Khi Việt Nam gia nhập TPP, các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản trong tỉnh đã chủ động đón đầu cơ hội cũng như khó khăn, thách thức...
Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang đã đầu tư nhà xưởng, máy móc mới
Khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết thì các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông sản trong tỉnh sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Cơ hội và thách thức song hànhCuối năm 2015, Việt Nam chính thức tham gia TPP. Bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam tham gia TPP đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt có thể tiếp cận thị trường chung rộng lớn với gần 800 triệu người tiêu dùng và 40% GDP toàn cầu. Cùng với đó là việc miễn thuế xuất, nhập khẩu với các sản phẩm nông nghiệp. Tại Việt Nam hiện nay, do chi phí nhân công rẻ nên hàng nông sản Việt có lợi thế cạnh tranh về giá so với một số nước trong khu vực. Khi được miễn thuế, giá thành sản phẩm tiếp tục hạ, từ đó tăng khả năng cạnh tranh.
Cùng với những cơ hội này, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều thách thức. Các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trong nước sẽ bị nông sản nhập khẩu cạnh tranh gay gắt. Từ trước đến nay, nông sản nhập khẩu thường có mặt tại các siêu thị, hệ thống bán lẻ với giá khá cao, mẫu mã, chất lượng đồng đều hơn hẳn nông sản nội. Tuy nhiên, sau khi được miễn thuế, giá nông sản nhập khẩu sẽ ngày càng rẻ hơn, dễ tiếp cận người tiêu dùng hơn. Trong bối cảnh nông sản nội ngày càng bị nghi ngờ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì các doanh nghiệp nông sản Việt có thể bị “thua ngay trên sân nhà”.
Khi tham gia TPP, nhiều nước đã nâng cao hàng rào kỹ thuật thương mại và các biện pháp vệ sinh dịch tễ của các sản phẩm nhập khẩu nhằm bảo hộ nền nông nghiệp nội địa. Hàng rào kỹ thuật thương mại và các biện pháp vệ sinh dịch tễ bao gồm những quy định rất khắt khe về bao gói, nhãn mác, về mức độ hoặc dư lượng hóa chất tối đa trong sản phẩm nhập khẩu, về tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng… Cũng có quốc gia không xây dựng hàng rào kỹ thuật thương mại và các biện pháp vệ sinh dịch tễ của riêng mình mà sử dụng quy chuẩn kỹ thuật chung của châu Âu. Cuối năm 2014, một doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu nông sản sang Hàn Quốc đã bị trả hàng về do nước này nâng cao các quy định này so với trước đó.
Một khó khăn nữa đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản là doanh nghiệp chưa đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường quốc tế. Bà Lương Thị Kiểm, Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 20 doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu nông sản, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp này hầu hết xuất khẩu mặt hàng nông sản ở dạng thô hoặc sơ chế. Vì vậy dễ bị phụ thuộc vào đối tác nước ngoài, bị ép giá, giá trị xuất khẩu không cao. Hầu hết các doanh nghiệp chưa đủ năng lực để xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao giá trị xuất khẩu”.
Đón đầu hội nhậpTrước những cơ hội, thách thức đó, nhiều doanh nghiệp đã nhanh nhạy đầu tư máy móc, công nghệ mới cũng như xây dựng vùng nguyên liệu, hướng tới xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Công ty CP Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương (TP Hải Dương) mỗi năm xuất khẩu trên 2.000 tấn dưa, ngô ngọt, khoai tây, khoai môn... sang Đài Loan, Nhật Bản. Ông Nghiêm Trọng Tuấn, Giám đốc công ty cho biết: "Hiện nay công ty đang xây dựng nhà máy tại xã Hồng Lạc (Thanh Hà) với hệ thống kho lạnh, bể muối và đầu tư thêm 1 máy bóc vỏ ngô sử dụng công nghệ Đài Loan, tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018 nhà máy sẽ hoàn thành, nâng công suất chế biến, xuất khẩu lên 4.000 tấn/năm. Việc đầu tư thêm máy bóc vỏ ngô sẽ giảm nhân công lao động, từ đó giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu. Không chỉ hướng tới xuất khẩu, công ty cũng đang sản xuất dưa bao tử dầm dấm để cung cấp cho các siêu thị trong nước với sản lượng từ 10.000-15.000 lọ/năm”.
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty TNHH Hoa Mai (xã Nam Trung, Nam Sách) đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu để đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu. Công ty chuyên xuất khẩu các loại nông sản khô, cấp đông và sơ chế sang thị trường Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Giám đốc công ty, trước đây do không chủ động được nguyên liệu đầu vào nên công ty phải thu mua nông sản ở nhiều địa phương. Cách làm này có nhiều hạn chế như mẫu mã, chất lượng không đồng đều, không kiểm soát được VSATTP nên sản phẩm xuất khẩu có thể bị trả về. Từ cuối năm 2014, công ty đã xây dựng vùng nguyên liệu rộng hơn 10 ha ở huyện Nam Sách để chủ động một phần đầu vào cho sản xuất. Công ty phát giống và thuốc trừ sâu, hướng dẫn các hộ dân trồng đúng quy trình kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Do vậy nông sản có chất lượng đồng đều, đáp ứng được các tiêu chuẩn về VSATTP. Công ty còn đầu tư dây chuyền luộc nông sản bằng nồi hơi nước trị giá 350 triệu đồng. Nhờ vậy năm 2015, công ty đạt sản lượng nông sản xuất khẩu từ 1.000 tấn, tăng 100% so với năm 2014. Năm 2016, công ty tiếp tục xây dựng vùng trồng bí sạch với diện tích 30 ha.
Để sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước, Công ty CP Giống cây trồng Kiên Giang (xã Cao An, Cẩm Giàng) đã đầu tư nhà xưởng, máy móc và xây dựng vùng nguyên liệu an toàn để hướng tới xây dựng thương hiệu rau an toàn. “Công ty vừa hoàn thành xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến nông sản với diện tích hơn 25.000 m2. Nhà máy gồm dây chuyền sơ chế, thái, sục nước, sục ozon, chiếu tia cực tím, tách nước, đóng gói… với công suất 30 tấn/ngày, tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Để xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, công ty đã ký hợp đồng với 420 hộ nông dân trong tỉnh, cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật, cam kết bao tiêu sản phẩm với giá tăng 20% so với giá thị trường. Dự kiến đầu tháng 4 nhà máy sẽ chính thức đi vào hoạt động.
Khi doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu thì nông sản nội sẽ tìm được chỗ đứng trong và ngoài nước, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
VIỆT QUỲNH