Doanh nghiệp "đầu độc" sông thủy nông

20/04/2017 08:05

Nhiều ngày nay, khắp tuyến sông trung thủy nông Sặt - Phủ (Bình Giang) bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.



Nước sông trung thủy nông Sặt-Phủ qua xã Bình Minh màu đen kịt

Ô nhiễm nặng

Dọc tuyến sông nói trên từ thị trấn Kẻ Sặt ven theo đường tỉnh 392 đến xã Thái Học (Bình Giang) nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Những tuyến kênh nhánh dẫn nước vào sâu trong khu ruộng của xã Vĩnh Hồng cũng trong tình trạng tương tự.

Bà Vũ Thị Bắc, một người dân ở thôn Phụng Viện (xã Vĩnh Hồng) cho biết: "Nước trong con kênh này chuyển màu đen từ hơn một tuần nay. Nhìn nước ô nhiễm quá nên người dân không dám bơm lên ruộng hay tưới hoa màu vì sợ cây chết. Những khi gió to đưa mùi hôi thối vào trong khu dân cư ".

Nhà ở gần sông trung thủy nông Sặt - Phủ, bà Đinh Thị Thanh ở thôn Lý Dương (cùng ở xã Vĩnh Hồng) bức xúc: "Cơ quan chức năng xử lý tình trạng này chứ người dân chúng tôi ai cũng lo lắng. Nhà ở gần mương máng cũng không dám mở cửa sổ vì mùi hôi xộc vào, nhất là những hôm nắng nóng".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng trên do một số doanh nghiệp tại cụm công nghiệp (CCN) Tân Hồng xả nước thải phát sinh trong quá trình tẩy rửa phế liệu bằng hóa chất trực tiếp ra sông.

Từ chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến địa điểm phát sinh nguồn nước thải. Phía bên ngoài tường bao Công ty CP Xuất nhập khẩu nhựa Lâm Phúc, nước thải ngập trong một hố lộ thiên rộng khoảng 60 m2, đen ngòm, đặc sánh, bốc mùi hôi thối.

Tại đây, bà Nguyễn Thị Thường, một người dân ở xã Vĩnh Hồng được doanh nghiệp thuê vớt những chất thải lẫn trong nước vất lên bờ. Bà Thường cho biết đã làm liên tục chừng nửa tháng nay, mỗi tháng bà được trả 5 triệu đồng. Bà Thường cũng khẳng định nước thải ở hố này do doanh nghiệp trong CCN Tân Hồng thải ra.

Cùng có mặt tại hiện trường, ông Vũ Đào Nguyên, Trưởng Công an xã Vĩnh Hồng cho biết trước đây doanh nghiệp không đào hố mà xả nước thải chảy thẳng vào kênh. Việc đào hố dù giữ lại được phần nào chất thải rắn nhưng không thể giảm mức độ ô nhiễm đối với nguồn nước. Hơn nữa, vị trí đào hố này là đất công, không nằm trong phạm vi CCN.

"Tình trạng này đã diễn ra từ cuối năm ngoái nhưng lần này mức độ nghiêm trọng hơn. Mặc dù đã có nhiều cơ quan chức năng đến làm việc, kiểm tra nhưng tôi thấy các doanh nghiệp vẫn hoạt động, xả thải ra môi trường. Người dân đã phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng vào cuộc để đình chỉ hoạt động các công ty gây ô nhiễm, khắc phục hậu quả môi trường", ông Nguyên cho biết thêm.

Phạt chưa đủ sức răn đe


Ngày 4.1.2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong CCN Tân Hồng.



 Nước thải từ trong cụm công nghiệp Tân Hồng xả ngập ngụa ngay phía bên ngoài tường bao


Ngày 21.3.2017, sở có kết luận kiểm tra khẳng định hầu hết các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong CCN đều có những vi phạm, sai phạm về môi trường. Cơ quan chức năng xác định nước thải từ hoạt động rửa phế liệu của các doanh nghiệp hoạt động tái chế nhựa, gồm các Công ty: TNHH một thành viên Thương mại Quốc Pháp, CP Tiến Long, TNHH Lục Nam và hộ ông Nguyễn Văn Tuấn là nguyên nhân chính gây hiện tượng ô nhiễm tuyến sông trung thủy nông Sặt - Phủ. Khí thải của các doanh nghiệp trên là nguyên nhân chính gây hiện tượng mùi khét khó chịu trong khu vực.

Theo đó, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty TNHH một thành viên Thương mại Quốc Pháp và Công ty TNHH Lục Nam mỗi doanh nghiệp 65 triệu đồng.

Theo chính quyền và người dân địa phương thì mức xử phạt trên không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với các hành vi vi phạm của những doanh nghiệp này. Dù các cơ quan chức năng đã yêu cầu các doanh nghiệp dừng hoạt động, khắc phục những vi phạm nhưng các đơn vị này vẫn ngang nhiên hoạt động, xả thải ra môi trường và mới chỉ dừng sản xuất cách đây khoảng 1 tuần.

Ông Vũ Nhật Kha, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng đề nghị: "Cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời nên vận động các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, nếu không thì chắc chắn còn gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đối với người dân xã Tân Hồng mà cả nhiều xã khác".

Theo ông Đào Văn Đông, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Bình Giang, hiện tình trạng ô nhiễm mà các doanh nghiệp tại CCN Tân Hồng gây ra ảnh hưởng đến khoảng 20 km kênh thủy nông của huyện với diện tích canh tác lúa khoảng 4.500 ha. Từ ngày 15.4 đến nay, xí nghiệp đã bơm nước từ sông Sặt vào kênh để thau rửa. Việc làm này chủ yếu để phục vụ nông dân sản xuất chứ không thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm, nguồn nước bẩn sẽ bị đẩy đi nơi khác.

Ông Đông lo lắng: "Những nơi bị ảnh hưởng nhiều là thị trấn Kẻ Sặt và các xã: Tráng Liệt, Tân Hồng, Vĩnh Hồng, Bình Minh. Hiện nguồn nước đen đã chảy xuống tới các xã cuối cùng của huyện như Hồng Khê, Thái Dương. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến năng suất lúa vì cây thiếu nước làm đòng. Về lâu dài, nguồn nước ô nhiễm còn ảnh hưởng đến nguồn nước và đất nông nghiệp của huyện".

Hành vi vi phạm của các doanh nghiệp tại CCN Tân Hồng rất rõ ràng. Việc bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng, ngang nhiên gây ô nhiễm môi trường thể hiện sự coi thường pháp luật, khiến chính quyền và người dân địa phương bức xúc. Để chấm dứt tình trạng trên, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh cần phối hợp với huyện Bình Giang có biện pháp xử lý nghiêm các vi phạm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nêu trên.

HOÀNG BIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp "đầu độc" sông thủy nông