xoay chuyển
Khi dịch bệnh xảy ra, Công ty TNHH Hoàng Phát Group có trụ sở nhà máy tại cụm công nghiệp Việt Hòa (TP Hải Dương) đã tìm hiểu hướng đi của những thương hiệu may mặc lớn trong nước như May 10, Vinatex… và mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận thị trường. Anh Hà Văn Mạnh, Giám đốc Công ty chia sẻ: "Công nhân có kỹ thuật, tay nghề sẽ không gặp quá nhiều trở ngại khi chuyển sang may khẩu trang. Cái khó nhất với chúng tôi những ngày đầu là thị trường tiêu thụ sản phẩm". Công ty đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC cấp giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm khẩu trang mang thương hiệu Hoàng Phát Group. Nguyên liệu để sản xuất khẩu trang cũng được lựa chọn kỹ càng từ các thị trường uy tín nước ngoài, chủ yếu từ Philippines. Với khả năng sản xuất 30.000 chiếc khẩu trang mỗi ngày, những lô hàng đầu tiên đã được xuất đi thị trường các nước Lào, Malaysia. Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng thị trường sang Đức, Canada, Áo và nhiều quốc gia khác.
Trong khi nhiều xưởng gỗ mỹ nghệ phải dừng hoạt động để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 thì xưởng mỹ nghệ Oanh Điệp (thuộc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ đồ gỗ Thịnh Phát) tại làng nghề chạm khắc gỗ Đông Giao, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) vẫn duy trì sản xuất. Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội, xưởng gỗ đã chuẩn bị sẵn một gian nhà rộng chừng 160 m2 kèm theo hệ thống điện, nước… và miễn chi phí ăn ở để sẵn sàng phục vụ công nhân làm việc, sinh hoạt tại xưởng. Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Công ty cho biết: "Có 2 phương án nhưng hầu như người lao động trong xưởng đều chọn làm việc tại nhà. Người lao động được xưởng cho mượn bộ đồ nghề điêu khắc, máy cưa, máy mài cầm tay và gỗ nguyên liệu để có thể làm việc hiệu quả ngay khi ở nhà".
Toàn bộ công việc từ thiết kế, trao đổi kỹ thuật đến quảng bá sản phẩm đều được công ty thực hiện trực tuyến thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube. Do dịch Covid-19 nên các dự định xuất khẩu của công ty sang thị trường chính là Trung Quốc gặp trở ngại. Vì thế, thời gian tới, xưởng gỗ mỹ nghệ này sẽ nâng gấp đôi sản lượng tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Đứng trước khó khăn, bên cạnh sự vươn lên của chính các doanh nghiệp, nếu thiếu sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành thì doanh nghiệp sẽ khó trụ vững. Trong phát biểu kết luận hội nghị lần thứ 139 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh dịch Covid-19 sẽ tiếp tục gây khó khăn, thách thức cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Khẩn trương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 của Chính phủ. Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, có phương án, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp tục ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh...
HÀ KIÊN