Dịch Covid-19 bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp như giáng thêm một "đòn chí tử" vào những nỗ lực phục hồi của ngành du lịch, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành.
Đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt tư vấn cho khách hàng có nhu cầu hoãn tour
Liên tiếp hủy tour
Cuối tháng 7, khi những tin vui về du lịch nội địa khởi sắc nhờ các chương trình kích cầu thì dịch Covid-19 lại bùng phát. Nhiều đơn vị lữ hành một lần nữa lại phải đối mặt với tình trạng hủy tour, hoàn tiền... như trước đó. Tại Hải Dương, ngay sau khi thông tin Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm dịch Covid-19 đầu tiên, khách hàng đã đồng loạt hủy tour không chỉ đến Đà Nẵng mà còn nhiều điểm du lịch khác như Bình Định, Phú Yên, Nha Trang, Quảng Ninh…
Công ty CP Du lịch Nữ Hoàng (TP Hải Dương) đã thiệt hại cả tỷ đồng do khách hàng hủy hoặc hoãn tour. Riêng tháng 8, công ty đã có 23 đoàn (khoảng 600 khách) hoãn, hủy tour. Tương tự, toàn bộ hơn 500 khách hàng đăng ký tour tháng 8, tháng 9 của Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt (TP Hải Dương) cũng đồng loạt hoãn, hủy tour. Điều này thực sự làm khó các doanh nghiệp bởi hầu hết các dịch vụ đều đã thanh toán hoặc đặt cọc từ 30 - 80% chi phí cho đối tác.
Hiện nay, các công ty đều chọn giải pháp tối ưu là đàm phán với khách hàng và đối tác cung cấp dịch vụ. Theo đại diện Công ty TNHH Du lịch quốc tế Dòng Chảy Việt, khách yêu cầu hủy tour đa phần đối với những điểm gần như Sầm Sơn, Hạ Long, Cát Bà… Còn những khách đi bằng đường hàng không thì hoãn tour. Công ty đã trả tiền cọc 100% đối với các tour không liên quan đến đường hàng không. Đối với các tour đi Đà Nẵng, công ty trả lại tiền vé máy bay và bảo lưu dịch vụ khách sạn. Đối với các tour khác sẽ dựa trên chính sách của từng hãng hàng không để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho khách hàng.
Hiện chưa thể thống kê thiệt hại mà các đơn vị lữ hành gặp phải nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh là không nhỏ, bởi sau cú sốc từ lần dịch đầu, đa số các doanh nghiệp đều đã lao đao. Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp không những không có doanh thu mà tài chính còn “âm nặng” bởi những khoản “bị om” như đặt cọc tại các cơ sở lưu trú, hãng hàng không và một loạt các chi phí để duy trì hoạt động gồm tiền thuê trụ sở, trả lương nhân viên…
Nguy cơ thất nghiệp dài
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có khoảng 1.600 người làm trong lĩnh vực du lịch lữ hành bị mất việc. Con số này sẽ còn tăng thêm nếu dịch tiếp tục kéo dài. Sau đợt dịch đầu năm, đa phần các đơn vị đã cắt giảm nhân sự để bộ máy hoạt động gọn nhẹ. Tuy nhiên, nếu dịch diễn biến phức tạp thì lại tiếp tục tính đến việc cắt giảm nhân viên. Nhiều doanh nghiệp đã làm thêm các lĩnh vực khác, mang tính thời vụ để duy trì hoạt động.
Trước tình hình này, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã đề xuất, kiến nghị với các cấp để hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, tiền điện... Hiệp hội cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp vừa phòng chống dịch vừa nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để có khả năng phục hồi nhanh nhất. Đặc biệt, hiệp hội cũng đã tổ chức các hoạt động nhằm kết nối các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh với các đơn vị lữ hành trên toàn quốc để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Theo ông Nguyễn Minh Xô, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh, hiện nay hiệp hội tích cực tuyên truyền, vận động các đơn vị lữ hành chấp hành nghiêm quy định phòng chống dịch. “Trước mắt, hiệp hội cũng như doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ cho người lao động mất việc hoặc phải tạm thời nghỉ việc được thực hiện khẩn trương để người lao động sớm ổn định cuộc sống”, ông Xô nói.
HUYỀN ANH