Do chịu nhiều áp lực như lạm phát cao, giá các loại vật tư đầu vào, lãi suất ngân hàng đều tăng mạnh... khiến việc tiêu thụ sản phẩm của các DN sản xuất vật liệu xây dựng gặp rất nhiều khó khăn...
Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công duy trì sản xuất ổn định nhờ tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào
Những tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn như lạm phát cao, giá các loại vật tư đầu vào như xăng dầu, điện, nước... đều tăng mạnh. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng luôn giữ ở mức cao (trên 20%), nhiều công trình xây dựng bị chậm, giãn tiến độ hoặc dừng hoàn toàn khiến việc tiêu thụ sản phẩm của các DN đã khó lại càng khó hơn.
Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hoà Phát cho biết, trong các tháng 4 và 5-2011, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá thép giảm dẫn đến lợi nhuận thấp... Lãi suất ngân hàng lại luôn đứng ở mức trên 20%. Mỗi tháng công ty chi phí khoảng 20-30 tỷ đồng, do đó phải huy động vốn lưu động rất lớn, trong khi hàng bán ra thường bị trả chậm cũng làm tăng chi phí. Trước tình hình đó, công ty hạn chế đầu tư mua sắm mới máy móc thiết bị, tập trung sửa chữa, vận hành tối đa hệ thống máy sẵn có, tránh lãng phí cơ sở vật chất và nguồn nhân lực tại chỗ của công ty. Để bảo đảm kế hoạch sản xuất đã đề ra, lãnh đạo công ty động viên công nhân lao động tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, làm chủ và kiểm soát thiết bị, giảm thiểu thời gian đình trệ sản xuất do sự cố thiết bị; sử dụng chặt chẽ, tránh lãng phí các loại nguyên, nhiên liệu; kiểm soát tiêu hao, giảm chi phí ở tất cả các công đoạn sản xuất, tối ưu hóa các phương án phối liệu nhằm giảm giá thành sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty tích cực tìm kiếm và ký kết lâu dài với các nhà cung cấp xăng dầu, than, điện... để ổn định nguồn nguyên liệu có chất lượng. Nhờ những biện pháp tích cực, sản xuất của công ty vẫn duy trì và đạt sản lượng theo kế hoạch.
Sản phẩm chính của Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công là xi-măng và clanh-ke, nên việc tiêu thụ sản phẩm của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào “sức khoẻ” của ngành xây dựng. Khi các DN xây dựng gặp khó, sản xuất của công ty cũng bị ảnh hưởng. Để vượt qua những khó khăn trước mắt, ưu tiên hàng đầu của công ty là tổ chức lại sản xuất và đa dạng hoá các kênh bán hàng. Công ty có 3 dây chuyền, công suất thiết kế 78 vạn tấn/năm. Từ đầu năm đến nay, dây chuyền Thành Công 3 dành khoảng 80% sản phẩm (khoảng 30 vạn tấn clanh-ke) để xuất khẩu sang thị trường các nước trong khu vực, cùng với duy trì kênh phân phối truyền thống trong nước. Trong sản xuất, công ty tiến hành cơ cấu lại với chủ trương “tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào”. Các khâu trung gian được sắp xếp lại cho hợp lý, giảm những chi phí phát sinh, tiết kiệm thời gian. Vì vậy, mỗi ngày công ty giảm được khoảng 40% chi phí xăng dầu và các chi phí không cần thiết khác. Từ đầu năm đến nay, công ty luôn duy trì sản xuất đạt 95% công suất thiết kế và không có hàng tồn kho.
Giá nguyên, vật liệu tăng cao đã khiến Công ty TNHH Phú Tân (chuyên sản xuất xi-măng và clanh-ke) phải bỏ ra thêm cả trăm triệu đồng mỗi tháng cho các khoản than, điện, phụ gia... chưa kể chi phí tăng thêm về vận chuyển, lương công nhân trước sức ép của thị trường và nhất là lãi suất ngân hàng. Trước tình hình đó, công ty đã chủ động ký những hợp đồng cung cấp nguyên liệu dài hạn và có thể trả chậm để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, lãnh đạo công ty yêu cầu các bộ phận sản xuất thực hiện tiết kiệm điện, nước, mở rộng thị trường tiêu thụ theo hướng ký các đơn hàng lớn, lợi nhuận cao hơn. DN đã có phương án mở rộng mối quan hệ với một số ngân hàng thương mại để tiếp cận vốn tín dụng bảo đảm sản xuất ổn định. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, dây chuyền của công ty luôn hoạt động đạt trên 90% công suất, giá bán ổn định và bảo đảm việc làm cũng như thu nhập cho gần 800 công nhân.
Ông Lê Văn Định, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công cho rằng: “Thông tin rõ ràng, minh bạch là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, ngân hàng có những thông tin kịp thời, chính xác, nhất quán; các giải pháp điều hành kinh tế cần được thực hiện đồng bộ, cân nhắc kỹ những hiệu ứng có thể phát sinh khi thực hiện, đồng thời cần có lộ trình thực thi hợp lý, tránh để doanh nghiệp bị “sốc”, hoặc rơi vào thế bị động, lúng túng khi quyết định các phương án kinh doanh...”. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng khuyến cáo các DN cần tránh đầu tư đa ngành, dàn trải, kém hiệu quả. Danh mục đầu tư của DN phải được thu gọn và chỉ tập trung vào các dự án có tiềm năng và vốn đầu tư bảo đảm. Mỗi DN cần tái cấu trúc lại sản xuất, kịp thời nắm bắt và nghiên cứu thị trường, bảo đảm giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
THÀNH LONG - VỊ THỦY