Doanh nghiệp chưa muốn đi?

29/06/2014 03:40

Tiến độ di chuyển các cơ sở công nghiệp ra khỏi trung tâm TP Hải Dương rất chậm chạp do gặp nhiều khó khăn về xác định giá trị tài sản, cơ chế hỗ trợ...



Nhà máy Gạch Viglacera Hải Dương (Công ty CP Viglacera Hà Nội) là một cơ sở
phải di dời ra khỏi khu vực nội thành


Nhiều cơ sở phải di chuyển trước năm 2016

Theo kế hoạch của TP Hải Dương, trước năm 2016, các doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành việc di dời gồm: Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, Công ty Chế tạo bơm Ebara, Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương, Công ty CP Chế biến lương thực tổng hợp Hải Dương. Hiện nay, Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương đang sử dụng 25.535 m2 đất sản xuất, kinh doanh, với tài sản trên đất tạm tính gần 9,9 tỷ đồng, liên quan đến 340 người lao động và hơn 20 nghìn m2 đất ở. Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương có 1.650 m2 đất thuê của Nhà nước để sản xuất, kinh doanh, giá trị trên đất tạm tính là 3,8 tỷ đồng. Công ty CP Chế biến lương thực tổng hợp Hải Dương đang sử dụng 8.640 m2, có trụ sở doanh nghiệp, một số ki-ốt cho thuê và khu tập thể gồm 9 hộ sinh sống trên 270 m2 (trước kia là nhà trẻ). Hiện nay, doanh nghiệp này chưa cung cấp tờ khai, hồ sơ, tài liệu hiện trạng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nên chưa thể tạm tính giá trị. Công ty Chế tạo bơm Ebara hiện đang sản xuất, kinh doanh trên 7.990 m2 đất, với 150 lao động, cũng chưa thể tạm tính giá trị do doanh nghiệp chưa cung cấp tờ khai, hồ sơ, tài liệu hiện trạng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Theo kế hoạch, các Công ty CP Sứ Hải Dương, Đá mài Hải Dương, Viglacera Hà Nội - chi nhánh Hải Dương, Viglacera Từ Sơn - nhà máy gạch tuy-nen (phường Cẩm Thượng), Công ty Xăng dầu B12 - kho xăng dầu phía tây TP Hải Dương... phải di dời trong giai đoạn 2016-2020.

Mới “khởi động”

Việc di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi trung tâm TP Hải Dương nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do nhiều cơ sở gây ra, đồng thời tạo quỹ đất cho thành phố xây dựng các công trình phúc lợi công cộng để bảo đảm tiêu chí đô thị hiện đại. Ngày 31-5-2012, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi trung tâm TP Hải Dương. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở, xác định biện pháp, kinh phí để thực hiện... Ban Chỉ đạo của tỉnh đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện, yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch di chuyển cơ sở sản xuất. UBND TP Hải Dương đã thành lập 2 tổ công tác gồm 18 thành viên, chủ động làm việc với các doanh nghiệp phải di dời trong giai đoạn 1 (trước năm 2016) để hướng dẫn, kiểm tra, kê khai tài sản, xác định lộ trình, biện pháp thực hiện di dời. Các tổ công tác đã rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp để tham mưu với tỉnh các phương án di dời.

Tuy nhiên, việc di dời trên thực tế vẫn rất chậm. Đến nay, cả 4 doanh nghiệp cần di dời trong giai đoạn 1 vẫn chưa thể thực hiện chuyển nhà máy. Đến nay, duy nhất có Công ty Xăng dầu B12 đã di chuyển kho xăng dầu phía tây TP Hải Dương (do Xí nghiệp Kho vận xăng dầu K132 quản lý) từ khu đô thị mới phía tây thành phố về xã Đức Chính (Cẩm Giàng). Đây là doanh nghiệp di dời trong giai đoạn 2 theo lộ trình, nhưng đã thực hiện xong từ đầu năm 2013.

Nhiều khó khăn

Từ năm 2008, TP Hải Dương đã đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành việc di dời 4 cơ sở công nghiệp ra khỏi trung tâm thành phố trước năm 2010, gồm các Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, Chế tạo bơm Ebara, CP Vinafood 1 Hải Dương và CP Chế biến lương thực tổng hợp Hải Dương. Tuy nhiên, khi đó, các doanh nghiệp này vẫn chưa di dời được do sự phối hợp của các ngành liên quan còn hạn chế, một số doanh nghiệp chưa đồng thuận...


Đến nay, chỉ duy nhất có Công ty Xăng dầu B12 đã di chuyển kho xăng dầu từ khu đô thị mới phía tây
TP Hải Dương về xã Đức Chính (Cẩm Giàng)


Như vậy, đến nay, lộ trình di dời 4 doanh nghiệp trên đã được “gia hạn” thêm là đến trước năm 2016. Mặc dù vậy, việc thực hiện kế hoạch di dời vẫn còn rất chậm do vướng nhiều khó khăn. Ông Trương Mạnh Long, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch TP Hải Dương cho biết: Do doanh nghiệp chưa cung cấp tờ khai, hồ sơ, tài liệu hiện trạng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nên cơ quan chức năng cũng chưa thể tạm tính giá trị tài sản trên đất, xác định phương án bồi thường, hỗ trợ di dời. Đến nay, kế hoạch bố trí vốn cho các doanh nghiệp thực hiện di dời chưa rõ nguồn. Bên cạnh đó, việc bố trí địa điểm mới cho doanh nghiệp cũng chưa cụ thể. Chính những điều này đã khiến cho việc di dời doanh nghiệp ra khỏi nội thành bị chậm, nảy sinh nhiều vướng mắc. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số doanh nghiệp cũng đã có chủ trương di dời cơ sở sản xuất nhưng chưa biết chuyển địa điểm mới về đâu. Thậm chí có doanh nghiệp đã có đề nghị trì hoãn di dời khỏi trung tâm thành phố.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Giám đốc Công ty CP Vinafood 1 Hải Dương cho biết, doanh nghiệp ủng hộ chủ trương di dời của tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, do công ty đã đầu tư thêm nhà tạm (có được cấp phép tạm thời) kinh doanh trong 5 năm nên công ty đề nghị được thực hiện giải phóng mặt bằng sau cùng. Lãnh đạo Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương đề nghị tỉnh, thành phố cần sớm bố trí nguồn vốn để bồi thường và hỗ trợ doanh nghiệp khi di dời. Nếu vay ngân hàng thì cũng cần được tỉnh cho cơ chế hỗ trợ lãi suất, không nên để doanh nghiệp vay vốn thương mại. Việc định giá tài sản, chính sách bồi thường phải được thực hiện công khai, minh bạch.

THÀNH LONG - MINH ANH


Doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm lộ trình di dời


Từ nhiều năm nay, những hộ dân sống gần Nhà máy Gạch Viglacera Hải Dương (thuộc Công ty CP Viglacera Hà Nội) rất bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra. Mùa này khói bụi còn giảm một chút chứ vào mùa đông thì khói bụi nhiều hơn. Có đợt đúng hướng gió, khói bay mù mịt ở đường Nguyễn Thị Duệ. Người dân không chỉ bị ảnh hưởng bởi khói bụi mà còn chịu ảnh hưởng bởi tiếng ồn, nước thải. Người dân đã nhiều lần kiến nghị với cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng chuyển biến chưa nhiều. Được biết, nhà máy này thuộc diện phải di dời ra khỏi khu dân cư. Chúng tôi đề nghị doanh nghiệp phải có lộ trình di dời rõ ràng và thực hiện nghiêm theo lộ trình ấy, không thể để chậm trễ hơn.

ĐÀO NGỌC OANH (Trưởng khu dân cư số 17, phường Thanh Bình)


Sớm hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để doanh nghiệp di dời

Là một doanh nghiệp phải di dời trong giai đoạn 2 (2016-2020), Công ty CP


Đá mài Hải Dương đã chủ động xây dựng phương án di dời, xin ý kiến của UBND tỉnh. Để có đất và tài chính cho việc di chuyển nhà máy ra khỏi trung tâm thành phố, Công ty CP Đá mài Hải Dương thỏa thuận cho Công ty CP Thương mại và vận tải Thái Hà lập dự án quy hoạch vị trí hiện tại để xây dựng khu dân cư. Công ty chúng tôi cũng xin phép nhận chuyển nhượng các khu đất của Công ty TNHH Đại Thịnh và Công ty CP Ứng dụng và phát triển công nghệ An Thái (cụm công nghiệp Việt Hòa) để xây dựng nhà máy mới và di chuyển các máy móc, thiết bị sản xuất. Các khoản chi phí liên quan đến việc di chuyển Công ty CP Đá mài Hải Dương, xây dựng nhà máy mới và đầu tư xây dựng khu dân cư đều do Công ty CP Thương mại và vận tải Thái Hà ứng trước, sau đề nghị đối trừ vào tiền sử dụng đất theo chủ trương của tỉnh và quy định của pháp luật.   

Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng của tỉnh và TP Hải Dương sớm hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để triển khai hiệu quả phương án trên.


NGUYỄN HOÀNG HIỆP (Phó Giám đốc Công ty CP Đá mài
Hải Dương)



(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chưa muốn đi?