Doanh nghiệp lao đao vì dịch

06/03/2020 07:03

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh.


Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Công ty CP May II Hải Dương phải thay đổi kế hoạch sản xuất, chuyển 20% máy móc sang sản xuất khẩu trang

Khó khăn chồng chất 

DN Hải Dương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như phải tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu, cho người lao động nghỉ việc nhưng vẫn trả lương và các loại bảo hiểm; không có doanh thu dẫn đến các khoản nợ ngân hàng quá hạn...

Là một trong những DN có tiếng trong ngành dệt may xuất khẩu của Hải Dương, Công ty CP May II Hải Dương ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) lần đầu tiên bị ảnh hưởng bởi yếu tố tác động từ bên ngoài sau hơn 30 năm hoạt động. Hơn 90% nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất được công ty nhập từ Trung Quốc nên khi dịch Covid-19 xảy ra, DN gặp khó khăn khi nhập khẩu nguyên phụ liệu.

Trước khi có dịch, trung bình mỗi tháng, DN sản xuất khoảng 100.000 sản phẩm các loại, nhưng từ sau Tết đến nay, do không đủ nguyên liệu nên sản phẩm làm ra giảm 70%. Cuối năm 2019, DN đã ký kết các đơn hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc với số lượng hơn 1 triệu sản phẩm. Nguồn nguyên liêu dự trữ của DN chỉ đủ cho công nhân làm việc đến hết tháng 2. Hiện DN chưa nhập được nguyên liệu mới và chưa biết khi nào mới có hàng để sản xuất tiếp.

Ông Đinh Trịnh Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho biết để khắc phục khó khăn, DN đã tạm thời điều chỉnh sản xuất. Từ đầu tháng 3, công nhân của công ty chỉ làm việc cầm chừng. Theo kế hoạch, công nhân chỉ làm việc nửa ngày và nghỉ 2 ngày cuối tuần.

Thay vì chỉ sản xuất sản phẩm thời trang xuất khẩu, công ty đã chuyển 20% số máy móc sang sản xuất khẩu trang. Trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất khoảng 70.000 - 80.000 khẩu trang nhưng do chưa nhiều đơn vị biết đến nên số lượng đơn đặt hàng rất ít.

Mặc dù hoạt động kinh doanh đồ nội thất không phải lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng Công ty TNHH Hoài Giang ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) cũng lao đao vì dịch Covid-19. Gần 50 tỷ đồng tiền hàng đang nằm trong nhà xưởng rộng hơn 3.000 m2 khiến lãnh đạo công ty rất lo  lắng. 

Bà Phạm Mỹ Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Giang chia sẻ trước Tết, công ty đã ký hợp đồng lắp đặt hoàn thiện đồ nội thất cho gần 700 phòng khách sạn cao cấp ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng và nhiều hợp đồng lắp đặt nội thất trong các khu nghỉ dưỡng.

Đây là những nơi phục vụ sinh hoạt, lưu trú của chuyên gia người nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan đến làm việc tại Việt Nam và du khách của các nước khác đến du lịch. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các khách sạn không có khách đến lưu trú nên các hợp đồng giữa công ty và các đơn vị này cũng bị hoãn lại, chưa biết khi nào sẽ triển khai.

Bên cạnh đó, nhiều DN lắp đặt nội thất trước Tết nợ tiền hàng và hẹn sau Tết trả nợ nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, các DN này không có nguồn thu nên cũng chưa thanh toán công nợ theo hợp đồng. "Hàng tồn kho kéo dài, nhiều khoản nợ không đòi được làm cho hoạt động của công ty gặp nhiều khó khăn. Gần 90% số lao động của công ty phải nghỉ việc nhưng vẫn trả lương để giữ chân người lao động", bà Hoài nói.

Theo đại diện các hội, hiệp hội DN của tỉnh, qua rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các DN hội viên, các DN hoạt động trong lĩnh vực giày da, bánh đậu xanh, kinh doanh dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

DN sản xuất bánh đậu xanh có hoạt động xuất khẩu đều bị ách tắc do không có đơn hàng mới. DN kinh doanh dịch vụ không có doanh thu do vắng khách. DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ và thực hiện các nghĩa vụ với người lao động theo đúng quy định. Mặc dù DN đã chủ động khắc phục bằng nhiều cách, chủ động tìm thị trường mới nhưng vẫn gặp khó khăn.


Công ty TNHH Hoài Giang đang lao đao vì dịch bệnh do gần 50 tỷ tiền hàng hóa nằm trong kho

Cần hỗ trợ kịp thời

Dự báo diễn biến dịch bệnh Covid- 19 còn phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có thể bị ảnh hưởng sẽ kéo dài. Các DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là những DN có quy mô nhỏ và vừa nên dịch Covid-19 đang khiến nhiều DN lo lắng. 

Ông Đoàn Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh cho rằng bên cạnh sự chủ động của DN, cần có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho DN.

Được biết các bộ, ngành đã và đang đề xuất với Chính phủ triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể việc việc này trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 3.3 vừa qua.

Nhiều DN trong tỉnh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn để kịp thời nắm bắt khó khăn của DN, đề xuất với tỉnh những giải pháp tháo gỡ. Ngân hàng cần tạo điều kiện cho DN giãn nợ, giảm lãi suất.

Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi và các gói hỗ trợ từ ngân hàng, Bảo hiểm Xã hội tỉnh nên tạo điều kiện lùi thời gian đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời gian DN cho lao động nghỉ việc, giãn tiến độ vì thiếu nguyên liệu đầu vào. Ngành thuế xem xét miễn giảm thuế cho DN trong thời gian xảy ra dịch bệnh...

Về lâu dài, để tránh sự ảnh hưởng nặng nề và rủi ro cho DN khi có yếu tố tác động bất ngờ từ bên ngoài, UBND tỉnh nên kiến nghị với Chính phủ tập trung đẩy mạnh nội địa hóa ngành công nghiệp phụ trợ, cung ứng chuỗi sản xuất trong nước.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp lao đao vì dịch