Công ty CP Đầu tư hạ tầng Donacoop ở Đồng Nai tuyên bố đã đàm phán và thống nhất giá mua vắc xin của Pfizer. Nhưng Bộ Y tế cho biết chưa nhận được hồ sơ đề nghị từ Donacoop.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm kho vắc xin Pfizer do Mỹ viện trợ qua cơ chế COVAX tại kho vắc xin tiêm chủng quốc gia thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở Hà Nội vào trưa 26.8 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Theo văn bản đề nghị của UBND tỉnh Đồng Nai, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Y tế xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ cho Công ty Donacoop nhập khẩu 15 triệu liều vắc xin Pfizer.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Chính phủ cho phép Donacoop bán cho các tỉnh, thành có đơn đặt hàng với công ty để phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và những đối tượng ưu tiên tiêm chủng.
Cục Quản lý dược: Chờ hồ sơ của Donacoop
Ngày 30.8, một đại diện Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết chưa nhận được hồ sơ đề nghị từ Donacoop.
"Ngoại trừ hợp đồng của VNVC mua 30 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ năm 2020, đến nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp có hồ sơ chính thức nộp lên Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và vắc xin. Hội đồng đang đề nghị bổ sung thêm hồ sơ, bao giờ có vắc xin mới nói được, còn hiện nay thế giới cũng không có hàng, việc mua bán không dễ dàng", vị này nói.
Hiện nay đã có một doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khẩn cấp 2 loại vắc xin và hội đồng này đang thẩm định hồ sơ. Trong số này có vắc xin Hayat-Vax sản xuất tại UAE và Sputnik Light của Nga. Doanh nghiệp này đã ký được hợp đồng với bên thứ 3 (bên trung gian không phải nhà sản xuất) từ đầu tháng 8, nhưng đến nay hồ sơ vẫn chưa thẩm định xong.
Một doanh nghiệp khác (có chức năng nhập khẩu vắc xin) cho biết họ có thể nhập vắc xin về, nhưng sau khi tính toán đã dừng việc này. "Hiện nay châu Âu đang mua vắc xin giá cao để tiêm liều thứ 3, chúng tôi muốn mua thì phải mua theo giá cao này nhưng về Việt Nam thì cơ chế chưa rõ triển khai tiêm theo hình thức nào - doanh nghiệp này băn khoăn - Nếu chuyển vắc xin phi lợi nhuận cho Chính phủ tiêm miễn phí thì giá quá cao, có thể Chính phủ không mua, còn cho chúng tôi tự triển khai tiêm theo hình thức tiêm hợp đồng cho doanh nghiệp thì chưa có cơ chế".
Vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng dược Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson (Janssen) được Mỹ xem là vấn đề thuộc an ninh quốc gia - Ảnh: DAYTONA BEACH NEWS-JOURNAL
Mỹ coi vắc xin là an ninh quốc gia
Ngày 30.8, Pfizer Việt Nam cho biết hiện tại trong giai đoạn đại dịch này, Pfizer chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 Pfizer-BioNTech cho các chính phủ trung ương và các tổ chức lớn toàn cầu.
"Chúng tôi xin khẳng định lại rằng không có vắc xin nào được cung cấp qua trung gian tại thời điểm này. Hiện tại không có nhà phân phối tư nhân nào được ủy quyền cho vắc xin của chúng tôi trên toàn thế giới", Pfizer Việt Nam nhấn mạnh.
Pfizer Việt Nam khẳng định các chính phủ và các tổ chức lớn toàn cầu (PV - như COVAX) hiện ở vị trí tốt nhất để phân phối vắc xin một cách công bằng và bình đẳng cho người dân của các quốc gia. Theo các thỏa thuận cung cấp vắc xin này, các chính phủ sẽ chịu trách nhiệm quản lý việc phân bổ và phân phối vắc xin tại quốc gia của họ.
Trả lời báo chí vào tháng 7.2021 về việc vận động nguồn cung vắc xin và thiết bị y tế, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc khẳng định phía Mỹ coi vắc xin là vấn đề thuộc an ninh quốc gia, do đó được quản lý rất chặt từ việc sản xuất, phân phối tại Mỹ cũng như cung ứng cho các nước khác.
"Thời gian qua, đại sứ quán đã triển khai vận động nhiều nguồn cung, trong đó có nguồn từ các bang và các cấp địa phương khác, các tổ chức từ thiện, hiệp hội, công ty môi giới, cá nhân có liên quan... song cho đến nay chưa có nguồn nào thuộc nhóm nêu trên mang lại kết quả. Nguyên nhân là do chính sách quản lý thống nhất của Mỹ, theo đó các chủ thể tôi vừa đề cập không được phép giao dịch trực tiếp với các đối tác nước ngoài, kể cả khi họ có nguồn vắc xin dôi dư; mọi nguồn cung ứng vắc xin cho các nước đều qua một đầu mối duy nhất là Bộ Ngoại giao Mỹ", Đại sứ Hà Kim Ngọc chia sẻ.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, các công ty dược phẩm chuyên sản xuất và cung cấp vắc xin của Mỹ như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, cũng như các công ty đang thử nghiệm vắc xin giai đoạn II - III khác, đều có quy định rất chặt chẽ là chỉ ký hợp đồng cung cấp vắc xin thông qua kênh chính phủ các nước hoặc qua cơ chế COVAX, tuyệt đối không làm việc với các công ty tư nhân hoặc các công ty môi giới tại thời điểm hiện nay.
Nỗ lực tìm kiếm vắc xin của doanh nghiệp
Công ty CP Dược phẩm Trung ương Codupha ở TP Hồ Chí Minh nhận được thư giới thiệu của UBND TP Hồ Chí Minh để đàm phán mua vắc xin AstraZeneca. Thương vụ này sau đó đã đổ vỡ.
TP Hồ Chí Minh đã phát hành thư giới thiệu cho Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Công ty Sapharco), Tập đoàn VinaCapital đàm phán với Công ty TNHH Zuellig Pharma (là đại diện nhà sản xuất vắc xin Moderna) để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna. Đến nay, Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vắc xin Moderna. Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vắc xin dự kiến vào quý 4.2021 hoặc quý 1.2022.
Pfizer và câu chuyện ở Ấn Độ
Tháng 4.2021, giai đoạn dịch bùng phát dữ dội ở Ấn Độ, truyền thông Ấn Độ dẫn thông tin từ Pfizer cho biết hãng dược phẩm này của Mỹ vẫn chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 thông qua các kênh chính phủ ở Ấn Độ. Điều này đồng nghĩa vắc xin Pfizer sẽ không được cung cấp trực tiếp thông qua các bệnh viện tư nhân hay các bên tư nhân khác ở quốc gia Nam Á này.
Trước đó, cũng trong tháng 4, báo The Print (Ấn Độ) dẫn lời một người phát ngôn của Pfizer: "Trong giai đoạn này của đại dịch COVID-19, Pfizer sẽ ưu tiên hỗ trợ các chính phủ trong các chương trình tiêm chủng của họ và chỉ cung cấp vắc xin COVID-19 thông qua các hợp đồng với các chính phủ, dựa trên các thỏa thuận với các cơ quan chính phủ tương ứng và theo sự cho phép hoặc phê duyệt theo quy định".
Theo Tuổi trẻ