Doanh nghiệp kỳ vọng gì từ Nghị quyết 13?

24/06/2012 08:08

Các doanh nghiệp hy vọng Nghị quyết 13 của Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh suy thoái kinh tế như một liều thuốc "tăng lực"...



Doanh nghiệp đang mong chờ các chính sách trong Nghị quyết 13 của Chính phủ nhanh chóng được thực thi


Ngày 10-5-2012, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 13 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh suy thoái kinh tế, thị trường thu hẹp, hàng hóa ứ đọng. Đây được xem như một liều thuốc "tăng lực" cho các doanh nghiệp.

Một trong những nội dung chính của Nghị quyết 13 được các doanh nghiệp kỳ vọng và mong đợi nhất chính là gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng cho  các tháng: 4, 5 và 6 năm 2012; giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 cho các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn 9 tháng thời hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước. Theo tính toán của ngành thuế, nếu giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp thuộc diện ưu tiên thì toàn tỉnh sẽ giảm thu 20 tỷ đồng và sẽ có hơn 50 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng được gia hạn, hơn 60 tỷ đồng tiền thuê đất được giảm. Tổng số tiền thuế thực hiện theo chính sách giãn, giảm của Nghị quyết 13 trên địa bàn toàn tỉnh cho các doanh nghiệp dự kiến hơn 100 tỷ đồng. Đáng chú ý là các khoản thuế, phí được giãn đều không bị tính lãi nên doanh nghiệp có thể yên tâm sử dụng để tăng vốn đầu tư, giảm chi phí đầu vào.

Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp cho rằng, Nghị quyết 13 chỉ hướng đến gỡ khó cho các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Vì chỉ có doanh nghiệp đang hoạt động bình thường mới có thuế để đóng và mới được hưởng chính sách giãn, giảm thuế. Còn với các doanh nghiệp khó khăn, hàng hóa ứ đọng, không bán được sản phẩm thì lấy đâu ra thu nhập để chịu thuế! Trong khi các doanh nghiệp khó khăn, sản xuất đình đốn cũng rất cần được hỗ trợ để họ vực dậy, tiếp tục hoạt động. Ông Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa. Hàng hóa sản xuất ra không bán được, trong khi các đối tác kinh doanh chính thì nợ vốn. Những năm trước, tốc độ tăng trưởng của công ty luôn đạt 30 -  40%/năm, nhưng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của doanh nghiệp đã giảm mạnh so với cùng kỳ. Hoạt động khó khăn, hàng hóa ứ đọng, buộc chúng tôi phải quyết định hoãn đầu tư một số dự án và đưa tỷ lệ tăng trưởng bằng 0 so với năm 2011 để an toàn cho doanh nghiệp. Sản xuất, kinh doanh không có lãi để nộp thuế nên chúng tôi không thể được hưởng ưu đãi từ Nghị quyết 13".

Cùng chung quan điểm với ông Trang, tại cuộc tọa đàm “Doanh nghiệp nhỏ và vừa với ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức ngày 14 - 6 vừa qua,  ông Vũ Chí Nghiêm, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị giáo dục Hải Dương cho rằng: Với doanh nghiệp đang khó khăn, hàng hóa không bán được, lỗ kéo dài tháng này qua tháng khác mà chỉ gia hạn  thuế giá trị gia tăng 3 tháng thì không giúp được nhiều cho doanh nghiệp. Cần phải gia hạn đến cuối năm, vì có thể qua tháng 5, tháng 6, hoạt động của một số doanh nghiệp sẽ tốt hơn, có thu nhập và doanh thu bán hàng, họ sẽ được hưởng chính sách thuế và như vậy sẽ công bằng hơn đối với họ. Ngoài ra, việc giảm 50% tiền thuê đất cũng chỉ áp dụng đối với một số tổ chức, doanh nghiệp chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được giảm.



Công ty CP Dược - Vật tư y tế Hải Dương đang gặp rất nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa.
Từ đầu năm đến nay, sản xuất, kinh doanh không có lãi nên công ty không được hưởng lợi từ Nghị quyết 13


Liên quan đến chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13, không ít doanh nghiệp khi được trao đổi đều cho biết, mặc dù ngân hàng hạ trần lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn không vay được vốn, hoặc vẫn phải vay với lãi suất cao và việc tiếp cận vốn ngân hàng vẫn vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc Doanh nghiệp Vật tư Minh Hải cho biết: "Hiện tài sản thế chấp của doanh nghiệp chỉ có nhà xưởng, hàng tồn kho. Trong khi muốn vay vốn ngân hàng buộc phải chứng minh tình hình hoạt động, kinh tế tài chính rõ ràng do kiểm toán của Nhà nước xác nhận. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải hoạt động có lãi, có hiệu quả, có khả năng thanh toán các khoản nợ gốc, lãi. Với nhiều thủ tục khó khăn nên nếu có vay được vốn thì cơ hội kinh doanh đã trôi qua. Đặc biệt, các ngân hàng đã công bố giảm lãi suất từ lâu nhưng hiện nay, số doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn đó vẫn còn quá ít, phần lớn các doanh nghiệp vẫn phải đang phải chịu mức lãi suất 16 - 17%/năm. Chúng tôi mong rằng, các ngân hàng cũng nên cởi mở hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tồn tại và phát triển, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Các ngân hàng sớm có lộ trình giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, đồng thời cũng cần lựa chọn và phân loại các doanh nghiệp theo từng nhóm, theo một số tiêu chí để có những chính sách vay, hạn mức vay, cũng như áp dụng lãi suất vay phù hợp...".

Mong đợi của doanh nghiệp trong suốt thời gian qua phần nào đã được giải quyết khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13. Với số thuế được giãn, giảm cùng với các chính sách tiền tệ, tín dụng sẽ đem lại nguồn vốn rẻ đáng kể cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp kỳ vọng là chính sách phải sớm đi vào cuộc sống, và cần có nhiều giải pháp thiết thực hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp thực sự khó khăn có cơ hội vực dậy, tiếp tục hoạt động. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ.

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp kỳ vọng gì từ Nghị quyết 13?