Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định như vậy khi trả lời phỏng vấn báo chí nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Hà Nội ngày 1.8.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao PHẠM BÌNH MINH - Ảnh: VIỆT DŨNG |
Thành công và thách thức
Thành công đầu tiên là tập hợp lại các nước Đông Nam Á với văn hóa đa dạng, khác biệt về thể chế chính trị thành một tổ chức và tổ chức này tạo điều kiện các người dân ASEAN sống trong một môi trường hòa bình, ổn định và thân hữu.
Hai là, ASEAN trước đây bao gồm các nước thành viên có nền kinh tế nghèo và lạc hậu, nay với vai trò là một hiệp hội, đã trở thành một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra một thị trường rộng lớn với 630 triệu dân, tổng sản phẩm quốc nội là 3.000 tỉ USD và mức tăng trưởng 4,7%/năm.
Ngoài ra, ASEAN liên kết với các nước đối tác trên thế giới qua các hiệp định thương mại tự do, tạo ra một thị trường khổng lồ với tổng sản phẩm quốc nội đạt hàng ngàn tỉ USD.
“Đây là một mối quan hệ kinh tế mà các khu vực khác khó có thể đạt được so với ASEAN” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Ba là, ASEAN tạo được vị thế hết sức quan trọng, hiếm có liên kết tiểu khu vực nào đạt được. Đó là sự gắn kết không chỉ giữa các thành viên ASEAN với nhau mà còn giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài thông qua các cơ chế hợp tác về chính trị, an ninh và quốc phòng.
Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, ASEAN trong nửa thế kỷ qua cũng đối phó với nhiều thách thức. Một trong những thách thức chính là trình độ phát triển kinh tế của các nước không đồng đều, còn có sự khác biệt về lợi ích.
Bên cạnh đó, ASEAN với vai trò địa chính trị quan trọng khiến khối này trở thành mục tiêu của sự cạnh tranh giữa các nước lớn. Hơn nữa, ASEAN còn phải đối mặt với những biến chuyển nhanh của tình hình khu vực và quốc tế.
Đồ họa: TẤN ĐẠT |
Tăng cường đoàn kết
Trả lời câu hỏi “ASEAN trong tương lai sẽ như thế nào?”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết ASEAN đã xây dựng một cộng đồng với tầm nhìn đến năm 2025.
Mục tiêu của ASEAN là tiếp tục xây dựng cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội, lấy người dân làm trọng tâm trong chính sách của mình, lấy luật lệ, luật pháp làm nền tảng trong hoạt động.
Phó thủ tướng cho biết một trong những lĩnh vực ASEAN hết sức quan tâm là làm sao để xây dựng một cộng đồng tự lực phát triển và đoàn kết. Và xây dựng sự đoàn kết đóng vai trò quan trọng, hết sức sống còn với ASEAN, bởi vì đó là mẫu số chung lớn nhất của lợi ích các nước thành viên. Duy trì sự đoàn kết nghĩa là duy trì tính trung tâm của ASEAN.
Về đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN, Phó thủ tướng cho biết kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã có những đóng góp hết sức tích cực và trách nhiệm với vai trò là một thành viên. Một trong những đóng góp của Việt Nam là mở rộng ASEAN từ 6 nước thành viên thành 10 nước như hiện nay.
Ngoài ra, Việt Nam là một trong hai nước có tỉ lệ thực hiện cao nhất các biện pháp ưu tiên trong Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Việt Nam cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong mở rộng quan hệ và đẩy mạnh hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, đảm nhận thành công vai trò điều phối quan hệ ASEAN với Trung Quốc (2009 - 2012), EU (2012 - 2015), Ấn Độ (2015 - 2018).
Theo Tuổi trẻ