Thiếu hiểu biết chính sách, pháp luật và hoạt động của tỉnh nên nhiều doanh nghiệp kiến nghị không sát thực tế...
Do chưa tìm hiểu kỹ về luật và các hoạt động của tỉnh, một số doanh nghiệp nêu các kiến nghị chưa sát với thực tế
Bên cạnh những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chính đáng của doanh nghiệp (DN) thì vẫn còn không ít ý kiến do DN không nắm vững các quy định của pháp luật. Hoặc kiến nghị đã được giải quyết nhiều lần nhưng DN vẫn gửi đơn thư khiến các cơ quan chức năng mất thời gian xem xét.
Lạm quyền kiến nghị Trong hội nghị đối thoại với cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh vào tháng 4 vừa qua, Công ty CP Kim Chính ở khu Tiền Trung, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đề nghị lãnh đạo tỉnh có chủ trương, giải pháp để chứng nhận, xác nhận thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Thực tế, chủ trương xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng đã được tỉnh quan tâm từ rất sớm. Giai đoạn 2004-2010 và giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh đều có đề án hỗ trợ trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng được 19 nhãn hiệu tập thể như: cà rốt Đức Chính của huyện Cẩm Giàng; gạo nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây của huyện Kinh Môn; rươi, cáy của huyện Tứ Kỳ; bánh gai của huyện Ninh Giang… Hiện nay, tỉnh đã có đề án “Phát triển tài sản trí tuệ của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020” nhằm tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nội dung kiến nghị của DN thể hiện DN chưa tìm hiểu các chủ trương, hoạt động của tỉnh về lĩnh vực này.
Mặc dù đến ngày 20.7, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chưa nhận được hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận tài sản của Công ty Nước sạch Hưng Đạo ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) nhưng trước đó, tháng 4.2017, DN này đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành cấp giấy chứng nhận tài sản để DN làm thủ tục vay vốn ngân hàng. Theo quy định của pháp luật hiện nay, việc chứng nhận sở hữu tài sản gắn liền với đất được thực hiện theo nhu cầu của chủ sở hữu tài sản và tài sản đó phải được tạo lập hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ theo quy định pháp luật. DN không tìm hiểu và chưa liên hệ với cơ quan chuyên môn trực tiếp thực hiện công việc này thì đã kiến nghị cho rằng mình gặp khó khăn, vướng mắc.
Nhiều năm nay, Công ty TNHH Đầu tư phát triển Hoàng Phúc ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) gửi đơn thư kiến nghị đến các cấp yêu cầu làm rõ số tiền DN chuyển cho UBND thị trấn Lai Cách để giải phóng mặt bằng nhưng thị trấn chưa thực hiện xong. Các nội dung kiến nghị của công ty này đã được Sở TNMT phối hợp giải đáp, làm rõ và có nhiều văn bản trả lời. Tuy nhiên, DN vẫn kiến nghị nhiều lần cùng một nội dung. Đại diện Sở TNMT và UBND thị trấn Lai Cách đều cho biết: Các nội dung kiến nghị của công ty Hoàng Phúc đã được làm rõ. Đoàn thanh tra của Sở TNMT đã xác minh trả lời từng nội dung. Tại mỗi buổi làm việc, có nội dung công ty đã đồng ý nhưng sau đó lại phản đối. Quan điểm trước sau không đồng nhất làm mất nhiều thời gian của các ngành chức năng. Từ năm 2011 đến nay, trong khi liên tục gửi đơn thư đi các nơi thì toàn bộ diện tích đất được giao công ty vẫn bỏ hoang, không triển khai dự án.
Thờ ơ với quyền lợiMặc dù chưa biết đến các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của DN mình nhưng khi các ngành chức năng tổ chức tập huấn, phổ biến, hướng dẫn thì nhiều DN vẫn không quan tâm.
Ông Vũ Hiệp, Trưởng Phòng Hỗ trợ DN và Xúc tiến đầu tư của Trung tâm Hỗ trợ phát triển DN, Tư vấn và Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Hằng năm, đơn vị phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức pháp luật, quy định mới cho DN. Tuy nhiên, mỗi đợt có chưa đến 50% trong tổng số DN được mời tham gia. Tại các buổi chuyên đề, thảo luận liên quan đến khó khăn, vướng mắc khi thực hiện luật phần lớn đại diện DN không có ý kiến, chỉ ngồi nghe rồi về. Thậm chí, có đại diện DN bỏ về trước”.
Đại diện Phòng Quản lý công nghệ và Sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết mỗi khi có nội dung mới liên quan tới lĩnh vực công nghệ và sở hữu trí tuệ phòng đều phối hợp tổ chức tuyên truyền, thông báo cho DN. Song DN không mấy quan tâm, số lượng DN tham gia rất ít. "Lãnh đạo DN thường không đến mà chỉ cử nhân viên đi nghe. DN chưa thực sự coi trọng các quy định của pháp luật. Chỉ đến khi có vướng mắc, khó khăn thì mới tìm đến cơ quan chức năng đề nghị giải đáp”, vị này cho biết.
Trong bối cảnh hiện nay, mọi thông tin liên quan đến các văn bản pháp lý, quy định mới, hướng dẫn thực hiện… đều được đăng tải trên các trang thông tin của mỗi sở, ngành, địa phương. Các vấn đề liên quan đến DN rất đa dạng, phong phú. Vì vậy, để giảm thời gian cho các ngành chức năng trong việc giải quyết kiến nghị cho DN, trước hết các DN cần chủ động tìm hiểu và nâng cao hiểu biết pháp luật về lĩnh vực, ngành mà DN đang tham gia.
LAN NGUYỄN