Cả 10 tỉnh, thành phía Bắc đồng loạt tổ chức phiên giao dịch việc làm online kết nối người lao động và doanh nghiệp với hơn 55.000 chỉ tiêu, trong đó Bắc Giang tuyển lao động nhiều nhất.
Trần Quỳnh Nga (quê Nam Định), ứng viên tìm việc ở vị trí kinh doanh tại một công ty chuyên về nước giải khát - Ảnh: HÀ QUÂN
Trong ngày 9.2, phiên giao dịch việc làm online kết nối Hà Nội với chín tỉnh, thành gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Ninh Bình, Bắc Kạn, Hưng Yên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng đã diễn ra.
Có tổng cộng 55.000 chỉ tiêu tuyển lao động được doanh nghiệp đưa ra. Trong đó, Bắc Giang dẫn đầu với 44.789 vị trí (chiếm trên 80%), tiếp sau là các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh (đều khoảng 2.500 chỉ tiêu), Hà Nội (1.139 chỉ tiêu)...
Sau Tết, doanh nghiệp "đỏ mắt" tìm công nhân
Qua tổng hợp, doanh nghiệp chủ yếu tuyển lao động phổ thông (chiếm 97%) còn trình độ đại học, cao đẳng không đáng kể. Công nhân điện tử là vị trí được tuyển nhiều nhất với trên 42.000 chỉ tiêu, tiếp đến là may mặc, sản xuất nhựa, kinh doanh, xây dựng, thu ngân, cơ khí...
Mức lương phổ biến nhất từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nhóm lao động từ 18 - 25 tuổi được các doanh nghiệp ưa thích nhất.
Chiều 9.2, ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang cho biết sơ bộ khoảng 32% đã được doanh nghiệp nhận. Số còn lại đã nộp hồ sơ xin việc và chờ phỏng vấn thêm (thông thường 60 - 70% ứng viên đáp ứng nhu cầu). Quý 1.2023, Bắc Giang tuyển lao động mới khoảng 28.000 người thuộc các ngành điện tử, may mặc, sản xuất nhựa và pin năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, một số công ty có nhu cầu tuyển lao động lớn như Luxshare - ICT Việt Nam (30.000 công nhân), Newwing Interconnect Technology với 5.000 chỉ tiêu, Lens Việt Nam 2.000 vị trí…
Doanh nghiệp Hà Nội cần tuyển gấp 100.000 - 120.000 người
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sau Tết, thị trường việc làm có sự sôi nổi và tăng hơn so với cuối năm 2022, cận Tết. Dự báo, quý 1.2023, các doanh nghiệp Hà Nội có nhu cầu tuyển 100.000 - 120.000 lao động mới.
Ngành logistics cần 10.000 - 15.000 người, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch tuyển 10.000 - 12.000 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, nhóm ngành bất động sản, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chăm sóc sức khoẻ cũng tuyển nhiều.
“Từ mùng 6 Tết đến nay, hơn 200 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng nhân lực mới. Đầu năm là thời điểm doanh nghiệp bắt đầu khởi động kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn với tuyển dụng nhân sự mới”, ông Thành nêu rõ.
Theo ông Thành, người đi làm luôn quan tâm đến thu nhập, môi trường làm việc, thăng tiến bản thân. Tuy vậy, doanh nghiệp căn cứ trình độ, mức độ hoà nhập công việc để đưa ra mức lương hợp lý nhất. Chẳng hạn, lao động phổ thông thì có mức lương từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Trong khi, bình quân của nhân viên văn phòng cũng không quá cao, gần như tương đương.
Theo ông Lương Bá Phong, Trưởng Phòng nhân sự Công ty TNHH Đầu tư và thương mại xuất nhập khẩu Nam Khang, đơn vị cần tuyển 10 nhân sự kinh doanh và 10 nhân sự kho. Ngoài lương từ 8 triệu đồng/tháng, người lao động nhận thêm thưởng doanh số (KPI), cao nhất đạt 13 triệu đồng/tháng.
"Chúng tôi có kế hoạch tiếp tục mở rộng nên tuyển nhiều lao động nhưng số ứng viên đáp ứng yêu cầu công việc chưa cao", ông Phong chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Phạm Hoàng Long, Trưởng phòng tổ chức nhân sự Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Long Hưng - cho biết đơn vị có nhu cầu tuyển 26 giám sát bán hàng và nhân viên bán hàng với mức lương tối thiểu 13 triệu đồng/tháng (26 ngày công) chưa tính KPI.
"So với mọi năm, tuyển nhân sự mới khó khăn, nhất là ngành FMCG (tiêu dùng nhanh - PV)", ông Long chia sẻ.
Theo Tuổi trẻ