Doanh nghiệp "vạ lây" vì sự cố cầu An Thái

01/04/2016 06:41

Sự cố tàu thủy HP3016 Thành Luân 28 đâm cầu An Thái khiến cho hoạt động vận chuyển hàng hóa của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn...



Vì sự cố cầu An Thái, nhiều doangh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa bằng các tuyến đường khác.
Trong ảnh: Xe tải nối đuôi nhau chờ qua phà Tuần Mây

Sau gần một tháng xảy ra sự cố tàu thủy HP3016 Thành Luân 28 đâm vào dầm cầu An Thái, hoạt động vận chuyển hàng hóa của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn huyện Kinh Môn gặp không ít khó khăn.

Chi phí phát sinh

Hiện nay, trung bình mỗi tháng Công ty CP Thép Hòa Phát ở xã Hiệp Sơn sản xuất khoảng 150.000 tấn sản phẩm. Trong đó, số lượng hàng hóa vận chuyển qua cầu An Thái chiếm khoảng 60%. Từ khi xảy ra sự cố cầu An Thái, các loại xe tải bị cấm lưu thông khiến doanh nghiệp phải tăng cường vận chuyển bằng đường sông và các lối quốc lộ 18, phà Triều (xã Thất Hùng). Ông Mai Văn Hà, Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát cho biết: “So với đi đường qua cầu An Thái chi phí vận chuyển tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn. Hiện xe trên 2 trục và 16 tấn vẫn bị cấm nên phần lớn hàng hóa của công ty vẫn phải vận chuyển bằng các phương án trên. Do chi phí phát sinh trong khi giá sản phẩm không thể tăng theo nên việc sửa chữa cầu chậm ngày nào chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng ngày đấy”.

Theo ông Lê Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công, sự cố cầu An Thái không những làm chi phí vận chuyển tăng mà còn khiến hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bị ảnh hưởng. Mỗi tháng, nhà máy Thành Công 3 vận chuyển khoảng 40.000 - 50.000 tấn vật tư, hàng hóa các loại qua cầu An Thái. Hiện doanh nghiệp phải đi vòng lối quốc lộ 18, xa hơn gấp đôi đường nên thời gian và chi phí đều tăng. “Nếu đi lối phà Tuần Mây thì phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới qua được. Giá vé qua phà cũng cao gấp đôi đi đường mà không chở được xe trên 20 tấn. Nhiều khách hàng vì ngại đường xa nên cũng không qua nhà máy mua hàng nữa. Nếu việc sửa chữa cầu kéo dài đến mùa mưa thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng”, ông Định lo lắng nói.

Từ ngày 26-3, ô tô khách, xe buýt đã được phép lưu thông qua cầu An Thái. Tuy nhiên, trong gần hai chục ngày cấm xe ô tô trên 16 chỗ, các doanh nghiệp vận tải hành khách cũng gặp nhiều khó khăn trong tổ chức vận chuyển. Ông Trần Thế Đồng, Giám đốc Công ty CP Vận tải Đức Khoa cho biết: “Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, chúng tôi phải thuê 2 xe 16 chỗ làm công việc trung chuyển hành khách hai bên đầu cầu với giá gần 2 triệu đồng/ngày. Trong khi đó lượng khách lại giảm vì phải lên xuống xe nhiều lần rất bất tiện. Nhận được thông tin xe ô tô khách được qua cầu chúng tôi rất phấn khởi. Mong các cơ quan chức năng sớm hoàn thành sửa chữa cầu để việc đi lại được thông suốt, thuận lợi”.

Bảo đảm tiến độ

Ngày 27-3, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 18.6 - đơn vị thi công sửa chữa cầu An Thái đã hoàn thành đúc dầm cầu mới thay thế dầm cầu bị hư hỏng. Trong khi chờ bê tông đạt cường độ, hiện các công nhân đang dọn dẹp mặt bằng trên cầu. Dự kiến đến ngày 8-4 đơn vị thi công sẽ tiến hành lao lắp dầm. Để đẩy nhanh tiến độ, trong suốt quá trình khắc phục, sửa chữa, các cơ quan chức năng, đơn vị thi công đều làm việc 3 ca/ngày. Theo Sở Giao thông vận tải, với tiến độ như hiện nay việc sửa chữa cầu An Thái sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ Bộ Giao thông vận tải đề ra là trước ngày 5-5 tới. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực cầu An Thái, bến phà Tuần Mây, Sở Giao thông vận tải, Công an huyện Kinh Môn và Công ty TNHH BOT đường 188 vẫn tiếp tục duy trì các tổ công tác làm nhiệm vụ hướng dẫn, phân luồng giao thông, sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.



Công nhân đang khẩn trương làm dầm cầu mới


Tại bến phà Tuần Mây, từ ngày 18-3 Sở Giao thông vận tải đã cho tăng cường thêm 1 phà 1 lưỡi để nâng cao năng lực vận chuyển. Sáng 28-3, ông Hoàng Tuấn Long, Trưởng bến phà Tuần Mây cho biết: “Có thêm phà nên việc vận chuyển nhanh chóng, thuận lợi hơn. Đến nay, lưu lượng xe qua phà đã giảm hơn nhiều nhưng chúng tôi vẫn hoạt động 24/24 giờ theo đúng quy định của Sở Giao thông vận tải. Đội ngũ nhân viên cũng được quán triệt phải tích cực, phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại bến phà”.

Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, đến nay chưa có thống kê đầy đủ thiệt hại kinh tế do cấm xe ô tô qua cầu nhưng vụ việc trên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. “Những năm gần đây tỉnh lộ 388 đã luôn trong tình trạng quá tải. Sự cố cầu An Thái cho thấy cây cầu này có vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế-xã hội. Về lâu dài, cơ quan chức năng của tỉnh cần nghiên cứu, xem xét xây dựng thêm một cây cầu bắc qua sông Kinh Môn để phá thế độc đạo của cầu An Thái”, bà Liễu kiến nghị.

HẠO NHIÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp "vạ lây" vì sự cố cầu An Thái