Doanh nghiệp chăm sóc dòng sữa mẹ cho bé

15/09/2022 17:14

Hiểu rõ lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương đã quan tâm xây dựng phòng, điểm vắt sữa cho lao động nữ. Đây là phúc lợi cần thiết giúp họ thêm gắn bó với doanh nghiệp.

Phòng vắt và trữ sữa mẹ của Công ty TNHH HyunDai Kefico ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) được xây dựng từ năm 2018, khá rộng rãi và đầy đủ tiện nghi

Nhân văn

“Ban đầu em phải rửa tay thật sạch, sau đó lấy nước sôi tráng lại bình, mát xa ngực khoảng 2-3 phút mới có thể vắt được nhiều sữa. Vắt xong cần chú ý cho vào hộp cá nhân để thật gọn trong tủ lạnh...”.

Câu chuyện giữa hai lao động nữ của Công ty TNHH Hyundai Kefico Hải Dương ở khu công nghiệp Đại An (TP Hải Dương) trong phòng vắt sữa khiến nhiều người chú ý. Lần đầu làm mẹ nên chị Nguyễn Thị Dương khá bỡ ngỡ và lúng túng. Khi được đồng nghiệp hướng dẫn tận tình, chị Dương đã thành thạo hơn.

Sau 6 tháng nghỉ chế độ thai sản, đi làm trở lại chị Dương được Công đoàn công ty thông báo có phòng vắt sữa cho bé. Mỗi buổi chị Dương được nghỉ 20 phút để vắt, trữ sữa cho con. “Tôi khá bất ngờ khi biết công ty có nơi để chị em chúng tôi vắt và trữ sữa. Tôi có thể trữ đông sữa trong tủ lạnh để cho bé uống trong thời gian mẹ đi làm”.

Công ty TNHH Hyundai Kefico Hải Dương xây dựng phòng vắt sữa từ năm 2018. Phòng có diện tích khá lớn, rộng rãi, trang bị đầy đủ chỗ ngồi, giường nằm, cây đun nước nóng để vệ sinh bình sữa, tủ lạnh bảo quản. Không gian vắt sữa sạch sẽ, thân thiện, kín đáo và có điều hòa. Chị Nguyễn Thị Nhung, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: “Doanh nghiệp có hơn 50% số lao động nữ nên ngoài việc bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động, doanh nghiệp đã sớm xây phòng vắt sữa để phục vụ lao động nữ có con nhỏ”.

Ở Hải Dương, số lao động nữ làm việc trong các doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn. Do đó, việc xây phòng vắt và trữ sữa có ý nghĩa không nhỏ giúp công nhân, người lao động có nguồn sữa mẹ để nuôi con. Chị Hoàng Thị Nga, Công ty TNHH Công nghiệp Brother ở khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng) cho biết: “Trước đây làm việc ở một doanh nghiệp gần nhà không có phòng vắt sữa nên chị em đang trong giai đoạn cho con bú rất vất vả. Khi sữa căng, khó chịu, phải vào nhà vệ sinh vắt bỏ trong khi con ở nhà khát sữa. Hiện nơi làm việc có phòng riêng để vắt và bảo quản sữa, tôi dự định cho bé thứ hai ăn sữa mẹ đến 2 tuổi. Sữa mẹ không chỉ tốt mà còn giúp người lao động đỡ tốn chi phí mua sữa ngoài”.

Nuôi con bằng sữa mẹ là nhu cầu chính đáng của nhiều lao động nữ. Việc các doanh nghiệp bố trí phòng hoặc điểm vắt và trữ sữa thể hiện tinh thần nhân văn, chăm lo đến quyền lợi của người lao động.

Hải Dương có nhiều lao động nữ làm trong các doanh nghiệp nên việc xây dựng các phòng, điểm vắt sữa đang được tổ chức công đoàn vận động doanh nghiệp thực hiện

Tiếp tục nhân rộng

Chị Đặng Thị Lý, đại diện Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay, Hải Dương có khoảng 40% số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp bố trí được phòng hoặc điểm vắt sữa cho lao động nữ nuôi con nhỏ. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm xây dựng những phòng vắt sữa khá hiện đại, lịch sự, giúp chị em vừa đi làm vừa có thể làm tròn thiên chức của người mẹ như các Công ty TNHH: Hyundai Kefico Việt Nam (TP Hải Dương), Công nghiệp Brother Việt Nam, Công nghệ Nissei Việt Nam, Quốc tế Jaguar Hà Nội, Điện tử UMC Việt Nam, Hitachi Cable Việt Nam (đều ở Cẩm Giàng)… Hải Dương cũng là tỉnh tiêu biểu trong cả nước quan tâm chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng phòng vắt và trữ sữa cho lao động nữ.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chưa làm được việc trên. Nguyên nhân do doanh nghiệp chưa thực sự chú ý đến nhu cầu này của người lao động. Một số doanh nghiệp không đủ điều kiện về quỹ đất, kinh phí nên không bố trí. Để vắt sữa, mỗi lao động nữ phải mất từ 10-15 phút. Nhiều doanh nghiệp không muốn thực hiện mô hình này vì lo ngại người lao động sẽ chiếm dụng thời gian làm việc, khó quản lý các dây chuyền sản xuất.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Quyên, chuyên tư vấn dinh dưỡng cho mẹ và bé ở Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương), sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá và có ý nghĩa với nhiều bà mẹ nên các doanh nghiệp cần quan tâm xây dựng mô hình này. Trẻ được bú sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con. Gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoản thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh. Khi con khỏe mạnh thì người mẹ cũng chuyên tâm hơn cho công việc, năng suất lao động bảo đảm, doanh nghiệp cũng được lợi.

Thấy rõ ý nghĩa về việc xây dựng các phòng, điểm vắt sữa cho lao động nữ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu năm 2021 quy định doanh nghiệp có từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Như vậy, theo quy định, quyền lợi nuôi con bằng sữa mẹ của lao động nữ được bảo đảm. Ngoài các quy định bắt buộc đối với các doanh nghiệp có trên 1.000 lao động, các doanh nghiệp có dưới số lao động này được khuyến khích quan tâm đầu tư các ca bin, điểm trữ sữa nhỏ gọn, tạo điều kiện cho lao động có thời gian thực hiện thiên chức làm mẹ, từ đó yên tâm làm việc.

Với mục tiêu phát triển công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, thời gian qua, Liên đoàn Lao động Hải Dương đã tích cực tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp thực hiện chế độ đối với lao động nữ. Nhiều doanh nghiệp đã đi trước quy định, chủ động xây dựng mô hình phòng, điểm vắt sữa cho công nhân. Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp Hải Dương lại càng quan tâm hơn đến nâng cao sức khỏe người lao động, nhất là việc xây dựng những mô hình ý nghĩa như trên. Doanh nghiệp Hải Dương thấy rõ khi quan tâm đến phúc lợi của người lao động thì họ sẽ gắn bó và chuyên tâm xây dựng những nhà máy hạnh phúc.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp chăm sóc dòng sữa mẹ cho bé