Doanh nghiệp cùng ngành điện đầu tư đường dây, xây trạm biến áp sẽ đem lại những lợi ích cho cả hai bên.
Công nhân Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương vận hành trạm biến áp 110kV
Nhiều doanh nghiệp đầu tư trạm biến áp
Công ty CP Tân Hà Kiều (Kinh Môn) chuyên sản xuất cacbua silic xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước châu Mỹ. Theo anh Bùi Đức Thành, Phó Tổng giám đốc công ty, doanh nghiệp tự đầu tư trạm biến áp (TBA) để chủ động điện cho sản xuất. Theo thiết kế, trạm 110 kV có công suất 80 MVA. Hiện công ty đã lắp máy biến áp với công suất 50 MVA và máy đóng cắt. Ngoài ra, doanh nghiệp còn lắp đặt 1 TBA 35 kVA.
Công ty CP Sản xuất - Dịch vụ - Thương mại Hoàng Gia Việt (Tứ Kỳ) cũng đầu tư 2 tỷ đồng xây dựng 2 TBA công suất 1.250 kVA và 1.500 kVA cùng hệ thống đường dây để vận hành. Số tiền này khá lớn nhưng khi được ngành điện vận động làm hạ tầng đường điện, công ty đồng ý ngay. Trong quá trình xây dựng TBA, doanh nghiệp được ngành điện hỗ trợ kỹ thuật, mua sắm thiết bị phù hợp. Khi vận hành TBA, ngành điện cũng thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, vệ sinh, hỗ trợ công ty quản lý các thiết bị điện.
Những năm qua, giữa Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương (Điện lực Hải Dương) và doanh nghiệp khách hàng luôn có sự phối hợp chặt chẽ. Ông Phạm Nguyễn Ban, Trưởng Phòng Kinh doanh (Điện lực Hải Dương) cho biết: "Hệ thống điện phục vụ sinh hoạt của người dân do ngành điện đầu tư. Còn điện cho sản xuất, kinh doanh có công suất từ 40 kVA trở lên thì ngành điện và doanh nghiệp thỏa thuận việc xây dựng công trình điện. Nếu doanh nghiệp đầu tư, ngành điện sẽ hỗ trợ kỹ thuật, thủ tục".
Toàn tỉnh hiện có 17 TBA 110 kV, trong đó 5 TBA của doanh nghiệp đầu tư gồm các Công ty: CP Thép Hòa Phát Hải Dương, TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch, CP Tân Hà Kiều, Xi măng Phúc Sơn (đều ở Kinh Môn), TNHH Nice Ceramic (Chí Linh). Ngoài ra còn có hàng trăm TBA 35 kV và TBA hạ thế do doanh nghiệp, cá nhân đầu tư.
Công ty CP Tân Hà Kiều (Kinh Môn) đầu tư trạm biến áp 110 kV bảo đảm điện phục vụ sản xuất
Lợi ích thiết thực
Để đầu tư một TBA 110 kV cần từ 20-30 tỷ đồng, TBA trung thế cũng phải mất cả tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế thì việc doanh nghiệp chung tay đầu tư hạ tầng sẽ giúp ngành điện bớt khó khăn. Để vận hành được hệ thống lưới điện, nhất là điện áp 110kV còn cần nhân lực được đào tạo chuyên môn bài bản. Hằng năm cũng phải dành một nguồn kinh phí nhất định phục vụ cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị, đường dây. "Nếu doanh nghiệp tự đầu tư lưới điện, chúng tôi sẽ có thêm kinh phí để đầu tư cho lĩnh vực khác. Từ đó nâng cao chất lượng cho cả hệ thống lưới điện", ông Ban cho biết thêm.
Đầu tư hệ thống lưới điện cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Để tránh mua điện giá cao, Công ty CP Tân Hà Kiều (Kinh Môn) chọn sản xuất vào giờ thấp điểm, trong khi hệ thống máy móc của công ty lại dùng điện công suất 110 kV. Nếu sử dụng trạm 110 kV của ngành điện thì mỗi khi dừng sản xuất, công ty lại phải xin lệnh cắt từ Trung tâm Điều khiển xa (Điện lực Hải Dương). "Mặc dù đầu tư kinh phí xây trạm 110 kV khá tốn kém nhưng đổi lại chúng tôi chủ động đóng, cắt điện, điều chỉnh giờ sản xuất phù hợp. Từ đó hằng tháng chúng tôi tiết kiệm một khoản tiền điện đáng kể", anh Bùi Đức Thành nói.
Thông thường, nếu một đường điện có nhiều khách hàng sử dụng thì nguy cơ xảy ra sự cố nhiều hơn so với đường điện ít người dùng. Vì thế, xây TBA và đường điện riêng, các doanh nghiệp cũng tránh được các sự cố xảy ra trên lưới điện. Thêm vào đó, giá bán điện cho các lưới điện cũng khác nhau. Nếu khách hàng mua điện ở cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện giờ cao điểm 2.759 đồng/kWh, giờ bình thường 1.536 đồng/kWh và thấp điểm 970 đồng/kWh. Còn khách hàng mua điện ở cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV có giá tương ứng là 2.871 đồng/kWh, 1.555 đồng/kWh và 1.007 đồng/kWh. Theo ông Đồng Xuân Văn, Trưởng Phòng Thiết bị (Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương), được mua điện giá rẻ sẽ góp phần giảm chi phí cho đơn vị.
THANH HÀ