Doanh nghiệp chưa quan tâm phòng vệ thương mại

05/11/2016 07:48

Phòng vệ thương mại là công cụ giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa ở trong nước.



Các doanh nghiệp may thường phải đối mặt với nhiều rào cản thương mại khi xuất khẩu
 nên cần sớm tìm hiểu về phòng vệ thương mại

Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì đây là lá chắn giúp bảo vệ hàng hóa trước các rào cản thương mại ở nước ngoài. Công cụ bảo vệ hữu ích như vậy nhưng nhiều doanh nghiệp Hải Dương lại ít quan tâm.

Còn lơ mơ

Trong thương mại quốc tế, phòng vệ thương mại (PVTM) bao gồm 3 biện pháp: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Những biện pháp này đã được nhiều doanh nghiệp, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp trên thế giới áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Ở Hải Dương, số doanh nghiệp tìm hiểu và biết sử dụng các biện pháp PVTM không nhiều. Thời gian qua, đa phần các doanh nghiệp gửi câu hỏi về Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ yếu thắc mắc về các chính sách liên quan đến thuế, vốn vay, đất đai... Số doanh nghiệp quan tâm đến các biện pháp PVTM không nhiều.

Theo ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, kiến thức, kỹ năng liên quan đến PVTM rất cần thiết đối với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng như hiện nay nhưng rất ít doanh nghiệp Hải Dương để ý. Nếu doanh nghiệp chậm trễ, thờ ơ với các biện pháp PVTM thì rất khó bảo vệ chính mình khi hội nhập.

Tại một hội thảo về hội nhập kinh tế quốc tế được Sở Công thương tổ chức mới đây, đại diện Phòng

Theo thống kê của Bộ Công thương, Việt Nam mới chỉ có 6 vụ chống bán phá giá và tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước. Ngược lại, tại thị trường xuất khẩu, Việt Nam có tới 96 vụ điều tra phòng vệ thương mại. Điều đó cho thấy năng lực phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp trong nước yếu hơn so với các doanh nghiệp nước ngoài.

Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đặt câu hỏi cho các doanh nghiệp Hải Dương như sau: "Anh, chị sẽ làm gì khi hàng hóa của mình bị cạnh tranh bởi hàng Thái Lan giá rẻ chỉ bằng một nửa mà chất lượng ngang ngửa?". Trước câu hỏi này, nhiều doanh nghiệp tỏ ra khá lúng túng. "Họ đã chỉ ra được nguyên nhân do các doanh nghiệp Thái Lan nhận được sự trợ giá của Chính phủ nên hàng hóa mới rẻ như vậy nhưng không biết cách nào để chiến đấu khi hàng hóa của họ cạnh tranh không lành mạnh. Họ không biết rằng các biện pháp PVTM cụ thể sử dụng biện pháp tự vệ để kiện lại họ", bà Phạm Thị Thu Nga, đại diện VCCI chi nhánh Hải Phòng nói.

Bà Nga cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn coi PVTM là việc của Nhà nước nên chưa dành thời gian để quan tâm tìm hiểu. Các doanh nghiệp chỉ chú tâm tìm các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường mà quên mất các biện pháp PVTM. Nguyên nhân có thể do để tìm hiểu về các biện pháp PVTM mất nhiều thời gian và chi phí nên doanh nghiệp ngần ngại. Các doanh nghiệp Hải Dương cũng chưa quen thực hiện các vụ kiện liên quan đến PVTM nên ngại sử dụng.

Đại diện Công ty TNHH May Hà Anh (Gia Lộc) cho biết đã từng bị mất thị trường xuất khẩu truyền thống tại Cộng hòa Liên bang Đức chỉ vì không tìm hiểu kỹ về các rào cản thương mại mới được áp dụng tại đây. Doanh nghiệp nước họ kiện Công ty Hà Anh bán phá giá, yêu cầu chấm dứt hợp đồng cung cấp sản phẩm. Vì vậy, hàng trăm lô vải nguyên liệu và hàng nghìn sản phẩm bị tồn kho đến nay.

Hải Dương hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu Hải Dương đã phải đối phó với những rào cản thương mại từ nước ngoài, thậm chí chịu không ít thiệt thòi để đưa hàng hóa của mình thâm nhập thị trường nước bạn. Ngay ở trong nước, nhiều doanh nghiệp cũng đang lo lắng mất thị phần do hàng hóa của nhiều nước, nhất là của các nước đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam sẽ tràn vào nước ta khi thuế suất giảm xuống 0%. PVTM là công cụ cần thiết hỗ trợ các doanh nghiệp bảo vệ chính mình các doanh nghiệp Hải Dương cần biết để vận dụng.

Sớm nghiên cứu sử dụng

Thời gian tới, nhiều mặt hàng của Hải Dương sẽ phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến PVTM như sắt, thép, xi măng, phân bón… Vì vậy, các doanh nghiệp Hải Dương cần sớm quan tâm nghiên cứu để sử dụng PVTM bảo vệ mình.



Năng lực phòng vệ thương mại của các doanh nghiệp trong tỉnh yếu hơn so với các doanh nghiệp
 nước ngoài nên dễ bị thiệt hại khi hội nhập


Công ty CP Thép Hòa Phát đã từng mạnh dạn sử dụng biện pháp tự vệ, một trong những nội dung trong PVTM để bảo vệ sản xuất thép trong nước. Trước nguy cơ mất thị phần khi thép Trung Quốc giá rẻ ồ ạt nhập khẩu về Việt Nam, Công ty CP Thép Hòa Phát đã mạnh dạn bắt tay với 3 doanh nghiệp thép khác trong nước sử dụng biện pháp tự vệ, đề nghị Bộ Công thương kiểm tra đánh giá thị trường thép trong nước và thực hiện các biện pháp bảo vệ thép sản xuất trong nước. Kết quả, ngay sau đó Bộ Công thương đã phải áp thuế tự vệ để bảo vệ thép nội. Ông Mai Văn Hà, đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát khẳng định: “PVTM là công cụ chính đáng, hợp pháp đã được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) quy định để các quốc gia thành viên bảo vệ nền sản xuất trong nước tại sao chúng ta không dùng”.

“Không để mất bò mới lo làm chuồng” cũng chính là khuyến cáo của ông Mai Văn Hội, Phó Giám đốc Sở Công thương cho các doanh nghiệp còn đang lơ mơ về các biện pháp PVTM. "Thời gian tới, Sở Công thương sẽ phối hợp với VCCI tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn, hội thảo liên quan đến vấn đề này", ông Hội khẳng định.

 PVTM là lá chắn hữu ích đối với mỗi doanh nghiệp. Để sử dụng công cụ này hiệu quả đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến lĩnh vực này. PVTM cũng cần đến sức mạnh tập thể. Do đó, các tổ chức hội của các doanh nghiệp Hải Dương cũng cần tăng cường vai trò kết nối các doanh nghiệp để cùng đấu tranh bảo vệ quyền lợi. Nhà nước cũng cần có cơ chế giúp doanh nghiệp sử dụng biện pháp PVTM thông qua việc hỗ trợ về thông tin, chính sách, pháp luật khi cần thiết.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chưa quan tâm phòng vệ thương mại