Doanh nghiệp xuất khẩu gồng mình vượt đại dịch

22/04/2020 12:01

Việc nhiều quốc gia áp dụng chính sách phong tỏa nhằm hạn chế ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã làm cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tại Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Công ty TNHH May Tinh Lợi trong quý I năm nay giảm khoảng 30% so với quý trước đó

Đại dịch Covid-19 đã khiến nền kinh tế thế giới bị đảo lộn, đặc biệt là từ khi nhiều quốc gia thực hiện chính sách "bế quan tỏa cảng". Thực tế này làm cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp (DN) tại Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong cơn “bĩ cực”

Mặc dù là DN có tiềm lực mạnh, chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc lớn nhất trong tỉnh nhưng Công ty TNHH May Tinh Lợi đang điêu đứng vì dịch Covid-19. Khi dịch khởi phát tại Trung Quốc và bùng phát trên toàn thế giới thì kim ngạch xuất nhập khẩu của công ty này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của DN chỉ đạt 198 triệu USD, giảm khoảng 30% so với quý IV năm ngoái. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu 59 triệu USD, giảm gần 40%; kim ngạch xuất khẩu 139 triệu USD, giảm 25%. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của công ty cũng giảm khoảng 30% so với kế hoạch.

Công ty CP Giầy Hải Dương ở xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) chuyên sản xuất, gia công các sản phẩm giầy thể thao xuất khẩu. Mỗi năm công ty xuất khẩu từ 1,2-1,5 triệu đôi giầy. Thị trường xuất khẩu chính của DN là các nước Mỹ, Hàn Quốc, Anh, châu Âu… Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 làm cho hơn 80% số đơn hàng của công ty bị cắt giảm. Một số đơn hàng từ Mỹ đã sản xuất xong cũng không xuất được do nước này phong tỏa, đóng cửa biên giới.

Tình hình xuất khẩu hàng linh kiện điện tử, phụ kiện máy móc cũng chung cảnh này. Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso (khu công nghiệp Nam Sách) có vốn đầu tư từ Nhật Bản chuyên sản xuất các linh kiện, chi tiết máy của ô tô, xe máy. Khoảng 85% thị trường xuất khẩu của DN ở các nước Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia. Trong đó, riêng thị trường Mỹ chiếm khoảng 60%. Trong tháng 1, giá trị xuất khẩu hàng hóa của công ty đạt hơn 10,6 triệu USD, giảm 9% so với tháng trước đó; giá trị nhập khẩu gần 1,7 triệu USD, giảm 35%. Dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến hơn 50% số đơn hàng của công ty bị cắt giảm. Ngoài ra, để thực hiện giãn cách trong DN nhằm phòng chống lây nhiễm Covid-19, công ty phải sắp xếp cho một bộ phận công nhân viên nghỉ việc luân phiên. Các yếu tố này có thể khiến hoạt động xuất nhập khẩu của công ty trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, trong 3 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 450 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị nhập khẩu đạt 350 triệu USD, giảm 26%. Còn trong toàn tỉnh, số liệu từ Chi cục Hải quan Hải Dương cho thấy kim ngạch xuất khẩu tháng 1 và tháng 3 của năm nay giảm so cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 tăng do lượng xuất khẩu của tháng 2.2019 nhỏ vì 1/3 thời gian làm việc trong tháng là nghỉ Tết. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu trong tỉnh là may mặc, giầy da, linh kiện điện tử và phụ kiện máy móc giảm hoặc có mức tăng rất thấp so với cùng thời điểm năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng quần áo và các sản phẩm may mặc liên tiếp giảm trong 3 tháng đầu năm.

Chờ ngày “thái lai”

Theo đánh giá của các DN và Chi cục Hải quan Hải Dương, có nhiều nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu giảm. Nguồn nguyên liệu cung cấp các mặt hàng xuất khẩu trên chủ yếu từ Trung Quốc nên khi dịch Covid-19 bùng phát tại đây đã khiến khâu nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn. Phần lớn nguyên liệu dự trữ của các DN chỉ đủ cung cấp đến đầu tháng 3 nên một số DN đã phải tạm dừng hoạt động. Trong khi DN đang loay hoay tìm nguyên liệu thay thế thì tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu với các nước châu Âu, Mỹ do đơn hàng bị hủy và chính sách “bế quan tỏa cảng” của nhiều nước. Nếu dịch Covid-19 còn diễn biến xấu và kéo dài thì tình hình xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực của tỉnh còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Các DN đang phải tìm cách khắc phục, duy trì hoạt động để kịp thời phục hồi sản xuất khi dịch được kiểm soát.

Theo ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi, DN đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động bất lợi từ nhiều yếu tố như nguồn cung, đơn hàng, chi phí phát sinh phòng chống dịch. Ngoài ra, DN còn phải thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động bị xáo trộn do chia nhỏ phân xưởng, sắp xếp lao động theo ca. “Chúng tôi đã phải dừng các dự án mở rộng sản xuất, giảm tối đa các chi phí để tập trung nguồn lực cho thời điểm khó khăn này. DN đã chuẩn bị các phương án ứng phó trong những tình huống cụ thể để hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch gây ra”, ông Hưng nói.

Hiện nay, các DN đều mong muốn nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan chức năng để ổn định sản xuất, nhất là Chính phủ có khoản hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho DN và người lao động. Các DN đề nghị được giãn thời gian nộp thuế, không chỉ đối với thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng mà cả thuế nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân; lùi thời gian nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong năm 2020 và tạm dừng, hoãn tất cả các kế hoạch thanh tra, kiểm tra để  DN có thời gian tập trung khắc phục khó khăn.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp xuất khẩu gồng mình vượt đại dịch