Doanh nghiệp nhà nước - Hiệu quả chưa tương xứng nguồn lực

28/05/2018 10:27

Sáng 28.5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, sáng 28.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. 

Phiên họp được Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam truyền hình, phát thanh trực tiếp và các phương tiện thông tin đại chúng khác đưa tin để cử tri và đồng bào cả nước theo dõi. 

Doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế 

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 chỉ rõ tính đến ngày 31.12.2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước xét trên tiêu chí lợi nhuận tạo ra, nộp ngân sách nhà nước có chiều hướng tích cực.

Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng. Tổng doanh thu năm 2016 đạt 1.515.821 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 139.658 tỷ đồng, nộp ngân sách phát sinh là 251.845 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2011. Một số doanh nghiệp có năm đạt tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Mía đường.

Dù kinh tế thế giới không ổn định, hoạt động kinh doanh trong nước gặp khó khăn nhưng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2011-2016 vẫn nộp ngân sách nhà nước 147.941 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội nộp ngân sách nhà nước 131.400 tỷ đồng... 

Đối với doanh nghiệp Nhà nước có một phần vốn góp, thực hiện thoái vốn, thu hồi vốn nhà nước đạt được một số kết quả nhất định. Trong giai đoạn 2011-2015, đã thoái vốn nhà nước 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng, bằng 1,4 lần so với giá trị sổ sách. 

Tuy nhiên, Đoàn Giám sát cho rằng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ. Tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.

Một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Hóa chất, Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản...

Ngoài ra, việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng. Đáng chú ý, một số vi phạm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục về tài chính và buộc phải xử lý, kỷ luật cán bộ. Cụ thể là: Vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh; vi phạm nguyên tắc thị trường; vi phạm nguyên tắc quản trị doanh nghiệp; vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính. 

Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Đoàn Giám sát đánh giá, công tác cổ phần hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Giai đoạn 2011-2016 cả nước cổ phần hóa 571 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, nhờ đó huy động được nguồn vốn xã hội đầu tư vào doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc thay đổi phương thức quản trị, tạo ra động lực để phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch đề ra. Tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ ở các công ty cổ phần còn cao. Lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa doanh nghiệp, có nhiều tổng công ty tỷ lệ bán ra ngoài được rất nhỏ (chỉ khoảng 1-2% vốn điều lệ), dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài. 


Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Quá trình cổ phần hóa còn vướng mắc liên quan đến đất đai. Một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất tại nhiều địa phương chưa thống nhất được phương án sử dụng đất với địa phương trước khi cổ phần hóa. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 còn tồn tại một số vi phạm chủ yếu liên quan đến các vấn đề tài chính doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp. 

Không dùng ngân sách để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp 

Báo cáo của Đoàn Giám sát đã chỉ rõ nguyên nhân của những vướng mắc, bất cập về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. 

Theo báo cáo, môi trường kinh tế trong nước, khu vực và trên thế giới có nhiều biến động, bên cạnh mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận, các doanh nghiệp nhà nước còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, do đó phần nào ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, doanh thu và lợi nhuận. Hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn một số hạn chế.

Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu, kiểm soát nội bộ chưa hiệu quả là một trong các nguyên nhân dẫn đến những vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian qua. 

Quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 chịu tác động từ những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, do đó cũng tác động tiêu cực, làm chậm tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hơn nữa, đây là lĩnh vực có tính đặc thù, công tác tổ chức thực hiện nói chung chưa có nhiều kinh nghiệm. Hệ thống chính sách, pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước còn một số vướng mắc, bất cập gây khó khăn cho quá trình triển khai, tổ chức thực hiện (các nội dung liên quan đến thời gian thực hiện, xác định giá trị doanh nghiệp đối với các loại tài sản vô hình như lợi thế vị trí đất đai, lợi thế thương mại…). 

Nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xem xét, sửa đổi các luật liên quan nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong quy định hiện hành. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát đối với quá trình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Chính phủ cần sớm tổng kết, đánh giá và báo cáo Quốc hội để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; hoàn thiện quy định về lựa chọn, bổ nhiệm, giám sát người quản lý doanh nghiệp, quản lý đất sau cổ phần hóa. Chính phủ phân công và chỉ đạo các bộ thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực phụ trách; ban hành cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Chính phủ cần quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp, xem xét, thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp. 

Các bộ, ngành, địa phương rà soát, hoàn thiện và phê duyệt phương án sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật để lại diện tích đất phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Bản thân các doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục đổi mới quản trị doanh nghiệp; rà soát điều lệ hoạt động, quy chế quản lý nội bộ, làm việc; nghiên cứu cơ chế đối với Ban kiểm soát theo hướng hoạt động độc lập, không để xảy ra tình trạng thao túng toàn bộ hoạt động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào kinh doanh những ngành, nghề kinh doanh chính; xây dựng lộ trình và thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn góp, bảo đảm công khai, minh bạch, đem lại lợi ích cao nhất cho Nhà nước.

TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhà nước - Hiệu quả chưa tương xứng nguồn lực