Đoàn kết đấu tranh cho tiến bộ

01/04/2013 08:55

Cách đây 91 năm, ngày 1-4-1922, báo “Le Paria” do Nguyễn Ái Quốc - một trong những người sáng lập, ra số đầu tiên. Tiêu đề của báo là Diễn đàn của các dân tộc thuộc địa.


Báo in 3 thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Tên báo viết bằng tiếng Pháp ở giữa, bằng chữ Ả Rập ở bên trái, còn ở bên phải thì viết bằng chữ Hán. Báo hoạt động được 4 năm (từ tháng 4-1922 đến tháng 4-1926), ra được 38 số, xuất bản mỗi kỳ khoảng trên dưới 5.000 bản. Có thể nói, đây là lần đầu tiên nhân dân nhiều nước thuộc địa khác nhau có một tổ chức và một tiếng nói đấu tranh chung.

Ngay số đầu tiên, báo “Người cùng khổ” đã có “Lời kêu gọi” nêu rõ tôn chỉ, mục đích của mình: Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Mađagátxca, ở Đông Dương, Ăngtiơ và Guyannơ. Báo Người cùng khổ tố cáo sự lạm quyền về chính trị, độc đoán về hành chính, bóc lột về kinh tế mà nhân dân trên các lãnh thổ rộng lớn ở hải ngoại là nạn nhân. Báo kêu gọi các nước đoàn kết lại để đấu tranh cho sự tiến bộ về vật chất và tinh thần; hô hào tổ chức lại nhằm mục đích giải phóng những người bị áp bức khỏi những lực lượng thống trị, thực hiện tình yêu thương và hữu ái.

Là người tham gia sáng lập và trực tiếp chỉ đạo tờ báo, Nguyễn Ái Quốc đã viết cho báo nhiều bài thuộc nhiều thể loại khác nhau, bao gồm xã luận, bình luận, truyện ngắn, tin tức... Ngoài ra, Người còn vẽ cả tranh châm biếm và đả kích nữa. Viết bằng lối văn giản dị, trong sáng và sinh động, những bài báo của Người có nội dung súc tích, phong phú, có tính chiến đấu cao và tính quần chúng sâu sắc. Dưới ngòi bút sắc bén của Người, bộ mặt giả nhân giả nghĩa của đế quốc Pháp ở các thuộc địa bị vạch trần, cái mà chúng gọi là “khai hóa văn minh” thực chất là khai hóa giết người. Đồng thời, những bài báo của Người nung nấu lòng căm thù của nhân dân các nước thuộc địa đối với bọn đế quốc xâm lược, kêu gọi họ vùng lên đấu tranh tự giải phóng.

Sự ra đời của tờ báo "Người cùng khổ" đã góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Đông Dương và các nước thuộc địa khác. Nó đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta và các thuộc địa của Pháp. Đã 91 năm kể từ ngày ra đời, nhưng cho đến nay "Người cùng khổ" vẫn còn nguyên giá trị về lý luận và thực tiễn.

HƯƠNG SƠN(biên soạn)

(0) Bình luận
Đoàn kết đấu tranh cho tiến bộ