Tôi không hiểu tại sao hắn luôn chống lại tôi trong mọi công tác của phòng. Từ cái nhỏ nhất đến cái to nhất. Mọi thiết kế của tôi đều bị hắn bới lông tìm vết để bổ sung. Có những bản tôi phải làm lại từ đầu. Vì ông trưởng phòng không duyệt. Uất. Nhưng tôi không có cách gì để phản bác. Cái lý do mà hắn đưa ra là vì việc chung, là vì chất lượng công trình, là phải nhìn xa hơn, không chỉ vài ba năm mà hàng chục năm, trăm năm. Lý thuyết suông. Ai chẳng nói được. Nào ai có thể đoán nổi vài chục năm nữa người ta mặc gì, ăn gì. Hắn lại bảo có đấy. Không thật chi tiết nhưng đường hướng rất rõ ràng. Người ta phải biết ước mơ. Nếu không có hoài bão, có tìm tòi thì nhân loại làm sao được như ngày hôm nay. Nghe hắn nói, tôi cười mỉa. Một người bạn thân nói nhỏ vào tai tôi: "Mày đã bao giờ nghe "Tây Đường" và "Đông Đường" chưa? Nghe rồi hả? Cứ thế mà suy". Câu này đến với tôi từ ngày hai tỉnh Đ. và Y. sáp nhập thành tỉnh ĐY. Thật sự nó đúng được bao nhiêu phần trăm thì chẳng có mống nào dám đứng ra bảo đảm.
Hắn tên Huỳnh, kỹ sư xây dựng. Ngày anh ta được đề bạt lên chức phó phòng cũng khá nhiều dị nghị. Ông trưởng phòng là người tỉnh Đ. nên chuyện Huỳnh được lên chức không có gì là lạ. Người ta đồn rằng một người có học vấn thấp, năng lực bình thường mà được cấp trên cất nhắc, nâng đỡ, chẳng qua Huỳnh khéo nịnh nọt. Tôi là đồng nghiệp của Huỳnh, kiến trúc sư, có nhiều năm công tác ở viện. Quê tôi ở tỉnh Y. Lại có người nói đến tai tôi, chẳng biết động viên hay kích động: "Lẽ ra cái chức ấy phải là mày mới đúng". Bởi tôi là người xuất sắc nhất của phòng. Đấy là lời của ông trưởng phòng xác nhận: "Mọi vấn đề kỹ thuật dù hóc búa đến đâu khi qua tay cô Hằng đều trở thành giản đơn". Nhóm "Đông Đường" phản đối: "Đồng chí Hằng có chuyên môn, nhưng khi nổi nóng thì nói năng lôm côm, bỗ bã, văng mạng. Chúng tôi cần lãnh đạo". Thì ra dưới con mắt của "phe đối nghịch", tôi là kẻ điên điên khùng khùng. Một người như vậy, làm lãnh đạo, nói ai nghe. Tôi thanh minh: "Tôi cũng vì việc chung đấy chứ". Lại cười, mấy đồng chí đàn bà lắm điều ngoa ngoắt. Trong đầu toàn chuyện chợ búa chồng con. Bè phái rồi. Coi nhẹ phụ nữ rồi. Ấy là tôi nghĩ vậy. Tôi "xì" một tiếng tỏ ý không thèm nghe. So với mấy ông kỹ sư, thạc sĩ cả đấy. Họ đã làm nên cơm cháo gì. Suốt ngày cắm mặt vào thiết kế. Chẳng biết có thực tâm chăm chú công việc không. Chỉ biết sểnh trưởng phòng vắng mặt là tụ tập uống nước chè suông, hút thuốc lào vặt. Rồi bàn luận chuyện tận đẩu tận đâu. Hết khôn dồn đến dại.
Sáng nay tôi phải thuyết trình dự án quy hoạch và cải tạo con sông Sặt với phòng. Gọi là sông chứ thật ra nó chỉ là cái hồ dài chừng 3 cây số, chạy song song với con đường mang tên phố Bạch Đằng, nên nó cũng mang tên sông Bạch Đằng. Ngày xưa nó là đoạn cuối của sông Sặt chảy qua thị xã Đ. trước khi đổ nước vào sông Thái Bình. Ở một thị xã có tuổi đời gần 200 năm, mang trong lòng nó nhiều sự tích và truyền thuyết. Con sông cũng mang nhiều tên, tùy theo từng vùng nó chảy qua. Nó là nhân tạo hay tự nhiên cũng không ai nhớ rõ. Nghe đâu được đào từ thời nhà Lý hay đầu nhà Trần. Trận Bạch Đằng năm 1285, Đại vương Trần Quốc Tuấn dẫn quân qua con sông này. Vì thế mà ven sông có khá nhiều đền thờ ngài. Bây giờ chẳng còn dấu tích gì hết. Từ ngày sáp nhập hai tỉnh, lấy thị xã Đ. làm thủ phủ. Vì lo ngại mỗi mùa bão lụt, lãnh đạo tỉnh cho đắp hai đầu. Mở lối khác cho sông, không chảy qua thị xã nữa. Ban đầu người ta cũng thả cá, nuôi tôm. Thu ít hơn chi. Lỗ triền miên. Rồi vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan, người ta quên nó mấy chục năm. Nước thải trong thị xã vô tư đổ vào đoạn sông chết. Bùn dầy cả thước. Một dòng sông đen sì chảy quanh co. Những con cua con cá bắt được đen như hạt nhãn, bệnh hoạn. Chẳng ai đủ can đảm cho vào nồi chứ đừng nói đưa lên miệng. Mỗi mùa đều có chung một thứ mùi khó tả, khó chịu, bốc lên chia đều cho hai bờ. Tùy theo hướng gió. Lý do phải cải tạo rất đơn giản. Thị xã sắp trở thành thành phố. Một thành phố văn minh, xanh sạch đẹp không thể có đoạn sông ô nhiễm ấy.
Vừa thuyết trình, tôi vừa đưa mắt liếc nhanh về phía Huỳnh và ông trưởng phòng. Cái đầu ông trưởng phòng gật gù. Chẳng biết đồng ý hay phản bác. Còn Huỳnh thì hờ hững, tay lật lật vài trang, mắt nhìn đi đâu. Tôi vừa thuyết trình xong, Huỳnh đứng lên nói, không xử lý được nước thải thì cải tạo sông khác gì đi quét lá rừng. Sao vỉa hè bé thế? Khi đoạn sông này cải tạo xong sẽ là nơi vui chơi giải trí của dân trong phố. Thùng rác đặt ở đâu cho thuận lợi? Thiết kế đường kè đá còn nhiều vấn đề chưa được xử lý triệt để. Công tác giải tỏa chưa rõ ràng. Bao nhiêu hộ phải di dời? Anh ta nói khá dài, rằng, trồng cây gì để không ảnh hưởng đến đường dây điện trên đầu, khó đổ mùa mưa bão. Thực ra cho đến vài chục năm sau vấn đề trồng cây gì trong đô thị vẫn làm đau đầu nhiều kiến trúc sư. Huỳnh bảo, cây to quá chỉ tiện cho bọn uống bia "xả lũ". Không ai cười. Nhìn mặt anh ta lúc bấy giờ thật đáng ghét. Tôi cố kìm cơn giận. Nhận ra thái độ bất mãn của tôi. Mặc. Huỳnh vẫn nói. Đại khái rằng cái cần bây giờ là xây dựng tác phong sống chung với mọi tiện nghi công cộng. Từ ngày mở cửa theo cơ chế thị trường, nhiều quy luật, đạo đức con người thay đổi. Người ta sống thực dụng. Trời ơi, anh ta trở thành chính khách từ bao giờ vậy? Chuyện nọ xọ chuyện kia. Tôi không phải chịu trách nhiệm ấy. Tôi là kiến trúc sư, không phải nhà xã hội học. Chẳng hiểu nét mặt tôi khi ấy ra sao. Có lẽ nó đã trả về đúng với lứa tuổi 40. Lớp phấn mỏng không đủ che khuất được nếp nhăn nơi khóe mắt. Khi nhăn mặt càng rõ hơn. Tan họp, Huỳnh đi sát tôi, nói nhỏ: "Đừng giận, tôi chỉ làm tròn trách nhiệm của mình thôi. Mong Hằng nghĩ lại. Nhiều bài học nhỡn tiền của những năm qua, do nóng vội, phải trả giá đắt rồi. Một thành phố, ngoài sức sống, còn phải có cái gì riêng của mình chứ". Tôi cười nhạt. Miệng nói cảm ơn, nhưng trong bụng nghĩ khác, chấp làm gì với con người cứ khư khư ôm lấy cái viển vông.
Chồng tôi lại nhận xét: "Huỳnh là con người quyền biến, phản ứng nhanh nhạy. Không chỉ trong xây dựng. Cậu ấy luôn đưa ra những gợi ý khiến người nghe phải nghiêm túc suy ngẫm. Đừng cả giận mất khôn". Chồng tôi người tỉnh Đ. cũ. Lại "Đông Đường - Tây Đường". Nụ cười trên môi tôi nhạt thếch. Hình như chồng tôi không cần chờ câu trả lời của tôi. Anh bổ sung thêm, đấy là những điều rút ra được những lần nói chuyện với Huỳnh. Bằng cấp là tốt. Nhưng nếu không có cái tâm, cái tầm thì bằng cấp chỉ là... bằng cấp. Để không khí trong nhà nhẹ bớt, chồng tôi lái sang vấn đề khác. Với hơn 10 năm ở Đ., cứ nghĩ mình thuộc từng con đường hẻm phố. Mọi thứ có sẵn trong đầu, cần lúc nào là lôi ra được ngay. Hóa ra chả biết gì hết. Thật sai lầm.
Có lẽ do suy nghĩ nhiều. Cả tức giận nữa. Tôi ốm. Ban đầu nhẹ, sau nặng dần. Rồi nằm liệt. Ông trưởng phòng lo cuống. Thời hạn trình lên lãnh đạo viện chả còn bao lâu. Huỳnh đến thăm tôi. "Trông kìa, bà thử nhìn lại mình coi. Buồn cười đến chết đi được". Tôi ngước nhìn tấm gương trước mặt. Tôi như không phải là tôi nữa. Tóc tai xù lên như lông nhím. Áo quần đều là hàng tốt, hàng "xịn"mà lôi thôi lếch thếch. Nước da sậm lại, như kẻ quê mùa cục mịch. Tôi cười lớn. Huỳnh cũng cười. Dường như mọi ưu phiền bệnh tật trong tôi vơi đi quá nửa. Huỳnh bảo: "Ông trưởng phòng nhắn tôi đến hỏi chị xem có cần đưa đi đâu chữa bệnh không? Viện sẽ giúp. Thời gian gấp lắm rồi". Tôi hiểu Huỳnh có ý nhắc đến bản quy hoạch và cải tạo con sông. Nhưng tôi đang ốm nặng thế này làm sao thực hiện nổi. Tôi bảo: "Anh cùng với nhóm của tôi xem lại. Cần bổ sung, sửa chữa hạng mục nào thì cùng nhau bàn kỹ". Lần đầu tiên tôi chia sẻ thực lòng với Huỳnh. Chắc do Huỳnh đến thăm tôi chăng? Người ta thường yếu lòng vào những giây phút cảm thấy cô đơn? Huỳnh nói: "Này, bà vẫn phải ký chủ trì thiết kế đấy nhé. Tôi chỉ là kẻ ăn ké ăn cẩm thôi".
Bản đồ án chưa kịp trình duyệt cấp viện thì lệnh trên quyết định tái lập tỉnh. Ai về quê người nấy theo quy định. Theo đúng biên chế, tôi về Y. Có thể được đề bạt, tăng lương. Tôi băn khoăn. Sẽ không là gì nếu không được gần chồng con. Thuyền theo lái, gái theo chồng. Nhưng đây là quyết định, tôi không thể cưỡng lại. Ở đây không có chỗ cho tôi. Về bên kia chồng tôi không muốn. Tôi nói đùa: "Nhà ông bà ngoại không có cái "chạn" nào đâu". Anh cười: "Chuyển nhà cửa không phải là điều đơn giản, muốn là được. Anh và mẹ sẽ lo toan công việc chu toàn. Mọi người đều thế cả. Em đừng lo. Cứ yên tâm về Y. Khó khăn thì rõ rồi. Phải khắc phục dần thôi". Miệng ừ nhưng lòng tôi bộn bề lo lắng.
Phòng tôi cũng tổ chức bữa tiệc nhỏ, gọi là để chia tay. Mắt ai cũng đỏ hoe. Bao hiểu lầm và cả bực dọc, kèn cựa hình như tiêu tan. Ông trưởng phòng nói vài lời phi lộ. Chắc ông xúc động lắm. Chưa khi nào ông nói bị lỗi nhiều như lần này. Thôi, có gì ta bỏ quá cho nhau. Những bàn tay nắm chặt những bàn tay. Không muốn rời. Mắt nhìn nhau như sắp khóc. Có lẽ trong cái bầu không khí tràn ngập cảm xúc ấy, Huỳnh mạnh dạn cầm tay tôi: "Tôi biết chị chẳng ưa gì tôi. Cũng là do hiểu lầm thôi. Chị luôn cho rằng tôi là kẻ ngáng đường công danh của chị. Tôi thành thật xin lỗi. Chỉ vì cái chung. Tình yêu quê hương là ngang nhau. Nhưng tôi hiểu thị xã Đ. hơn chị. Đừng giận vì câu nói thực lòng. Hôm nào rỗi, tôi sẽ sang chơi. Chớ để tôi đói đấy". Tôi cười, chả ai giận ai được lâu đâu. Tôi còn gia đình ở lại đây cơ mà.
Hai mươi năm sau, tôi nghỉ hưu, lại trở về Đ. sinh sống cùng chồng con. Thị xã Đ. đã trở thành thành phố. Và đang hướng tới thành phố loại 1 vào năm 2020. Đường Bạch Đằng rộng thoáng và sạch. Hai bên bờ sông không phải là hàng cây, mà phải gọi là rừng cây mới đúng. Cây đô thị. Huỳnh đã đúng. Hàng cây đứng thẳng, tao tác cựa mình. Những đốm nắng dịu dàng buông xuống lung linh. Khi ẩn khi hiện trên nền gạch tự chèn đỏ tươi. Rặng liễu bên kia sông lớp lớp như mái tóc thiếu nữ xổ tung hong gió. Dòng sông đen kịt, sủi tăm hôi thối đã biến mất như phép màu kỳ diệu. Nước thải đã được xử lý. Tôi ngồi im lặng trên băng ghế đặt gần bờ kè đá vuông vức. Bản đồ án của tôi hai mươi năm trước đã được Huỳnh và đồng nghiệp của tôi tiếp nhận, bổ sung hoàn thiện. Trên danh nghĩa, tôi vẫn là chủ đề tài. Nhưng tôi vẫn cho rằng Huỳnh xứng đáng hơn. Thì ra mọi suy nghĩ của tôi ngày xưa đều sai bét. Công trình quy hoạch và cải tạo đoạn cuối sông Sặt là minh chứng cho tình đoàn kết ấy. Lời đồn "Đông Đường - Tây Đường" chỉ là lời bịa đặt của kẻ vô công rồi nghề. Xưa nay mọi thứ đều có thể chìm. Nhưng dòng sông thì không thể. Nó luôn mang theo những gì mà con người in dấu. Bất khuất trước thời gian. Như nhắc nhở.
Trong không gian dịu êm và lắng đọng, trong cái yên tĩnh của buổi hoàng hôn, tự nhiên tôi thèm nghe một tiếng sáo diều, một tiếng chim cu nồng nàn gọi bạn.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN