Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản chú trọng tạo dựng lòng tin với khách hàng bằng việc nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho sản phẩm của mình.
Dây chuyền chế biến gạo hiện đại của Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tuyên Du ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ)
Mỗi năm, Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tuyên Du ở xã Quang Phục (Tứ Kỳ) nhập khoảng 4.000 tấn thóc tươi của người dân trong và ngoài tỉnh rồi bán ra thị trường khoảng 2.000 tấn gạo. Các loại gạo chủ yếu là nếp cái hoa vàng, bắc thơm số 7, SHPT 3. Ông Nguyễn Xuân Tuyên, Giám đốc Công ty cho biết đơn vị ký kết hợp đồng với Công ty CP Giống cây trồng Hải Dương để doanh nghiệp này kiểm soát quy trình sản xuất của người dân theo đúng tiêu chuẩn VietGAP, từ khâu chọn giống đến các điều kiện về đất canh tác, nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Công ty TNHH một thành viên Lương thực Tuyên Du còn đầu tư hệ thống dây chuyền hàng chục tỷ đồng để chế biến nông sản. Mọi công đoạn như sấy khô, xay xát, đánh trắng, đánh bóng gạo đều bảo đảm tiêu chuẩn. Vì vậy, gạo của công ty luôn đạt tiêu chuẩn chất lượng, bảo đảm ATVSTP khi tới tay người tiêu dùng.
Công ty TNHH Thương mại Tâm Anh ở TP Hải Dương có chuỗi 5 cửa hàng chuyên bán thịt lợn, gà, bò tươi sống
Công ty TNHH Thương mại Tâm Anh ở TP Hải Dương có chuỗi 5 cửa hàng chuyên bán thịt lợn, gà, bò tươi sống. Mỗi ngày, doanh nghiệp nhập từ 6 tạ đến 1 tấn thịt, trong đó thịt lợn nhập từ Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Chủ doanh nghiệp và nhân viên của Công ty TNHH Thương mại Tâm Anh đều đã được cấp giấy xác nhận kiến thức về ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại diện công ty này cho biết để sản phẩm thịt luôn tươi ngon, bảo đảm ATVSTP, doanh nghiệp luôn chú trọng từ khâu chế biến tại kho đến khi vận chuyển sản phẩm ra các cửa hàng bán lẻ. Chị Ngô Thị Thu, nhân viên bán hàng của công ty tại cửa hàng số 321 Nguyễn Hữu Cầu cho biết thịt chuyển đến cửa hàng được đưa vào tủ mát, nhiệt độ từ 2,4 - 8 độ C. Mỗi ngày, cửa hàng bán hơn 1 tạ thịt lợn, nếu bán không hết thì số thịt đó được thu hồi chứ không bán vào hôm sau. Nhân viên bán hàng luôn phải mặc trang phục của công ty, đeo tạp dề, găng tay, khẩu trang. Các dụng cụ dao, thớt, máy xay thịt… được rửa sạch, phơi khô; lau chùi, khử khuẩn sàn nhà, đồ đạc khác trong cửa hàng 2 lần/ngày.
Cơ sở chế biến nông sản rau an toàn Đoàn Thượng (Gia Lộc) mỗi ngày nhập khoảng 10 tấn rau, củ, quả các loại của người dân để cung ứng cho bếp ăn trong doanh nghiệp, nhà trường, chợ đầu mối… trên địa bàn tỉnh, thị trường miền Trung. Anh Mai Văn Trung, đại diện cơ sở này cho biết cơ sở phải kiểm soát ngay từ ruộng của người dân, yêu cầu bà con thực hiện đúng quy trình sản xuất rau an toàn. Nếu hộ nào không thực hiện đúng cơ sở sẽ không thu mua. Cơ sở có khu nhà lạnh, nhà mát riêng để bảo quản sản phẩm.
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến nay, toàn tỉnh có 1.100 cơ sở, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP trong lĩnh vực nông nghiệp, 8 cơ sở sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ và 5 cơ sở được xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Ông Lê Đình Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết năm 2019 đơn vị đã thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đã được cấp giấy chứng nhận ATVSTP trong tỉnh. Kết quả cho thấy phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh nông sản đều chấp hành tốt các quy định. Tuy nhiên, 30 cơ sở, doanh nghiệp nhỏ bị yêu cầu dừng hoạt động để khắc phục các lỗi theo quy định. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra nhanh, đột xuất các sản phẩm nông sản để phát hiện dấu hiệu không bảo đảm ATVSTP và tăng cường xử lý các cơ sở vi phạm.
THẾ ANH