Các doanh nghiệp sản xuất gạch xây không nung đang gặp nhiều khó khăn do loại vật liệu này chưa được ứng dụng rộng rãi.
Do khó tiêu thụ, Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thịnh Đạt chỉ chạy 50% công suất của dây chuyền sản xuất gạch xây không nung
Mặc dù được khuyến khích phát triển với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhưng gạch xây không nung (GXKN) vẫn chưa tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, chưa chinh phục được người tiêu dùng.
Khó tiêu thụ
Công ty CP Xây dựng và Thương mại Long Khánh (Ninh Giang) sản xuất GXKN từ năm 2010 với công suất thiết kế khoảng 4,2 triệu viên gạch quy chuẩn mỗi năm. Những năm trước, sản phẩm của doanh nghiệp chủ yếu bán cho người dân để xây dựng các công trình phụ như chuồng trại chăn nuôi, tường rào, bờ ao… Hiện nay, gạch nung nhiều, giá lại rẻ hơn nên việc tiêu thụ GXKN gặp khó khăn. Ông Đoàn Văn Bao, Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại Long Khánh cho biết: “Sản phẩm của công ty chưa đủ chất lượng để đưa vào các công trình vốn nhà nước, tiêu thụ trong dân lại khó cạnh tranh với gạch nung. Thời gian gần đây, chúng tôi gần như dừng hẳn sản xuất loại gạch này".
Công ty CP Xây dựng và Thương mại Thịnh Đạt (Ninh Giang) sản xuất GXKN từ năm 2019. Giống như các doanh nghiệp sản xuất GXKN khác, khâu tiêu thụ của công ty gặp nhiều khó khăn, lượng hàng tồn tương đối lớn. Dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp có công suất thiết kế 30 triệu viên gạch quy chuẩn mỗi năm nhưng thời gian gần đây công ty chỉ dám chạy 50% công suất, tương đương 15 triệu viên/năm. Ông Hà Văn Điển, Giám đốc công ty cho rằng các sản phẩm GXKN hiện chưa thể cạnh tranh được với gạch nung về giá cũng như khó thay đổi tâm lý sử dụng gạch trong xây dựng của người tiêu dùng. Việc tiêu thụ GXKN phụ thuộc vào các công trình có vốn nhà nước nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế gặp khó, thu ngân sách kém nên các địa phương ít khởi công công trình mới. “Nếu chỉ trông chờ vào các công trình có vốn nhà nước thì không thể tạo đột phá trong tiêu thụ sản phẩm khiến các doanh nghiệp khó càng thêm khó”, ông Điển nói.
Ông Nguyễn Trọng Thế, Phó Trưởng Phòng Quản lý xây dựng và Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng) cho biết trong tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp sản xuất GXKN với công suất thiết kế khoảng 251 triệu viên gạch quy chuẩn mỗi năm. Ngoài ra còn 50 hộ tham gia sản xuất loại gạch này với công suất khoảng 34,5 triệu viên/năm. Sản phẩm của các doanh nghiệp đều đạt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn Việt Nam. Tuy nhiên, do gặp khó trong tiêu thụ và một số nguyên nhân khác nên 3 doanh nghiệp đã dừng sản xuất loại gạch trên. Những doanh nghiệp còn lại đều khó tiêu thụ sản phẩm.
Cần một lực đẩy
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, mặc dù Chính phủ và UBND tỉnh đã có hàng loạt những giải pháp thúc đẩy ngành sản xuất vật liệu xây dựng không nung phát triển nhưng kết quả không thực sự khả quan. Hiện nay, GXKN chưa được ứng dụng rộng rãi do người tiêu dùng và chủ đầu tư các công trình vẫn còn thói quen dùng gạch sét nung. Do đầu tư lớn cộng với chi phí nguyên liệu đầu vào cao nên giá GXKN cũng cao hơn gạch sét nung. Đặc biệt, các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng không nung chưa tiếp cận được với các chính sách ưu đãi trong đầu tư phát triển vật liệu xây dựng không nung. Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư không mặn mà sử dụng GXKN trong các công trình xây dựng, kể cả những công trình có vốn nhà nước. “Bên cạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về sử dụng GXKN, UBND tỉnh cần có những hướng dẫn cụ thể việc áp dụng nghiêm các chế tài, quy định thưởng, phạt nếu các chủ đầu tư không tuân thủ đúng quy định về sử dụng GXKN trong các công trình xây dựng”, ông Thế đề nghị.
Ngoài cơ chế, chính sách chưa có tác dụng khuyến khích GXKN phát triển cũng như thói quen sử dụng gạch sét nung của người tiêu dùng, một nguyên nhân quan trọng khiến GXKN chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất phát từ chính loại sản phẩm này. Trong thi công và sử dụng GXKN tại một số công trình xuất hiện các hiện tượng nứt, thấm tường, chất lượng sản phẩm nhiều cơ sở chưa đạt yêu cầu, mẫu mã chưa đa dạng… đã ảnh hưởng đến lòng tin của khách hàng dẫn đến tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Ông Điển đề nghị cơ quan chuyên môn cần quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất GXKN, bảo đảm các sản phẩm khi đưa ra thị trường phải đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định. Hoạt động sản xuất gạch sét nung cần được siết chặt vì tiêu tốn nguyên liệu, tác động xấu tới môi trường, từ đó hướng người tiêu dùng đến GXKN, sử dụng gạch loại này thay thế một phần gạch sét nung.
VỊ THỦY
Tăng cường tuyên truyền về sử dụng vật liệu xây không nung Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và thông tư của Bộ Xây dựng quy định sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong công trình xây dựng, UBND tỉnh đã tích cực chỉ đạo, phê duyệt phát triển vật liệu xây dựng không nung như Chỉ thị số 11/2014/CT-UBND về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sử dụng gạch sét nung trong các công trình xây dựng; phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. NGUYỄN TUẤN LONG Doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm GXKN là sản phẩm không mới nhưng cũng chưa quen thuộc đối với đa số người tiêu dùng. Để có thể cạnh tranh được với gạch sét nung, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các cơ sở sản xuất GXKN cần đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại thay thế dây chuyền thiếu đồng bộ trước đây. Các doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành máy để kiểm soát tốt các yếu tố tác động đến chất lượng sản phẩm. Xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tổ chức quản lý sản xuất nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trước khi đưa ra thị trường, khắc phục tình trạng co ngót, nứt, thấm trong khối xây, tạo uy tín đối với khách hàng. Quan tâm cải tiến mẫu mã sản phẩm để phát huy thế mạnh của GXKN là có thể sản xuất với kích thước, độ rỗng lớn, giảm tiêu hao nhiên liệu, hạ giá sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh. ĐOÀN VĂN VẼ Lựa chọn gạch xây các hạng mục công trình chưa hợp lý Thời gian qua, nhiều đơn vị tư vấn, thiết kế thiếu kinh nghiệm nên lựa chọn GXKN sử dụng cho các hạng mục công trình chưa hợp lý, các giải pháp chống thấm đi kèm không được thực hiện hoặc làm không đúng kỹ thuật dẫn đến nứt, thấm dột. Thiết kế, lựa chọn sử dụng GXKN ở những nơi không phù hợp, có nhiều tác nhân ăn mòn như rãnh thoát nước thải, hố ga... khiến chất lượng công trình không bảo đảm, làm giảm lòng tin của chủ đầu tư cũng như người dân vào loại sản phẩm này. VŨ SƠN THƯỢNG |