Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay chuyển đổi số

14/01/2022 14:30

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để hội nhập nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp vướng mắc khi triển khai thực hiện.


Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương dự kiến tiếp tục phát triển phần mềm “Hebec School” vào năm học tới

Nhiều tiềm năng nhưng thiếu nguồn lực

Chuyển đổi số (CĐS) có thể hiểu là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số và tận dụng công nghệ để thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và mang đến những giá trị mới để doanh nghiệp bứt phá. CĐS đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và nguồn vốn để thực hiện. Hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn loay hoay trong CĐS.

Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương (HEBEC) là doanh nghiệp sản xuất, phân phối sách vở, thiết bị giáo dục chủ yếu phục vụ thị trường nội tỉnh. Trước đây, phụ huynh học sinh các trường thường đặt sách giáo khoa bằng phiếu đăng ký trực tiếp, sau đó các trường tổng hợp số liệu gửi về doanh nghiệp. Năm 2021, công ty này sử dụng phần mềm "Hebec School" hỗ trợ phụ huynh học sinh đặt sách và đồ dùng học tập trực tuyến qua app, thí điểm tại nhiều trường học ở TP Hải Dương và thị xã Kinh Môn. Tuy nhiên, vì số lượng học sinh nhiều, doanh nghiệp thiếu nguồn lực để hỗ trợ, phổ biến các tính năng của ứng dụng đến phụ huynh học sinh và cán bộ, giáo viên.

“Thời gian đầu thử nghiệm, có những lúc có hàng trăm lượt phản hồi trên ứng dụng nhưng nguồn lực để giải quyết thì còn hạn chế. Ứng dụng này được kỳ vọng tích hợp nhiều chức năng phục vụ ngành giáo dục và đào tạo như sổ liên lạc điện tử, kho đề thi trắc nghiệm, học trực tuyến chứ không phải chỉ để bán sách và thiết bị nên để có một phần mềm chỉn chu cần nhiều công đoạn thử nghiệm, từng bước hoàn thiện. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cần nguồn vốn lớn và nguồn nhân lực có trình độ cao. Công ty hiện có chuyên viên kỹ thuật nhưng những công việc như lập trình, xử lý lỗi ứng dụng thì phải thuê, mua từ nguồn lực bên ngoài với chi phí đắt đỏ. Đây cũng là vướng mắc chung nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải trong quá trình CĐS”, ông Vũ Chí Việt, Tổng Giám đốc Công ty CP Sách và Thiết bị giáo dục Hải Dương cho biết.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khác cũng gặp khó khi tiếp cận công nghệ để thực hiện CĐS. 

 "Nhiều khâu trong quá trình sản xuất đã được hiện đại hóa để giảm phụ thuộc vào công nhân. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khi ứng dụng công nghệ hiện đại vào công đoạn thu mua nông sản từ người nông dân do nguồn vốn và nhân lực kỹ thuật có hạn", ông Vũ Đình Bẩy, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vũ Công ở xã Nam Trung, Nam Sách (chuyên thu mua, chế biến nông sản, gia vị, rau củ quả) chia sẻ.

Số hóa rồi mới chuyển đổi số

Quá trình CĐS ở doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn và chưa phát huy tối ưu hiệu quả một phần là do lối tư duy của nhiều nhà quản trị đang nhầm lẫn. “Nhiều DN đang nhầm lẫn CĐS với khái niệm số hóa. Số hóa có thể xem là một quá trình của CĐS vì số hóa là hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số, ví dụ như chuyển từ tài liệu giấy tờ sang các file mềm trên máy tính. CĐS là khai thác các dữ liệu có được từ quá trình số hóa để áp dụng các công nghệ phân tích, biến đổi dữ liệu, tạo ra các giá trị mới hơn cho doanh nghiệp như tăng cường cạnh tranh thị trường, tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, thu hút và giữ chân khách hàng. Đây là mục đích cốt lõi của CĐS nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tốn rất nhiều chi phí, nhân lực nhưng không khai thác hết giá trị từ CĐS”, ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh chia sẻ.

Là một doanh nghiệp có doanh thu chủ yếu từ thị trường xuất khẩu, Ban Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương đã có chủ trương thực hiện CĐS trong sản xuất từ nhiều năm trước. Ông Đinh Trịnh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương chia sẻ: “Những lợi ích dễ nhận biết nhất của CĐS đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh được nâng cao. Tuy nhiên, mục đích cao nhất của CĐS là mang đến giá trị mới, thị trường mới cho doanh nghiệp thì chưa được nhiều nhà quản trị hướng đến, hầu hết chỉ dừng lại ở giai đoạn số hóa. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thay đổi mạnh mẽ mô hình truyền thống để tồn tại và phát triển".

Nhiều năm qua, tỉnh Hải Dương có tốc độ tăng trưởng GRDP khá nhanh, nguồn lao động dồi dào, có khả năng tiếp cận công nghệ tốt, ông Đoàn Văn Nghệ nhận định rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có tiềm năng rất lớn trong CĐS. Đây là những cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo sự đột phá trên thị trường nhờ vào CĐS. "Các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, tập huấn, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ để góp phần gỡ khó cho doanh nghiệp. Phía các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có nhìn nhận đúng đắn về CĐS vì đó là yếu tố then chốt để hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững", ông Nghệ đề xuất.

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhỏ và vừa loay hoay chuyển đổi số