Doanh nghiệp gặp khó - Người lao động bất an

20/05/2014 04:18

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khiến "nồi cơm" của công nhân lao động đang bị teo tóp dần khiến không ít người lao động bất an...



Những năm gần đây, do sản xuất gặp khó khăn nên đại đa số công nhân ở Công ty CP Lilama 69-3
 rơi vào cảnh công việc phập phù, thu nhập giảm, một số đã bị thanh lý hợp đồng lao động

Hiện nay, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kéo theo người lao động bị cắt giảm thu nhập hoặc mất việc làm. Để hạn chế tối đa hậu quả của tình trạng này cần sự hỗ trợ nhiều mặt của cơ quan chức năng, sự năng động của doanh nghiệp và người lao động.

Lo lắng

Dù đã vào làm việc ở Công ty CP Lilama 69-3 Hải Dương được mấy năm nhưng chị Trần Thị H. vẫn phấp phỏng không yên bởi thời gian gần đây, tình hình sản xuất của công ty không tốt. Có thời gian người lao động phải làm việc cầm chừng, nhận mức lương thấp hơn hẳn so với thời kỳ trước đó. Công việc đã không ổn định nhưng do tình hình tài chính khó khăn, công ty còn thường xuyên chậm lương của công nhân. Năm 2013, do không đáp ứng đủ việc làm cho người lao động, công ty đã giảm biên, thanh lý hợp đồng lao động (HĐLĐ) với khoảng 100 công nhân, lao động (CNLĐ). Chị H. buồn rầu

Tôi là người may mắn vì đã được ở lại làm việc. Nhưng đến thời điểm này công việc cũng phập phù lắm, lúc nhiều, lúc ít, thu nhập cũng bị giảm xuống đáng kể so với trước đây".

cho biết: "Tôi là người may mắn vì đã được ở lại làm việc. Nhưng đến thời điểm này công việc cũng phập phù lắm, lúc nhiều, lúc ít, thu nhập cũng bị giảm xuống đáng kể so với trước đây. Dù công ty chưa có thông báo gì, nhưng nếu tình hình cứ như thế này thì không ai dám chắc là sẽ bảo đảm đủ việc làm cho những CNLĐ còn lại, sẽ tránh được việc phải thanh lý HĐLĐ". Lo âu, phấp phỏng là tâm lý chung của tất cả công nhân ở Công ty CP Lilama 69-3 Hải Dương chứ không riêng gì chị H. Vì thế, khi có điều kiện xin việc làm ổn định ở nơi khác một số CNLĐ ở công ty viết đơn xin nghỉ việc.

Anh Nguyễn Văn T., công nhân Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương (TP Hải Dương) gần như thất nghiệp đã hơn nửa năm nay. Công việc của công ty phập phù kéo theo nhiều lao động hợp đồng như anh T. không biết xoay xở ra sao. Trước đây, anh T. từng xin ra ngoài làm ở mấy chỗ khác nhưng rút cuộc anh chẳng tìm được công việc gì phù hợp, lâu dài, đành phải quay lại gắn bó với công ty. Trong hoàn cảnh hiện nay, vì nhiều lý do khác nhau, nhu cầu tuyển dụng lao động nam của nhiều doanh nghiệp rất hạn chế. Vì vậy, hành trình tìm việc của anh T. càng chồng chất khó khăn. Cả hai vợ chồng anh đều là công nhân, chỉ cần một người thất nghiệp thì "nồi cơm" vốn đã teo tóp sẽ càng teo tóp hơn.

Cần sự hỗ trợ


Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện có không ít doanh nghiệp khu vực kinh tế ngoài nhà nước (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) sản xuất, kinh doanh không ổn định do thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, sản phẩm tồn kho tăng, CNLĐ phải nghỉ việc luân phiên, đời sống gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2013 đã có 880 lượt doanh nghiệp phải thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, 172 doanh nghiệp bị các cơ quan chức năng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điển hình như các Công ty: TNHH Bắc Hải, CP Sản xuất, kinh doanh Phú Thiên Long, TNHH Sản xuất thương mại Tiến Duy, Sản xuất Thương mại & Xuất nhập khẩu Minh Ngọc, Sản xuất vật liệu số 5, TNHH một thành viên Hoàng Dũng... là những đơn vị đã, đang gặp khó khăn trong sản xuất, không bảo đảm công việc cho CNLĐ.

Đời sống của CNLĐ hiện nay còn rất khó khăn. Theo LĐLĐ tỉnh, mức thu nhập bình quân của CNLĐ mới đạt từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Với số tiền này, đại bộ phận người lao động mới chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, không thể tích lũy. Vì vậy khi công ty ít việc, khiến thu nhập giảm hoặc buộc phải thanh lý HĐLĐ, sẽ khiến cuộc sống của họ trở nên rất khó khăn.

Trong sản xuất, kinh doanh, việc một số doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, để việc làm này không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, công việc và thu nhập của CNLĐ, trước hết phía doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh bền vững. Khi gặp khó khăn cần kịp thời tìm biện pháp tháo gỡ tích cực nhất, hạn chế tối đa những ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động. Sự can thiệp của cơ quan chức năng trong hoàn cảnh này cũng rất cần thiết, một mặt tìm cách giúp doanh nghiệp gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, mặt khác cần can thiệp kịp thời giúp CNLĐ chủ động khi tình huống xấu nhất xảy ra như tổ chức tốt công tác giới thiệu việc làm, giải quyết các chế độ chính sách liên quan... Để người lao động bớt thiệt thòi, tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp cần tìm cách thương lượng để chủ sử dụng lao động quan tâm ký kết, bảo đảm đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho CNLĐ, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để trong tình huống xấu xảy ra họ sẽ có thêm sự hỗ trợ về mặt vật chất. Bản thân CNLĐ cũng cần chủ động, có thể liên hệ tìm kiếm các công việc mới phù hợp với bản thân.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp gặp khó - Người lao động bất an