Doanh nghiệp cơ khí nhỏ vững vàng trong cạnh tranh

02/01/2016 06:20

Bằng chất lượng, giá cả hợp lý, sản phẩm của nhiều doanh nghiệp cơ khí nhỏ trong tỉnh đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm ngoại nhập cùng chủng loại...


Những năm qua, bằng sự nỗ lực, sáng tạo không ngừng, nhiều doanh nghiệp cơ khí nhỏ trong tỉnh sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành phù hợp đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều sản phẩm ngoại nhập.

Nỗ lực lớn


Với đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề, hệ thống máy móc đồng bộ, Công ty TNHH một thành viên Khuôn mẫu Nhật Minh vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp chế tạo khuôn mẫu hàng đầu miền Bắc

Những ngày này, không khí làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH một thành viên Khuôn mẫu Nhật Minh ở xã Vĩnh Tuy (Bình Giang) luôn diễn ra hối hả để có đủ hàng giao cho đối tác theo đúng hợp đồng. Vừa trực tiếp kiểm tra chi tiết từng sản phẩm, anh Nguyễn Văn Cảng, Giám đốc công ty vừa giới thiệu với chúng tôi về những đặc thù của ngành chế tạo khuôn mẫu. Theo lời anh Cảng, ngành cơ khí chế tạo khuôn mẫu đòi hỏi phải có vốn lớn để đầu tư máy móc và công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất là phải có những người thợ tay nghề cao và say mê với công việc. Chỉ cần một sai sót nhỏ trong quy trình sản xuất thì toàn bộ sản phẩm sẽ bị vứt bỏ. Với đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề, hệ thống máy móc được đầu tư đồng bộ, hiện đại, công ty đã sản xuất ra khuôn mẫu xe máy, xe đạp, vật tư ngành điện, nước, đồ nội thất... được khách hàng nội địa và một số nước ưa chuộng. Từ một xưởng chế tạo nhỏ, sau 10 năm hoạt động, công ty đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp chế tạo khuôn mẫu hàng đầu ở miền Bắc, doanh thu mỗi năm khoảng 30 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 60 lao động.

Ở TP Hải Dương, Công ty TNHH Hà Thành lại khẳng định được uy tín của một doanh nghiệp cung cấp máy bơm, máy đóng mở, nâng hạ cánh cống phục vụ các công trình thủy lợi. Hiện tại, mặt hàng chủ lực của công ty là máy bơm với công suất từ 200 - 4.000 m3/giờ, phụ tùng cho máy bơm 8.000 m3/giờ và đã có mặt ở hầu hết các tỉnh trong cả nước. Ông Hoàng Trung Thành, Giám đốc công ty cho biết: "Với phương châm cạnh tranh - chất lượng - tiến độ - giá cả, cùng chế độ bảo hành, bảo dưỡng hoàn chỉnh, sản phẩm của công ty đã đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Từ năm 2011 đến nay, sản lượng tiêu thụ và doanh thu của công ty năm sau luôn cao hơn năm trước từ 10 - 15%. Hết năm 2015, doanh thu của công ty đạt khoảng 80 tỷ đồng, tăng 10 tỷ đồng so với năm 2014. Đơn vị đang tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với thu nhập bình quân từ 7 - 8 triệu đồng/người/tháng".

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cơ khí nhỏ trên địa bàn tỉnh đã đứng vững và cạnh tranh mạnh mẽ với những sản phẩm ngoại nhập nhờ sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Điển hình như Công ty TNHH một thành viên Thanh Thiêm (Tứ Kỳ) với các sản phẩm khuôn mẫu chính xác cung cấp cho nhiều doanh nghiệp Nhật Bản trong và ngoài tỉnh; Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát (Bình Giang) với các sản phẩm máy nông nghiệp, đặc biệt là máy đầm dùi chuyên dùng trong lĩnh vực xây dựng; Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Sản xuất xe đạp Trường Thọ (Gia Lộc) với sản phẩm khung xe đạp bằng sắt, inox các loại, đây là 2 mặt hàng được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Vẫn cần quan tâm hỗ trợ


Mặc dù còn gặp khó khăn nhưng sản phẩm của nhiều doanh nghiệp cơ khí nhỏ trên địa bàn tỉnh đã đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Trong ảnh: Sản xuất máy bơm tại Công ty TNHH Hà Thành (TP Hải Dương)

Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn doanh nghiệp cơ khí, trong đó chủ yếu là các cơ sở công nghiệp nông thôn và doanh nghiệp siêu nhỏ. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã đưa ra thị trường một số sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm thị phần khá lớn, nhưng vẫn gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, sự hỗ trợ của chính quyền là rất cần thiết để doanh nghiệp vững vàng hơn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Theo ông Nguyễn Văn Cảng, bên cạnh nhu cầu về vốn khá lớn, công ty còn rất khó khăn trong tuyển dụng lao động có tay nghề. Cơ khí chính xác với hệ thống máy móc hiện đại đòi hỏi người thợ phải được đào tạo bài bản, có tay nghề vững vàng. Tuy nhiên, trình độ của sinh viên đã qua đào tạo nghề hiện nay hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu. Doanh nghiệp phải mất thời gian khá dài để đào tạo lại nên ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch sản xuất. Vì vậy, tỉnh cần có chiến lược bài bản để đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp. Ông Hoàng Trung Thành cho rằng các doanh nghiệp cơ khí nhỏ, việc cạnh tranh rất khó khăn do một số đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện hình thức chỉ định thầu. Với hình thức này, sản phẩm của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu rất dễ được đơn vị tư vấn thiết kế đưa vào hồ sơ dự án. Mặc dù chất lượng sản phẩm của công ty vượt trội, chế độ bảo hành, bảo dưỡng ưu việt, nhưng do chưa có thương hiệu nên khó đưa vào hồ sơ dự án. Điều này gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp nhỏ. "Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ đưa sản phẩm có chất lượng, giá cả phù hợp cạnh tranh với sản phẩm của các doanh nghiệp lớn hoặc doanh nghiệp nước ngoài", ông Thành nhấn mạnh.

Nhiều chủ doanh nghiệp cơ khí cũng khẳng định, chỉ cần được hỗ trợ tối đa về thuê đất, nguồn vốn vay ngân hàng cũng như cung cấp nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao thì sản phẩm của họ sẽ đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm dành nguồn kinh phí khuyến công giúp các doanh nghiệp cơ khí đào tạo nghề cho người lao động và tiếp nhận công nghệ hiện đại. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm cơ hội quảng bá sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh để loại hình doanh nghiệp này ngày càng phát triển ổn định.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp cơ khí nhỏ vững vàng trong cạnh tranh