Nhiều doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các trường đại học, cao đẳng để xây dựng nguồn cung ứng lao động vừa ổn định vừa có chất lượng cao.
Sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ thực hành nghề tại Công ty CP Dịch vụ và thương mại Tây Đô (Cẩm Giàng)
Lợi ích kép
Làm thế nào để tuyển dụng lao động có trình độ đáp ứng tốt yêu cầu công việc luôn là băn khoăn của Ban lãnh đạo Công ty TNHH Toyota Hải Dương. Ông Nguyễn Đình Nguyên, Tổng giám đốc công ty cho biết những năm gần đây, việc tuyển dụng lao động có tay nghề ở Hải Dương rất khó khăn. Nếu chỉ dựa vào đăng tuyển hoặc các phiên giao dịch việc làm thì rất ít lao động đạt yêu cầu. Vì vậy, gần đây doanh nghiệp đã chủ động liên kết với một số trường trong và ngoài tỉnh để đào tạo lao động chuyên ngành.
Tháng 9.2017, Công ty TNHH Toyota Hải Dương đã phối hợp với Trường Đại học Sao Đỏ (Chí Linh) thành lập Trung tâm Đào tạo kỹ thuật viên Toyota tại trường này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phối hợp với các trường khác trong tỉnh tạo điều kiện cho các sinh viên đến thực tập trước khi ra trường từ 1-2năm để làm quen với thực tế công việc. Theo ông Nguyên, khi doanh nghiệp bắt tay với nhà trường trong tuyển dụng sẽ đem lại lợi ích cho cả hai phía. Đây là mô hình giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực.
Mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường ở Công ty TNHH May Tinh Lợi khá hiệu quả. Bà Trần Thị Thu Vượng, Tổng Giám đốc hành chính nhân sự công ty cho rằng để chủ động được nguồn nhân lực, doanh nghiệp cần xây dựng mối liên kết với các trường, nhất là các trường chuyên đào tạo các nghề phù hợp với công ty mình. Với nhu cầu lao động lớn, hiện nay doanh nghiệp đã liên kết với các trường như Đại học Sao Đỏ, Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh để tuyển dụng kỹ sư chuyên ngành. Đồng thời phối hợp với các trường nghề trong và ngoài tỉnh để tuyển dụng lao động phổ thông, có nghề...
Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương liên kết với các doanh nghiệp để tìm việc làm cho sinh viên ngay sau khi ra trường với mức thu nhập ít nhất 4 triệu đồng/người/tháng
Gắn kết với doanh nghiệp không chỉ giúp các trường tìm được nơi thực hành mà còn tạo cơ hội cho sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Hải Dương là thị trường sử dụng lao động tiềm năng bởi trong tỉnh có rất nhiều khu, cụm công nghiệp. Dự đoán được xu hướng này nên những năm gần đây Trường Cao đẳng Công thương Hải Dương ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp để tìm việc cho sinh viên. Bà Vũ Thị Thanh, Trưởng Phòng Đào tạo của trường nhận định: "Đây là cách tốt nhất giúp sinh viên được trải nghiệm thực tế, hòa nhập ngay với công việc. Khi tuyển dụng, nhà trường cam kết sẽ tìm việc làm cho sinh viên ngay khi tốt nghiệp với mức thu nhập ít nhất 4 triệu đồng/người/tháng. Nếu không thực hiện được cam kết này, sinh viên sẽ được hoàn trả toàn bộ học phí".
Doanh nghiệp cần chủ động
Tại hội nghị đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp với lãnh đạo tỉnh được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã nêu tình trạng khó tuyển dụng lao động, nhất là lao động có trình độ. Chỉ rõ nguyên nhân của khó khăn này, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vũ Doãn Quang cho rằng một phần do doanh nghiệp chưa mạnh dạn phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề. Hiện nay, Hải Dương có không ít các trường đào tạo nghề đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng vẫn lúng túng trong phối hợp với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Nếu doanh nghiệp không chủ động thì mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp khó xây dựng bền vững. Bà Vũ Thị Thanh cho biết thêm: "Nhà trường rất muốn liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung ứng lao động. Hiện nay, trường đang liên kết tốt với các doanh nghiệp như Chi nhánh Xăng dầu Hải Dương, Công ty TNHH Mascot Việt Nam (khu công nghiệp Đại An), Công ty TNHH Tây Đô (TP Hải Dương) song không ít doanh nghiệp lại chưa chủ động liên kết với chúng tôi vì họ chỉ tuyển lao động theo mùa vụ hoặc điều kiện làm việc không thu hút được sinh viên".
Để giải được bài toán thiếu hụt lao động, giữa doanh nghiệp và nhà trường cần có sự liên kết chặt chẽ, lâu dài. Cùng với cách làm này, các doanh nghiệp của tỉnh cần quan tâm tìm hiểu thị trường lao động ở khu vực nông thôn để tìm kiếm nguồn lao động phổ thông. Bản thân doanh nghiệp cần xây dựng môi trường làm việc tốt để giữ chân người lao động.
PV