Hình ảnh từng tốp học sinh vây quanh những người bán đồ ăn vặt ở cổng trường trước và sau giờ học đã trở nên quen thuộc. Nhưng chất lượng của những đồ ăn này liệu có bảo đảm?
Đồ ăn vặt thu hút nhiều người mua vì giá rất rẻ. Trong ảnh: Mua bán đồ ăn vặt
trước cổng Trường Tiểu học Cổ Dũng (Kim Thành)
Không nhãn mácThông thường, chỉ cần vài bộ bàn ghế, chiếc xe đẩy, thậm chí chỉ cần một thùng xốp là có thể bán hàng ăn vặt ở cổng trường. Đồ bán rất đa dạng, từ xôi, bánh mì, sữa đến những món ưa thích của nhiều học sinh như các đồ chiên rán, hoa quả dầm, ô mai và cả những túi được gọi chung là "bim bim"... Đặc điểm chung của những món ăn này là có bao bì khá bắt mắt trong khi giá thành lại rẻ, chỉ từ 2.000-5.000 đồng. Chưa kể, một số món ăn còn được tặng kèm một món đồ chơi nhỏ nên thu hút nhiều học sinh.
Hơn 6 giờ sáng thứ 2 đầu tuần này, trước cổng các trường tiểu học và THCS Cổ Dũng (Kim Thành), nhiều học sinh, phụ huynh vây quanh 2 người phụ nữ bán đồ ăn vặt. Do ở cạnh trường nên bà Nguyễn Thị L. đã bán đồ ăn vặt từ hơn 14 năm nay. Trong chiếc xe đẩy của bà chứa khá nhiều mặt hàng. Đáng chú ý là nhiều sản phẩm không có nhãn mác, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Ví dụ, chiếc bánh mì được làm theo hình con cua có giá 3.000 đồng không hề có nhãn mác. Khi chúng tôi tỏ ra lo ngại về chất lượng của chiếc bánh thì bà L. trấn an: "Cháu cứ yên tâm, những chiếc bánh mì này cô chỉ bán trong ngày, nếu không bán hết sẽ trả lại cho đại lý nên không có chuyện bánh bị hỏng". Khi chúng tôi thắc mắc về việc đại lý thu gom bánh mì không bán hết với mục đích gì thì bà L. cho biết: "Hàng không bán được thì cô trả lại chứ sau đó họ xử lý thế nào cô cũng không rõ".
Gần đến giờ tan học, cổng Trường THCS Tân Bình (TP Hải Dương) lại trở thành nơi "tụ họp" của nhiều người bán đồ ăn vặt. Khi tiếng trống trường vừa dứt, từng tốp học sinh túm năm, tụm ba vây quanh những người bán hàng. Quán nhà ông L. gần cổng trường chật kín chỗ ngồi. Gọi là "quán" nhưng thực chất, ông L. chỉ kê vài ba bộ bàn ghế nhựa, ông và vợ bán nhiều mặt hàng, từ đồ dùng học tập, đồ chơi đến vô số đồ ăn vặt. Với một chiếc chảo rán ngập dầu mỡ, vợ ông L. dùng đôi tay trần nhanh chóng xiên những viên cá vào một chiếc que rồi chiên vàng. Những que cá viên chiên, xúc xích, nem sau khi chiên được bày trên khay và không che đậy. Bên cạnh đó, ông L. cũng bán rất nhiều loại bim bim với những tên gọi khá lạ tai như "Quả nhân sâm", "Hổ Ka Ka" giá chỉ có 2.000 đồng/gói. Trong vai một người đang chuẩn bị bán đồ ăn vặt ở cổng trường cần học hỏi kinh nghiệm, ông L. chia sẻ với tôi về mối hàng và cho biết có nhiều mặt hàng khi nhập sỉ với giá rẻ bất ngờ, khi bán sẽ lãi khoảng 50%. Từ khi mở quán bán đồ ăn vặt đến nay, ông L. chưa phải ký bất cứ giấy tờ nào cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm Sở dĩ những hàng quán bán đồ ăn vặt ở cổng trường vẫn luôn thu hút nhiều khách hàng một phần là do sự thờ ơ của chính người tiêu dùng. Nhiều phụ huynh đưa ra lý do bận công việc, không có thời gian nên tranh thủ mua đồ ăn cho con khi tới trường. Không ít phụ huynh sẵn sàng cho con tiền tiêu vặt mà không biết con em mình dùng số tiền đó để mua những gì.
Trước khi vào trường, em Đặng Văn Tuấn Anh, học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Cổ Dũng mua 2 gói sợi củ cải Chu Kiến. Em Tuấn Anh cho biết: "Em thích ăn sợi củ cải vì nó dai, có vị chua ngọt, mùi thơm, trong mỗi túi lại có một món đồ chơi nhỏ, trong lớp cũng có nhiều bạn thích ăn sợi củ cải như em".
Quan sát các gói "Sợi củ cải Chu Kiến", chúng tôi thấy một số gói đã bị rách nên sợi củ cải bị ẩm, trên bao bì có ghi "Hạn sử dụng: 180 ngày; Ngày đóng gói: Trên bao bì". Tuy nhiên, trên bao bì lại không ghi ngày sản xuất, đóng gói.
Chị Nguyễn Thị Tưởng ở thôn Giữa, xã Cổ Dũng vì công việc bận rộn nên không có thời gian chuẩn bị bữa sáng cho con. Dù biết những đồ ăn bày bán ở cổng trường có thể không bảo đảm ATVSTP nhưng chị cũng đành "tặc lưỡi" cho qua vì không còn sự lựa chọn nào khác.
Theo ông Phạm Duy Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, từ trước tới nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào ngộ độc thực phẩm vì ăn đồ ăn vặt trước cổng trường. Việc quản lý các hàng quán này thuộc cấp xã. Các hộ kinh doanh mặt hàng này phải ký cam kết bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên, những thực phẩm bày bán ở cổng trường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSTP. Việc xác định nguồn gốc, xuất xứ của những đồ ăn vặt này cũng rất khó khăn.
Để bảo đảm sức khỏe cho con em mình trước vấn nạn thực phẩm bẩn đang len lỏi vào trường học, phụ huynh nên thu xếp thời gian, nấu cho con ăn uống ngay tại nhà để bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ khi cho con tiền tiêu vặt, tránh để con dùng số tiền này mua những đồ ăn không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Nếu không nấu cho con ăn tại nhà thì phụ huynh nên chọn những quán ăn sạch sẽ, thoáng mát, dụng cụ chế biến bảo đảm ATVSTP. Khi mua đồ ăn vặt phải tìm hiểu kỹ các thông tin cơ bản trên bao bì sản phẩm để tránh mua phải hàng kém chất lượng. Phụ huynh cần nhắc nhở con em cách lựa chọn đồ ăn bảo đảm ATVSTP.
HUYỀN TRANG