Một số chủ doanh nghiệp giữ thẻ bảo hiểm y tế, gây khó khăn cho người lao động...
Công nhân Công ty TNHH M&S VINA đình công có nguyên nhân do công ty giữ thẻ bảo hiểm y tế
Ở tỉnh ta hiện nay đang diễn ra tình trạng một số doanh nghiệp giữ thẻ bảo hiểm y tế của người lao động. Điều này không chỉ vi phạm quy định của Luật Bảo hiểm y tế mà còn gây khó khăn cho người lao động khi đi khám, chữa bệnh.
Công nhân chịu thiệtĐầu tháng 2 vừa qua, gần 200 công nhân của Công ty TNHH M&S VINA ở thôn Tiền, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đình công. Một trong những lý do khiến công nhân rất bức xúc là công ty đã giữ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của họ. Chị Lê Thị N. đã làm việc tại công ty được hơn 1 năm cho biết: “Khi tuyển dụng, công ty hứa hẹn sẽ bảo đảm đầy đủ các chế độ về bảo hiểm cho người lao động. Tuy nhiên đến nay, tôi vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Theo tôi được biết thì công ty đang giữ lại thẻ với mục đích để quản lý công nhân lao động”. Anh Nguyễn Văn T. là công nhân trong công ty cũng bức xúc nói: “Khi chúng tôi ốm đau cần đi khám, điều trị đều phải về văn phòng công ty đề nghị mới được nhận thẻ BHYT. Việc này gây ra nhiều phiền phức cho chúng tôi, đặc biệt là những người ở xa và những người phải đi cấp cứu tại các bệnh viện ngoài tỉnh vào những ngày nghỉ. Những lúc như thế lại phải nhờ người thân đến lấy”. Theo các công nhân kể lại, trong năm 2013, chị Nguyễn Thị L. phải phẫu thuật tại một bệnh viện trên Hà Nội. Khi người nhà chị đến lấy thẻ BHYT công ty yêu cầu khá nhiều thủ tục.
Ngay sau khi công nhân Công ty TNHH M&S VINA đình công, ngày 10-2, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đến làm việc, yêu cầu công ty phải trả thẻ BHYT theo đúng quy định cho người lao động (NLĐ). Ông Lee Sulghoo, Giám đốc sản xuất của công ty hứa sẽ khắc phục vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên đến nay, theo phản ánh của công nhân, họ vẫn chưa nhận được thẻ BHYT.
Công ty TNHH Samil Hà Nội Vina (phường Bình Hàn, TP Hải Dương) chuyên sản xuất các mặt hàng giày da xuất khẩu, hiện có khoảng 2.000 NLĐ. Chị Nguyễn Thị D. làm việc tại công ty được hơn 4 năm cho biết: "Trước đây, công ty vẫn trả thẻ BHYT cho chúng tôi theo đúng quy định. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà 2 năm gần đây, công ty lại không trả thẻ nữa. Mỗi khi chúng tôi ốm đau cần đi khám bệnh đều phải báo cáo tổ trưởng để họ lên văn phòng công ty lấy thẻ về cho. Sau khi khám bệnh xong, công nhân lại phải nộp lại thẻ cho công ty. Dù khá bức xúc và đã nhiều lần phản ánh nhưng công ty vẫn không thay đổi".
Cần tăng cường kiểm traLý giải nguyên nhân một số doanh nghiệp giữ thẻ BHYT của NLĐ, nhiều công nhân cho rằng, việc làm này nhằm hạn chế tình trạng công nhân tự ý xin nghỉ đi khám bệnh bằng BHYT trong các ngày làm việc bình thường. Những công nhân xin nghỉ đi khám bệnh sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Với tâm lý "ngại" đi lấy thẻ, một số công nhân nếu tình trạng sức khỏe vẫn có thể khắc phục được họ sẽ chấp nhận tiếp tục đi làm cho doanh nghiệp.
Thời gian qua, tình trạng nợ đọng bảo hiểm của các doanh nghiệp vẫn diễn ra phổ biến. Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2014, nợ đọng bảo hiểm xã hội của các đơn vị, doanh nghiệp lên đến hơn 111 tỷ đồng. Một số công ty nợ nhiều là: Lilama 69-3, Cửu Long, Tháp UBI... Nếu công ty chậm đóng bảo hiểm với cơ quan chức năng vào thời điểm NLĐ đã hết hạn thẻ BHYT thì cũng sẽ dẫn đến tình trạng không có thẻ BHYT để trả cho NLĐ, mặc dù tiền bảo hiểm hằng tháng vẫn trích từ quỹ lương của họ.
Dù với bất cứ lý do gì thì việc doanh nghiệp không trả thẻ BHYT cho NLĐ là hoàn toàn sai với quy định trong Luật BHYT, cản trở việc thụ hưởng chế độ của công nhân lao động khi tham gia BHYT. Tuy nhiên hiện nay, các cơ quan chức năng cũng chỉ biết việc này khi có khiếu nại của NLĐ hoặc thông qua các cuộc kiểm tra về thực hiện pháp luật lao động.
Do đó, các cơ quan liên quan cần có biện pháp xử lý nghiêm để tránh tình trạng người sử dụng lao động vì tư lợi cá nhân làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Công đoàn cơ sở phải thể hiện rõ vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Khi phát hiện doanh nghiệp có hành vi trên cần can thiệp kịp thời hoặc có thể báo cáo với công đoàn cấp trên tìm hướng giải quyết, kiên quyết không thỏa hiệp với hành vi sai trái của doanh nghiệp. NLĐ cũng cần thông tin đến các cơ quan chức năng chứ không nên để doanh nghiệp giữ thẻ BHYT trong thời gian dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của chính bản thân mình và đồng nghiệp.
ĐỨC THANH