Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khó khăn vì giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng

08/07/2022 13:27

Giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao đang khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chật vật xoay xở. Họ đang mong các gói đầu tư công sớm được triển khai.


Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương phải giảm sản lượng sản xuất và giảm đầu tư


Hiện các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh đang phải "gồng mình" ứng phó khi giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao. Nhiều doanh nghiệp không có lãi, thậm chí phải bù lỗ, hoạt động cầm chừng.

Sản xuất cầm chừng

Công ty CP Thép Hòa Phát Hải Dương sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là than và xăng dầu. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này sử dụng 350.000 tấn quặng sắt, 150.000 tấn than, 300.000 lít xăng dầu... Thời gian qua, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao đột biến khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn. So với năm 2021, hiện nay giá quặng tăng khoảng 15%, xăng dầu tăng hơn 20%, than tăng gấp hơn 2 lần. Trong khi đó do nhiều nguyên nhân nên giá bán thép của công ty đã giảm từ 10-15% so với cuối năm 2021. Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, trong quý II năm nay, sản lượng bán thép thành phẩm và thép sản xuất đều giảm khoảng 22%, thép xuất khẩu giảm 68%... so với quý II.2021.

Công ty CP Phát triển vật liệu xây dựng mới Thành Đông ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ) cũng trong tình cảnh điêu đứng khi cả giá nguyên liệu và nhiên liệu sản xuất đều tăng mạnh. Trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 450.000 viên ngói không nung. Theo tính toán của doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng doanh nghiệp sử dụng khoảng 10 tấn gas, 800 tấn xi măng, 500 tấn cát vàng. So với giá bình quân của năm 2021, gas đã tăng khoảng 60%, xi măng tăng từ 30-35%, cát vàng tăng khoảng 30%. Mức giá này làm cho chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng từ 15-17%. "Từ đầu năm đến nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải bù lỗ từ 1,2-1,5 tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ khó cầm cự được lâu. Để tính giải pháp căn cơ nhằm giảm tác động từ giá nhiên liệu đến sản xuất, từ đầu tháng 7 này chúng tôi đã chuyển đổi nguồn nhiên liệu từ gas sang gỗ viên với hy vọng giảm 50% chi phí nhiên liệu. Dù vậy, kết quả thực tế còn phải kiểm chứng thêm", ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Công ty CP Phát triển vật liệu xây dựng mới Thành Đông chia sẻ.

Theo đại diện Công ty CP RedstarCera (Chí Linh), hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hiện đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cùng với việc cạnh tranh ngày càng gay gắt thì giá nguyên nhiên liệu tăng cao chưa từng có, đặc biệt từ đầu năm 2022 đến nay khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng hơn 20%, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng Công ty CP Phát triển vật liệu xây dựng mới Thành Đông phải bù lỗ từ 1,2-1,5 tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng


Mong thúc đẩy gói đầu tư công

Việc giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao trong thời gian qua đã khiến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có tâm lý dè dặt hơn trong sản xuất, kinh doanh. Một số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chưa dám đầu tư mở rộng trong thời điểm này.

Ông Đỗ Đức Đôn, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chịu tác động lớn khi giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng mạnh. Lợi nhuận sụt giảm, lượng thép tiêu thụ giảm. Công ty phải điều tiết giảm sản lượng, cắt giảm chi phí sản xuất và giảm đầu tư chưa thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, công ty tăng cường sử dụng than anthracite nội địa thay thế cho nguồn than thường xuyên nhập khẩu từ Nga như trước đây và mua mỏ quặng tại Australia để chủ động nguồn cung ổn định. "Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ đẩy mạnh gói đầu tư công để kích cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng và Quốc hội xem xét giảm thuế phí năng lượng, giảm gánh nặng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp", ông Đôn nói.

Theo kế hoạch, ngoài những hạng mục đầu tư thường xuyên hằng năm nhằm nâng cấp thiết bị, cập nhật công nghệ, Công ty CP RedstarCera dự kiến đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất gạch ốp lát cỡ lớn với công suất 4 triệu m2/năm trong năm 2023. Tuy nhiên, trước thực tế khó khăn hiện nay, ban lãnh đạo công ty đang cân nhắc lùi thời gian đầu tư dây chuyền mới.

Công ty CP Sản xuất và Dịch vụ thương mại vật liệu xây dựng Cường Thịnh 68 ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) chuyên sản xuất gạch tuynel. So với cùng thời điểm năm ngoái, số tiền công ty bỏ ra mua nhiên liệu tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, giá nguyên liệu để làm gạch cũng tăng gấp gần 2 lần. So với cùng kỳ năm ngoái, giá gạch thành phẩm chỉ tăng khoảng 10%, trong khi giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng phi mã khiến doanh nghiệp loay hoay xoay xở. Hiện nay doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng do thu chỉ đủ để bù chi phí, không đủ bù khấu hao dây chuyền sản xuất. Trong quý II năm nay, sản lượng gạch sản xuất trung bình mỗi ngày của công ty giảm khoảng 50% so với hồi quý I.

Để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp này mong muốn cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tránh trường hợp có hiện tượng doanh nghiệp trốn thuế vật liệu xây dựng. Đồng thời kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến đề xuất với Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Than và Khoáng sản cân nhắc khi tăng giá một số loại nhiên liệu, đặc biệt là than. Thực tế thời gian qua giá than tăng nhanh, liên tục đã gây bất ổn cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều nhiên liệu than.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng khó khăn vì giá nguyên liệu, nhiên liệu tăng