UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ 19 dự án cơ bản đáp ứng các điều kiện chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công nghệ tuynel.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Cương. Ảnh: Thành Chung
Sáng 10.7, HĐND tỉnh nghe đồng chí Nguyễn Anh Cương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo kết quả việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công trên địa bàn tỉnh.
Tứ Kỳ: Số lò gạch chưa tháo dỡ nhiều nhất tỉnhTheo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay toàn bộ 172 lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh đã dừng hoạt động. Đã có 110 lò tháo dỡ hoàn toàn, đạt gần 64%; 41 lò đang tháo dỡ, đạt 23,8%. Điều đáng nói đến nay, vẫn còn 21 lò chưa tháo dỡ. Trong đó, huyện Tứ Kỳ có số lò chưa tháo dỡ nhiều nhất tỉnh với 8 lò. Huyện Ninh Giang và TP Hải Dương, mỗi huyện còn 4 lò. Các huyện Kim Thành, Cẩm Giàng và thị xã Chí Linh, mỗi địa phương còn từ 1-2 lò.
UBND tỉnh cũng đã có báo cáo Bộ Xây dựng về việc xây dựng lộ trình, tổ chức thực hiện chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công trên địa bàn tỉnh theo quy định. Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Văn phòng Luật sự Tràng Thi, khẳng định việc UBND tỉnh Hải Dương ban hành các văn bản về lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh có cơ sở pháp lý, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số hạn chế trong thực hiện chỉ đạo chấm dứt hoạt động của lò gạch thủ công từ ngày 1.1.2016. Sau hơn 1,5 năm, một số huyện đã thực hiện tốt chỉ đạo của tỉnh nhưng cũng còn một số địa phương làm chưa nghiêm. Nguyên nhân là do hầu hết các chủ lò chưa nhận thức đúng hoặc cố tình hiểu sai về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch thủ công, còn tâm lý trông chờ, tìm mọi biện pháp trì hoãn. Một số huyện tuy đã triển khai nhưng chưa thật sự quyết liệt hoặc chưa xây dựng kế hoạch và biện pháp thực sự hiệu quả, cá biệt còn một số ít huyện thực hiện chưa tốt.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có kết luận về việc gợi ý kiểm điểm năm 2016 đối với một số sở, ngành của ttinhr và Ban Thường vụ một số Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy kiểm điểm trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Các tập thể, cá nhân được gợi ý kiểm điểm đã thực hiện kiểm điểm và báo cáo kết quả về Tỉnh ủy.
Xem xét cấp phép 19 dự án gạch tuynelBáo cáo cũng chỉ rõ sau khi thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động sản xuất gạch thủ công, hầu hết các chủ lò đã tự chuyển đổi sang các hình thức sản xuất khác như nuôi trồng thủy sản, sản xuất xuất gạch không nung... Một số chủ lò có đủ điều kiện về mặt bằng, vùng nguyên liệu, năng lực tài chính, kinh nghiệm sản xuất đã đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển sang sản xuất gạch bằng công nghệ tuynel.
Sau khi kiểm tra, xem xét 24 dự án xin chuyển đổi sang công nghệ sản xuất gạch tuynel, UBND tỉnh đã trình Ban Thường vụ 19 dự án cơ bản đáp ứng các điều kiện chuyển đổi sang sản xuất gạch theo công nghệ tuynel. Trong đó, huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh, mỗi địa phương 4 dự án; các huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, mỗi huyện 3 dự án; các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ và Kim Thành, mỗi địa phương 1 dự án; huyện Kinh Môn 2 dự án.
Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm đối với các lò gạch thủ công chưa được tháo dỡ hoàn toàn. Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan hướng dẫn các chủ dự án lập dự án đầu tư và tổ chức thẩm định theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh. UBND tỉnh chỉ quyết định chủ trương đầu tư nếu các dự án bảo đảm các tiêu chí và nguyên tắc: Vùng nguyên liệu có vị trí gần lò chuyển đổi; mỏ nguyên liệu bảo đảm đủ khối lượng, trữ lượng để thực hiện dự án theo quy định. Lò đề xuất chuyển đổi không có khiếu kiện về môi trường, không có tranh chấp về đất đai. Có đầy đủ các thủ tục về đầu tư theo quy định; phù hợp với quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Thời gian chấp thuận đầu tư, cho thuê đất tối đa 20 năm, công suất không quá 20 triệu viên/năm/dự án.
Văn bản của UBND tỉnh khẳng định, chỉ xem xét cho lập dự án với điều kiện chủ lò thủ công đã tháo dỡ hoàn toàn và đáp ứng được các nguyên tắc trên.
SỸ THẮNG