Đoạn mơ hồ trong Thượng đỉnh Trump-Putin

17/07/2018 13:27

Thượng đỉnh Trump-Putin đã kết thúc bằng một cuộc họp báo chung mà Thượng nghị sĩ John McCain mô tả là “một trong những màn trình diễn đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử của một tổng thống Mỹ”.


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki, Phần Lan ngày 16.7. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Câu chuyện về cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki đã có đầu và có kết, nhưng không có đoạn giữa.

Nó được bắt đầu bằng một tuyên bố từ Tổng thống Mỹ rằng mối quan hệ tồi tệ giữa Mỹ và Nga không phải là lỗi của chính phủ Nga vì những việc làm như sáp nhập Crimea, bắn hạ một máy bay dân sự, can thiệp vào bầu cử Mỹ hay sử dụng chất độc thần kinh bị cấm để sát hại những công dân của một nước đồng minh Mỹ ngay trên mảnh đất của họ. Không, đó là lỗi của “sự ngu muội và điên rồ của Mỹ, và hiện là lỗi của một chiến dịch nhũng nhiễu chính trường đầy dối trá”.

Thượng đỉnh Trump-Putin đã kết thúc bằng một cuộc họp báo chung mà Thượng nghị sĩ John McCain mô tả là “một trong những màn trình diễn đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử của một tổng thống Mỹ”. Thế nhưng, đoạn giữa của câu chuyện này lại trống rỗng, khi mà hai tổng thống gặp riêng nhau cùng với chỉ hai người phiên dịch. Đối với những người thường xuyên dõi theo Trump và quan sát thói quen công kích của ông ta với những người khác khi đang ở một khoảng cách an toàn rồi lại tìm cách làm vừa lòng họ khi mặt đối mặt, thì cuộc gặp này hẳn đầy rẫy rủi ro. Liệu ông có sơ suất bỏ qua vụ Crimea? Hay liệu ông có đồng tình với một số hành động quân sự do Nga dẫn dắt tại Syria hay không? Có lẽ những điều này đã xảy ra. Hai tổng thống được cho là đã nói về vấn đề vũ khí hạt nhân, bao gồm Hiệp định về Các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) liên quan đến các tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung. Những cơ hội để họ ký gia hạn Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) mới lúc này có lẽ đang lớn hơn thời điểm trước khi họ gặp nhau. Những điều này không phải là không đáng kể.

Thực tế, khó có thể xác định được một sự thay đổi mang tính quyết định trong chính sách ngoại giao Mỹ sau cuộc gặp ở Helsinki này. Thay vào đó, điều mà nó mang lại chỉ là một sự tái khẳng định những điều Mỹ vốn đã biết về vị tổng thống của mình. Trump cho rằng thế giới có thể hưởng lợi khi Mỹ và Nga có mối quan hệ thân thiết, và rằng “Mỹ đã rất dại dột” trong vấn đề này. Ông chỉ trích giới tình báo Mỹ vì cáo buộc Nga can thiệp chiến dịch bầu cử Mỹ 2016 là một sự xúc phạm cá nhân, một lời cáo buộc rằng ông cần sự trợ giúp bên ngoài mới có thể chiến thắng bà Clinton. Ông sẵn sàng tin tưởng vào lời nói của một cựu điệp viên KGB về những quan điểm của CIA hay FBI trong vấn đề này. Những người Mỹ đặt nghi vấn về điều đó có thể bị chính tổng thống của mình coi là kẻ thù của đất nước. Ông đã gọi chiến dịch điều tra của Robert Muller là “một thảm họa cho đất nước”. Thật đáng kinh ngạc khi chứng kiến ông Trump nói những điều này khi đứng trên một khán đài ngay bên cạnh Putin, nhưng đó là tất cả những gì ông từng nhiều lần lặp đi lặp lại. Đó không phải là một vở diễn, đó là những điều ông thực sự suy nghĩ.

Trả lời câu hỏi của AP rằng ông tin ai, giới tình báo Mỹ với kết luận rằng Nga đã can thiệp cuộc bầu cử Mỹ, hay là Putin, người đã bác bỏ mọi sự can thiệp, Trump cho biết không tìm thấy lý do nào để nói Nga can thiệp bầu cử Mỹ dù ông cũng cực kỳ tin tưởng vào đội ngũ tình báo của mình, song “Tôi sẽ nói với các bạn rằng Tổng thống Putin đã rất mạnh mẽ trong lời bác bỏ của mình và điều ông ấy làm là một đề xuất khó tin. Ông cho biết sẽ ra lệnh cho những người liên quan đến vụ việc này đến và hợp tác với các điều tra viên về 12 mật vụ bị kết tội. Tôi cho rằng đó là một đề xuất khó tin, phải không?”.

Đối với những người đang theo dõi sát sao tình hình hiện nay, không thể không để ý tới một số vấn đề sẽ tồn tại sau khi cuộc gặp thượng đỉnh này kết thúc. Cuộc điều tra của ông Mueller đã thu thập được nhiều chi tiết về các hoạt động của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga, cho thấy mối nguy hiểm của các hành động của họ trong tương lai. Nền kinh tế Nga đang suy yếu, và các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không được Thượng viện dỡ bỏ sớm. Một số thể chế Mỹ hiện không làm tốt công việc của mình, song một số đang hoạt động khá tốt.

VŨ BÍCH NGỌC (TTXVN)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đoạn mơ hồ trong Thượng đỉnh Trump-Putin