Chính sách visa cởi mở góp phần khởi động lộ trình thông thoáng cho du lịch Việt tăng tốc phục hồi, phát triển.
Lữ hành Việt đang lên kế hoạch cho những hành trình thêm nhiều sắc màu trải nghiệm cho du khách
Từ đây, các đơn vị lữ hành cũng “rộng đất dụng võ” khi thiết kế những sản phẩm dài ngày.
Trước những “nút thắt” được tháo gỡ trong chính sách visa của Việt Nam, đại diện nhiều đơn vị lữ hành cho hay đối tác của họ đánh giá tích cực về đổi mới này và đang háo hức chờ ngày chính thức áp dụng (từ 15.8). Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn triển khai chi tiết từ cơ quan có thẩm quyền, việc xúc tiến, quảng bá với đối tác nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn...
Để chuẩn bị cho lộ trình “đường thông hè thoáng” hơn, đa số doanh nghiệp lữ hành khai thác mảng inbound (đón khách nước ngoài vào Việt Nam) đã và đang gấp rút xây dựng kế hoạch dài hơi với những sản phẩm chủ lực mới.
Vẫn chờ văn bản hướng dẫn trước “giờ G”
Đại diện nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho biết số lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới về thị thực của Việt Nam từ du khách quốc tế tăng 33% trong 2 tuần ngay sau khi Quốc hội thông qua chính sách mới.
Đáng nói, số lượt quan tâm đến chính sách đổi mới cấp thị thực điện tử của Việt Nam vẫn tiếp tục có xu hướng tăng. Du khách đến từ Pháp hiện dẫn đầu mức tăng về số lượt tìm kiếm nơi lưu trú ở Việt Nam (tăng 72% so với 2 tuần trước đó). Du khách từ Hà Lan, New Zealand, Đức, Hoa Kỳ... cũng ghi nhận mức tăng từ 38-45% về lượt quan tâm đến du lịch Việt.
Theo đại diện các doanh nghiệp du lịch, do khách đoàn thường phải chuẩn bị trước từ 6 tháng nên nhóm người quan tâm chính từ giờ tới cuối năm là dòng khách lẻ.
Động Nam Sơn (Tân Lạc, Hòa Bình), nơi "có sông rộng trong lòng hang dài" trên núi cao, là điểm đến độc đáo ở xứ Mường
Người sáng lập (founder) Công ty DiDi Travel, ông Bùi Trí Nhã cho hay thường xuyên nhận được nhiều câu hỏi như: Nên xin visa bây giờ hay đợi sau ngày 15.8, nếu visa xin từ giờ thì tới 15.8 có được áp dụng chính sách mới không? phí xin visa vẫn giữ nguyên hay tăng, chính sách mới này sẽ kéo dài bao lâu?...
Do chưa nhận được văn bản hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền nên ông Nhã không thể giải thích gì với khách hàng ngoài lời khuyên nếu thực sự cần thiết hãy làm ngay, nếu không thì chờ tới ngày 15.8.
“Thực tế là chúng ta vẫn chưa biết cụ thể chính sách mới áp dụng thế nào, hình thức triển khai ra sao, hệ thống xin e-visa có được cải thiện không…” ông Nhã chia sẻ thắc mắc.
Trong khi đó, theo đại diện Lux Group, CEO Phạm Hà, việc xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với điều kiện thuận lợi hơn của chính sách visa sẽ mất khá nhiều thời gian. Bởi các đối tác nước ngoài cần trực tiếp sang Việt Nam khảo sát, bàn thảo với hàng không cũng như các đơn vị “landtour” (cung cấp tour trọn gói) trước khi đưa ra sản phẩm mới. Do đó, ông Hà nhấn mạnh việc “văn bản chính thức có sớm ngày nào tốt ngày đó.”
Tuy nhiên, cho tới chiều 10.8, website của Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh Việt Nam vẫn “im lìm, chưa có động tĩnh” nào mới liên quan đến việc hướng dẫn thay đổi chính sách visa.
Để chặng đường mới không còn “bất khả thi”…
Chính sách visa cởi mở sẽ khởi động một lộ trình thông thoáng cho du lịch Việt tăng tốc phục hồi và phát triển. Từ đây, các đơn vị lữ hành cũng sẽ “rộng đất dụng võ” khi thiết kế được những sản phẩm dài ngày có thêm nhiều trải nghiệm độc đáo hơn cho du khách. Trước đó, do chỉ được phép lưu trú 15 ngày ở Việt Nam nên một hành trình khám phá dọc dài đất nước hình chữ S là điều “bất khả thi” với du khách quốc tế.
Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan cho hay đơn vị này đang thiết kế các sản phẩm du lịch cho khách muốn khám phá văn hóa Việt Nam, sản phẩm du lịch kết hợp chữa bệnh, các tour có lịch trình liên quốc gia giữa Việt Nam với một số nước lân cận trong khu vực. “Chúng tôi kỳ vọng ngay sau khi chính sách mới về visa có hiệu lực, sẽ có nhiều đoàn khách tham gia các tour này,” ông Hoan bày tỏ.
Trong khi đó, đại diện một số đơn vị lữ hành cho biết đã xây dựng hành trình tour khám phá Việt Nam với thời gian dài ngày, linh hoạt từ 14 ngày, 20 ngày tới 30 ngày; thiết kế chương trình kết hợp nhiều sản phẩm, cho du khách có nhiều thời gian tham gia vào đời sống cộng đồng bản địa, hòa mình vào văn hóa đặc trưng mỗi vùng miền… Mỗi hành trình là đa dạng trải nghiệm, giàu cảm xúc và sắc màu, hương vị là những gì các sản phẩm tour mới hướng tới.
Song song với việc xây dựng sản phẩm mới, các doanh nghiệp du lịch nước nhà cũng đang tích cực lên kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, tiếp cận sâu các thị trường trọng điểm, mời đoàn khảo sát của các đối tác tới Việt Nam... Tất cả đã sẵn sàng, chỉ đợi “nút xanh” được ấn vào ngày 15.8 tới.
Dẫu vậy, đại diện các đơn vị du lịch vẫn trăn trở, “visa mở chỉ như lời mời du khách đến nhà,” còn câu chuyện sau đó, họ đến Việt Nam rồi có mạnh tay chi tiêu không, dịch vụ của ta có gì hấp dẫn để họ tự nguyện “móc hầu bao,” sản phẩm mới có đủ sức níu chân khách ở dài ngày… Tất cả phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực độc đáo, không gian văn hóa, giá cả phù hợp… và nhiều giải pháp đồng bộ.
Theo Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á, ông Phạm Hải Quỳnh, các điểm đến cần không ngừng đổi mới sáng tạo để có những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; công tác xúc tiến quảng bá cần được ngành du lịch, các địa phương và doanh nghiệp liên kết để triển khai bài bản, chuyên nghiệp hơn...
Mặt khác, nguồn nhân lực chính là “gốc” của các loại hình dịch vụ. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh trong giai đoạn mới cần phải nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ, làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của dịch vụ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng như các cơ quan quản lý du lịch ở địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động. Việc này không chỉ giúp gia tăng trải nghiệm khách hàng, mà còn nâng cao hiệu suất và tối ưu hóa các hoạt động kinh doanh trong hệ sinh thái du lịch.
Theo Vietnam+