Doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương tìm cơ hội ở thị trường gần

06/05/2017 07:02

Kinh tế các nước khu vực châu Á tăng trưởng mạnh, nhu cầu sử dụng hàng hóa cũng tăng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đang trở về khai thác thị trường này.



Công ty TNHH Long Hải dự kiến sẽ xuất khẩu thạch caramen sang thị trường Trung Quốc

Cửa đã mở

Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập cuối năm 2015 đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương. Nắm bắt cơ hội, Công ty TNHH Toàn Phát (Bình Giang) đã tìm cách xuất khẩu sản phẩm sang các nước khu vực này. Ông Nguyễn Văn Toàn, đại diện doanh nghiệp khẳng định: “Châu Á, nhất là các nước khu vực ASEAN còn nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp Hải Dương khai thác, mở rộng thị trường. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các máy móc cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp của các quốc gia khu vực này rất lớn. Những rào cản thương mại cũng không quá khắt khe. Từ đầu năm ngoái đến nay, lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sang các nước Đông Nam Á đã tăng theo cấp số nhân”.

Nhận thấy cơ hội lớn từ thị trường châu Á, Công ty TNHH May TBT (Thanh Hà) cũng đã tập trung phát triển tại các nước này. Ông Nguyễn Văn Thụ, Giám đốc công ty cho rằng rào cản thương mại Mỹ và châu Âu ngày càng khắt khe. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường này cũng ngày càng nhiều. Miếng bánh thị phần bị chia nhỏ nên phải cạnh tranh gay gắt hơn. "Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã có hiệu lực. Theo đó, chúng tôi sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc”, ông Thụ nói.

Theo đại diện Sở Công thương, vài năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương đã quay lại khai thác thị trường châu Á. Nguyên nhân do tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước khu vực này tăng mạnh. Nhu cầu sử dụng hàng hóa cũng tăng nhanh. Những chính sách hợp tác đầu tư sâu rộng giữa Việt Nam và các quốc gia đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hải Dương tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này tăng bình quân hơn 10%/năm. Thời gian tới, dự kiến châu Á sẽ trở thành thị trường lớn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương.

Tìm lợi thế riêng

Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả thị trường châu Á lại không dễ. Bà Nguyễn Thị Tám, Giám đốc Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Tiền Trung cho biết châu Á, nhất là những nước khu vực Đông Nam Á có nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Họ cũng có lợi thế về nhân công giá rẻ và nguồn nguyên liệu dồi dào, khiến các doanh nghiệp Hải Dương khó cạnh tranh về giá. “Thay vì giá bán, chúng tôi đã lựa chọn chất lượng để làm lợi thế cạnh tranh, thu hút người dùng tại thị trường này”, bà Tám nói.



Rau vụ đông của Hải Dương đã được Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt xuất khẩu sang thị trường Thái Lan


Nhắc đến thị trường châu Á, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Giám đốc Công ty TNHH Long Hải khẳng định, Trung Quốc cũng là một thị trường xuất khẩu lớn mà các doanh nghiệp Hải Dương không thể bỏ qua. “Nhiều người cho rằng xuất khẩu thạch rau câu sang Trung Quốc là điều không tưởng. Bởi đất nước này được ví như công xưởng sản xuất thạch rau câu của thế giới”. Tuy nhiên, để làm được, cần có cách riêng. Thay vì xuất khẩu các loại thạch rau câu mà Trung Quốc đang làm, chúng tôi chọn thạch caramen. Sản phẩm này hiện thị trường Trung Quốc chưa có. Chắc chắn sự khác biệt trên sẽ giúp chúng tôi chinh phục được người tiêu dùng nước này”, ông Thành lấy ví dụ.

Theo kết quả điều tra của Bộ Công thương, dệt may, giày dép, phân bón, nông sản - thực phẩm, vật liệu xây dựng đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang các nước khu vực châu Á. Ở đây, các yêu cầu về tiêu chuẩn rất đa dạng. Các nước Lào, Campuchia, Malaysia… thường quan tâm nhiều hơn đến giá cả. Người tiêu dùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, chất lượng và độ an toàn của hàng hóa lại được đặt lên hàng đầu. Các doanh nghiệp Hải Dương cần căn cứ vào năng lực sản xuất của mình để lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp.

Theo ông Tăng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hưng Việt (Gia Lộc), Thái Lan là quốc gia có nhiều thế mạnh về nông sản thực phẩm. Điều này không có nghĩa doanh nghiệp Hải Dương không có cơ hội. Có nhiều loại nông sản của Việt Nam mà Thái Lan không sản xuất được. “Các loại rau vụ đông vốn là thế mạnh của Hải Dương thì Thái Lan gần như không có”, ông Trường lấy ví dụ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Á còn chiếm tỷ lệ nhỏ ( khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu). Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tích cực kết nối, hợp tác, giúp các doanh nghiệp Hải Dương tăng cơ hội xuất khẩu sang các nước ở khu vực này. Quan tâm xúc tiến thương mại và tổ chức các hội chợ kết nối giao thương tại các quốc gia châu Á...

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương tìm cơ hội ở thị trường gần