Tình trạng đổ rác thải trong hành lang bảo vệ đê trên địa bàn tỉnh đã diễn ra từ lâu, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của các tuyến đê...
Nạn đổ rác thải bừa bãi khiến các tuyến đê trở nên nhếch nhác, ô nhiễm
Bôi nhọ... mặt đêHiện nay, hầu hết các tuyến đê đều tồn tại những bãi rác tự phát, chủ yếu là rác thải sinh hoạt. Dù đa phần các địa phương đã có tổ thu gom rác nhưng do các tổ chỉ hoạt động định kỳ nên khi phát sinh nhiều rác thải, một số hộ dân thường mang ra triền đê vứt bởi đê ở xa khu dân cư nên ít bị phát giác. Ban đầu chỉ lác đác vỏ bao dứa, vỏ túi nilon đựng rác, dần dần nhiều triền đê trở thành điểm tập kết rác. Để phục vụ công tác phòng chống lũ cũng như nhu cầu đi lại của người dân, nhiều đoạn đê đã được cứng hóa. Đường đi thuận tiện cũng là lý do khiến "bệnh" vứt rác ra đê ngày một trầm trọng hơn. Anh Nguyễn Đức Thuận ở xã Phượng Hoàng (Thanh Hà) cho biết: “Những năm trước tôi thường hay đi đường đê để tới chỗ làm vì đây là con đường ngắn nhất. Nhưng bây giờ tuyến đê tả sông Thái Bình đầy rác thải. Không chỉ người dân địa phương mà những người ở nơi khác hay đi lại trên đoạn đê này cũng tiện đường mang rác ra vứt. Vì rác thải mà tuyến đê được trải nhựa phẳng phiu trở nên nhem nhuốc và bốc mùi khó chịu. Bây giờ tôi hiếm khi đi qua đoạn đê này”.
Trên các tuyến đê thuộc các xã Thanh Hải, Tiền Tiến (Thanh Hà), Việt Hưng (Kim Thành), Nhân Huệ (Chí Linh)... đều tồn đọng lượng rác thải lớn. Khi có mưa, nước từ các bãi rác chảy xuống lòng kênh hay bờ ruộng, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước tưới. Việc tập kết rác bừa bãi là đe dọa trực tiếp đến an toàn của thân đê, bởi đây là điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng như chuột, mối trú ngụ. Hơn nữa, những bãi rác ở triền đê phía ngoài bãi sông khi nước lũ lên cao sẽ bị phân tán ra các nơi mang theo nhiều mầm bệnh gây hại. Mặc dù hậu quả đã rõ ràng nhưng việc xử lý nạn đổ rác trên đê vẫn còn nhiều bất cập.
Nơi kiên quyết, chỗ thờ ơ"Vì rác thải mà tuyến đê được trải nhựa phẳng phiu trở nên nhem nhuốc và bốc mùi khó chịu. Bây giờ tôi hiếm khi đi qua đoạn đê này". |
|
Tứ Kỳ là địa phương kiên quyết xử lý nạn đổ rác thải ra đê và đạt được kết quả nhất định. Trước kia, dọc tuyến đê hữu sông Thái Bình chạy qua huyện phát sinh nhiều bãi rác tự phát, tập trung tại các xã Bình Lãng, Đại Đồng, An Thanh... Để khắc phục thực trạng này, Hạt Quản lý đê Tứ Kỳ đã phối hợp với chính quyền những xã trên thuê máy móc, nhân lực vận chuyển rác thải ra khỏi hành lang đê, sau đó cắm biển cấm đổ rác. Thời gian đầu, Hạt Quản lý đê phân công nhân viên quản lý địa bàn xuống túc trực, nhắc nhở người dân. Nhưng do lực lượng mỏng nên chỉ có thể theo dõi vào thời điểm cố định. Vì vậy, một số hộ dân vẫn lén lút đổ trộm rác.
Tại thị xã Chí Linh, dọc tuyến đê tả sông Kinh Thầy qua các xã, phường Văn An, Đồng Lạc, Tân Dân, Phả Lại, Nhân Huệ những năm trước cũng tràn ngập rác. Sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn đã phần nào hạn chế được việc xả rác bừa bãi trong hành lang bảo vệ đê. Mặc dù vậy, việc xử lý cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn là lượng rác thải tồn đọng từ lâu chứ khó có thể ngăn chặn được hành vi của người dân.
Nhiều nơi như các huyện Thanh Hà, Kinh Môn thì vẫn đang loay hoay tìm giải pháp khắc phục. Đổ rác thải ra đê là hành vi vi phạm Luật Đê điều, gây nhiều ẩn họa tới an toàn đê nhưng việc xử lý vấn đề này ở mỗi nơi lại có những vướng mắc riêng. Ông Nguyễn Khắc Nguyên, Trưởng Phòng Quản lý công trình, Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh lý giải: "Tứ Kỳ và thị xã Chí Linh quyết liệt tìm cách khắc phục để có thể chủ động trong việc xây dựng tuyến đê kiểu mẫu. Tuy nhiên giải pháp mới chỉ xuất phát từ một phía vì người dân vẫn chưa thực sự nhận thức được đầy đủ tác hại của việc vứt rác ra đê nên tình trạng này vẫn còn tái diễn. Còn một số địa phương ở các huyện Thanh Hà, Kinh Môn, mặc dù các Hạt Quản lý đê thường xuyên đi kiểm tra, đánh giá thực trạng rác thải trên đê và gửi văn bản đốc thúc chính quyền địa phương hợp tác để xử lý, nhưng việc xử lý vẫn còn mang tính hình thức, nửa vời. Vì vậy, tình trạng vứt rác ra đê ở những nơi này không những không được khắc phục mà thậm chí còn nặng thêm".
Để xử lý triệt để tình trạng vứt rác thải vào hành lang bảo vệ đê, bên cạnh việc nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ thu gom rác, quy hoạch bãi rác tập trung hợp lý thì các địa phương cần quan tâm tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Có như vậy mới có thể giải quyết được tận gốc vấn đề, nếu không sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: những bãi rác tồn đọng cũ vừa được xử lý thì lại phát sinh thêm nhiều bãi rác mới.
DŨNG CƯỜNG