Sử dụng năng lượng tiết kiệm không chỉ mang lại giá trị kinh tế lớn cho mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình mà còn mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
Từ năm 2011, nhờ áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, mỗi năm Công ty CP May II Hải Dương
tiết kiệm được 20 - 25% chi phí sử dụng năng lượng
Xuất phát từ lợi ích trên, năm 2008, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2013”. Sau hơn 3 năm triển khai, đề án đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn về sử dụng năng lượng tiết kiệm. Đề án đã hỗ trợ 13 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thông qua đó đã tiết kiệm được 15 - 20% chi phí sử dụng năng lượng cho các đơn vị. Đồng thời, khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ một phần kinh phí để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và thiết bị có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, đẩy mạnh sử dụng các thiết bị sử dụng nguồn năng lượng mới như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học.
Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp được giới thiệu tham gia áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng phù hợp thực tế, ngành nghề sản xuất, nhưng đều không áp dụng được hoặc không muốn tham gia.
Ông Nguyễn Văn Vóc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Phó Trưởng ban chỉ đạo đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2009 - 2013” cho biết: Theo mục tiêu, mỗi năm đề án hỗ trợ 6 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Song năm nào, ban chủ nhiệm đề án cũng “mỏi mắt” tìm kiếm doanh nghiệp tham gia. Lý do khiến các doanh nghiệp chưa quan tâm việc tiết kiệm năng lượng là ý thức của doanh nghiệp chưa cao, ngại đầu tư đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó là chi phí đầu tư lớn trong khi kinh phí hỗ trợ cho doanh nghiệp còn thấp khiến các doanh nghiệp không mặn mà. Năm 2011, Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương được mời tham gia thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên sau khi thực hiện kiểm toán năng lượng, doanh nghiệp tự rút khỏi danh sách hỗ trợ của đề án với lý do chi phí đầu tư lớn, doanh nghiệp không có điều kiện. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công sau khi thực hiện kiểm toán cũng từ chối áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng... Tương tự, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, giày da... khi mời tham gia cũng đều từ chối vì không có kinh phí đầu tư. Năm 2012, đề án cũng đặt mục tiêu hỗ trợ kiểm toán 10 doanh nghiệp, 6 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, song đến nay mới chỉ tìm được 7 doanh nghiệp hỗ trợ kiểm toán.
Mỗi năm, Công ty CP Thép Hòa Phát (thuộc tập đoàn Hòa Phát, ở xã Hiệp Sơn, Kinh Môn) tiêu thụ
120 - 130 kWh điện, nhưng chưa thực hiện kiểm toán năng lượng định kỳ. Ảnh: Thành Chung
Nguồn năng lượng sử dụng chính của Công ty CP Thép Hòa Phát, một trong những đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn tỉnh là điện. Trung bình mỗi năm công ty tiêu thụ 120 - 130 triệu kWh. Phần lớn công nghệ của công ty đều đã cũ nên tỷ lệ tiêu thụ điện năng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng các giải phát tiết kiệm năng lượng chưa phải là ưu tiên số 1 của doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hằng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm phù hợp với kế hoạch sản xuất, thực hiện kiểm toán định kỳ theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả tại doanh nghiệp hiện nay chưa được áp dụng. Lãnh đạo Công ty CP Luyện kim Tân Nguyên cũng cho biết: Trung bình mỗi năm công ty tiêu thụ 115 - 120 triệu kWh điện. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên công ty chưa thể nghĩ tới việc đầu tư cho tiết kiệm năng lượng.
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hơn 40 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (theo quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả), đứng đầu là Công ty Xi-măng Vicem Hoàng Thạch (tiêu thụ hơn 300 triệu kWh một năm), Công ty Xi-măng Phúc Sơn (gần 300 triệu kWh), Công ty CP Thép Hòa Phát... Theo quy định, các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm phải thực hiện chế độ kiểm toán năng lượng định kỳ, có cán bộ quản lý năng lượng tại cơ sở, xây dựng kế hoạch hằng năm và 5 năm về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện báo cáo định kỳ 1 năm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả về Sở Công thương... Song thực tế có tới trên 40% số doanh nghiệp kể trên không có cán bộ quản lý năng lượng, 100% số doanh nghiệp không thực hiện kiểm toán năng lượng và không thực hiện báo cáo định kỳ. Khi ngành chức năng tổ chức hội thảo, tập huấn về triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp tham gia chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều đó cho thấy rõ sự thiếu quan tâm, thờ ơ của doanh nghiệp với vấn đề tiết kiệm năng lượng. Theo ông Lê Công Thuần, Trưởng phòng Quản lý điện Sở Công thương, nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với tiết kiệm năng lượng do ngại thay đổi thiết bị lạc hậu là do thiếu vốn. Ở một số doanh nghiệp, tỷ trọng giá điện trong cơ cấu giá thành của sản phẩm còn thấp, doanh nghiệp chưa quan tâm tới vấn đề tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó là chế tài xử lý chưa đủ mạnh nên nhiều doanh nghiệp né tránh áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trở thành thói quen hằng ngày của mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thời gian tới, Sở Công thương tiếp tục phối hợp với Ban Chỉ đạo thực hiện đề án “Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả" của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp thấy rõ lợi ích của việc này. Khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp tiết kiệm năng lượng, thực hiện kiểm toán năng lượng, nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm để giúp đỡ, nhắc nhở và xử lý vi phạm.
HÀ VY