Để bảo đảm an toàn cho người lao động và thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đông công nhân đã chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19.
Công ty TNHH May Tinh Lợi thực hiện phòng chống dịch Covid-19 ở bếp ăn tập thể
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những doanh nghiệp (DN) đông công nhân, DN có nguy cơ phát sinh dịch bệnh và lây lan cao đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, quyết tâm không để đại dịch làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Kích hoạt lại tổ "An toàn Covid"
Không phải đợi đến khi đợt dịch thứ tư bùng phát, Công ty TNHH May Tinh Lợi mới kiện toàn, kích hoạt lại tổ "An toàn Covid" mà hoạt động của tổ được duy trì từ khi thành lập đến nay. Là DN có số lượng công nhân lớn nhất tỉnh với khoảng gần 19.000 người, lại trải qua một thời gian phải ngừng sản xuất trong đợt dịch thứ ba nên lãnh đạo công ty rất quyết liệt trong phòng dịch. Ngay sau khi sản xuất lại vào đầu tháng 3, công ty đã thực hiện giãn cách cho công nhân làm việc bằng cách bố trí 17 máy/chuyền thay vì 25 máy/chuyền như trước kia. Tất cả lãnh đạo quản lý từ chuyền, xưởng đến phòng ban đều phải tham gia tổ "An toàn Covid". Bên cạnh việc sát sao thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đo thân nhiệt, khử khuẩn... công ty còn tăng cường tuyên truyền về dịch cho công nhân thông qua hệ thống truyền thanh nội bộ để mọi người kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phòng tránh ngay tại nơi làm việc. Theo ông Phạm Đình Họa, Chủ tịch Công đoàn công ty, việc phòng chống dịch tại DN đi vào nền nếp, người lao động ý thức được nếu để dịch bùng phát sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân nên chấp hành nghiêm. Dù vậy, công ty cũng không chủ quan, sao nhãng vì chỉ cần lơ là chốc lát sẽ gây thiệt hại lâu dài.
Đóng trên địa bàn TP Hải Dương nơi đang có ca mắc Covid-19, Công ty TNHH SHINTS BVT nâng mức độ phòng chống dịch lên cao nhất. Ngoài giao trách nhiệm cho tổ "An toàn Covid", DN còn yêu cầu người đứng đầu các xưởng phải đôn đốc công nhân tuân thủ quy định phòng chống dịch, nếu không sẽ xử lý nghiêm. Khu vực ăn trưa được bố trí vách ngăn, bảo đảm khoảng cách an toàn. Hằng ngày, sau khi công nhân tan làm, DN đều tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ nhà xưởng. Những vật tiếp xúc chung và những nơi nhiều người qua lại như tay nắm cửa, nhà vệ sinh... được vệ sinh khử khuẩn 30 phút/lần. Bà Nguyễn Thị Xuân, Trưởng Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH SHINT BVT cho biết: "DN xác định thực hiện song song 2 nhiệm vụ là chống dịch và sản xuất. Kiên quyết không để sản xuất ngưng trệ vì dịch bệnh. Chúng tôi yêu cầu 3.000 công nhân ký cam kết thực hiện tốt phòng chống dịch cả ở công ty và nơi cư trú. Hằng ngày tới nhà xưởng làm việc phải quét mã QR khai báo y tế điện tử. Nếu công nhân vi phạm thì người quản lý trực tiếp cũng bị liên đới trách nhiệm".
Nhà máy Bắc Dương kiểm soát chặt chẽ công nhân tới làm việc
Đề phòng khi có F1, F2
Hơn 1.300 công nhân của Công ty TNHH GFT Việt Nam (Thanh Miện) phải tạm nghỉ việc do liên quan đến ổ dịch Covid-19 ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Việc thiếu hụt lao động do dịch không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN mà còn tạo tâm lý lo lắng, bất an cho người lao động. Để khắc phục vấn đề về nhân lực, DN tính toán việc tăng ca hợp lý, làm việc với đối tác để cố gắng kéo giãn tối đa thời gian thực hiện hợp đồng. Công ty cũng đặc biệt chú trọng phòng chống dịch bằng nhiều biện pháp khác nhau, không để công nhân chủ quan cũng không lo sợ, mất bình tĩnh. DN yêu cầu toàn bộ công nhân có điện thoại thông minh kết nối internet cài đặt Bluezone, khai báo y tế theo ngày. Công ty cũng thường xuyên rà soát những trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở để xử lý kịp thời. Bố trí điểm cách ly tạm thời nhằm ứng phó nhanh khi có thông tin về F1, F2 đang làm việc tại DN.
Nhà máy Bắc Dương thuộc Công ty CP Dây - Cáp điện Thượng Đình (CADI-SUN) ở huyện Cẩm Giàng chỉ có gần 400 công nhân nhưng lại đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, chủ yếu là 2 tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên nơi tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Công ty đã chủ động xây dựng phương án sản xuất khi công nhân tỉnh ngoài không thể tới làm việc. Tổ "An toàn Covid" với 18 thành viên của DN giữ liên lạc thường xuyên với công nhân tỉnh ngoài, nắm bắt thông tin nhanh về các trường hợp F1, F2 để công ty có sự điều chỉnh sản xuất phù hợp. Ông Nguyễn Bá Lưỡng, Trưởng Phòng Hành chính-Nhân sự Nhà máy Bắc Dương cho biết: "Với quan điểm an toàn cho công nhân là an tâm cho DN nên chúng tôi tích cực phòng chống dịch, lên kịch bản ứng phó với mọi tình huống, nhất là trong trường hợp xảy ra thiếu hụt lao động do dịch. Trong đợt dịch trước, công ty có nhiều trường hợp F1, F2 nên lần này chúng tôi luôn theo sát tình hình để rà soát từ sớm".
Bên cạnh sự chủ động của các DN thì một số nơi, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện tối đa để DN hạn chế phát sinh các trường hợp công nhân là F1, F2, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Ông Nhữ Văn Cúc, Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện cho hay địa phương đã bố trí nơi ở cho công nhân của Hưng Yên sang làm việc, đồng thời yêu cầu các DN có công nhân là F1, F2 phải giám sát chặt chẽ những công nhân liên quan.
NGUYỄN QUYẾT