Thời gian tới, các doanh nghiệp này sẽ được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng và không bị tính lãi nộp chậm.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp gặp do dịch Covid-19, trong thời gian tới, các địa phương sẽ thực hiện khảo sát, thống kê các doanh nghiệp đủ điều kiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, hiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cả trong và ngoài nước, làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị giảm nguồn cung nguyên liệu đầu vào, giảm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giảm lao động tạm thời do phải cách ly phòng dịch...
Vì vậy, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 (nếu đủ điều kiện) thì thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng theo quy định.
Doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ được tạm dừng đóng BHXH. Ảnh minh hoạ: KT
Ông Trần Hải Nam, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết trong thời gian tạm dừng đóng BHXH, các cơ quan chức năng sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra theo kế hoạch việc chấp hành pháp luật về đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu không có dấu hiệu vi phạm.
“Việc này thì thực hiện theo Chỉ thị 11, trong đó Chính phủ đã giao cho BHXH sẽ hướng dẫn theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật. Trong Luật BHXH 2014 cũng đã có các quy định: đối với các doanh nghiệp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, nếu bị thiệt hại về kinh tế, tài sản từ 50% trở lên hoặc phải cắt giảm 50% lao động trở lên, thuộc đối tượng để xem xét, hoãn phần đóng BHXH tối đa không quá 12 tháng.
Trong chỉ đạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đề nghị các địa phương tăng cường thông tin hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chính sách này. Bên cạnh đó cũng cắt giảm các thủ tục xét duyệt để làm sao các doanh nghiệp họ nhận được chính sách một cách nhanh chóng nhất. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc gì thì phản hồi về bộ để bộ có hướng dẫn và có ý kiến chỉ đạo tiếp theo” - ông Trần Hải Nam nói.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết hiện nay, những ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất là du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, may mặc, da giầy… Từ đề xuất của BHXH Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 sẽ phần nào giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.
“Chúng tôi đã bắt đầu triển khai, thu thập, tập trung vào các doanh nghiệp đang có mối quan hệ, thực hiện các dịch vụ với trung tâm để có thể nắm bắt được tình hình ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp cụ thể như thế nào, như các vấn đề lao động, việc làm, tiền lương và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của đơn vị. Chúng tôi cũng muốn qua nội dung thu thập có thể có sơ bộ kết quả để báo cáo, đánh giá gửi về Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội và Cục Việc làm", ông Thành nói.
Theo VOV